[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Cơ hội và thách thức đan xen nhau

Cơ hội và thách thức đan xen nhau


Công tác dân s và kế hoch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là mt b phn quan trng ca chiến lưc phát trin đt nưc.


     Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước. Bên cạnh những cơ hội và thuận lợi, công tác DS-KHHGĐ còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết một số nét tổng quan về công tác DS-KHHGĐ hiện nay?
Cơ hội và thách thức đan xen nhau
Ông Nguyễn Văn Tân
Ông Nguyễn Văn Tân: Nghị quyết số 04-NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về chính sách DS-KHHGĐ, ngày 14/1/1993 đã khẳng định: “Công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”.
Hơn nửa thế kỷ thực hiện công tác DS-KHHGĐ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào. Từ việc trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 6,4 con năm 1960 xuống còn 2,09 con năm 2006 và đạt mức sinh thay thế. Từ đó đến nay, mức sinh của dân số Việt Nam luôn được duy trì ở mức sinh thay thế.
Năm 2013, dân số Việt Nam tròn 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo 11 năm và hơn 20 năm qua Việt Nam đã tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp. Điều đó đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tăng các cơ hội đầu tư cho giáo dục đào tạo, cải thiện chất lượng các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Đây là cơ hội có một không hai trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai cao. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm mạnh xuống còn 15,3%o năm 2013. Tỷ số tử vong bà mẹ cũng giảm đi nhanh chóng trong thời gian qua. Điều đó đã mang đến các cơ hội rất lớn cho chị em phụ nữ được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Mức sinh thấp, mức chết thấp đưa tuổi thọ tăng nhanh. Tuổi thọ người Việt Nam hiện nay là 73,1 tuổi (năm 2013), đặc biệt là kỳ vọng sống của nhóm dân số 60 tuổi đã tương đương với các nước phát triển (châu Âu: 22 tuổi, thế giới: 20 tuổi, các nước đang phát triển: 17,75. Việt Nam: 21,5 tuổi).
Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng, già hóa dân số diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, mức sinh còn cao tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người di cư, vị thành niên và thanh niên chưa đáp ứng được nhu cầu, chất lượng dân số còn nhiều hạn chế.
PV: Một vấn đề đang đặt ra trong công tác dân số hiện nay là mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, điều này sẽ gây những hệ lụy gì và biện pháp can thiệp là như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tân: Một trong những vấn đề nhức nhối của công tác dân số cũng như của xã hội hiện nay là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày một gia tăng. Năm 2013 đã là 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái. Nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, an ninh và an toàn trật tự xã hội… Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ. Điều đó sẽ làm tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không có khả năng kết hôn, gia tăng bất bình đẳng giới, bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ…
Để giải quyết có kết quả tình trạng này, cần phải thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp: (1) Tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động để người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới; (2) Thực hiện các chính sách ưu tiên nữ giới, ưu tiên những gia đình sinh con một bề là nữ; (3) Tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Để thực hiện 3 nhóm giải pháp này cần 4 điều kiện tiên quyết: (1) Tăng cường cam kết chính trị với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; (2) Củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ nhất là ở tuyến huyện và tuyến xã. Theo đó, công tác dân số phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương. (3) Tăng cường và ưu tiên nguồn lực cho việc giải quyết các mục tiêu về MCBGTKS. (4) Tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế.
PV: Theo quy định, việc xác định giới tính thai nhi bị cấm nhưng hiện nay không ít cơ sở y tế tư nhân vẫn bắt mạch, siêu âm, xét nghiệm cho người đang mang thai để xác định giới tính thai nhi. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Tân: Đúng là luật pháp của ta đã quy định rất rõ về vấn đề này. Tuy nhiên trên thực tế, để phát hiện ra hành vi vi phạm này là rất khó và nếu chúng ta không bắt được quả tang hành vi vi phạm thì khó mà xử lý được cơ sở cung cấp dịch vụ vi phạm.
Cho đến nay, trong toàn quốc chúng ta cũng chỉ phát hiện được một vài trường hợp vi phạm mà tất cả những trường hợp đó đều nhờ các phương tiện truyền thông đã bí mật ghi hình trước. Trong khi đó, theo kết quả Điều tra Biến động DS-KHHGĐ 1/4/2013 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có đến 83% phụ nữ 15-49 tuổi có biết giới tính thai nhi (trong đó nông thôn cũng cao gần như thành thị: 82% và 85,1%). Điều đó cho thấy tình trạng xác định giới tính thai nhi là rất phổ biến. Do vậy, chúng ta cần kết hợp nhiều biện pháp trong đó có tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động đội ngũ cán bộ y tế và người dân kết hợp với việc thực hiện các chính sách ưu tiên nữ giới, ưu tiên những gia đình sinh con một bề là nữ.
Cơ hội và thách thức đan xen nhau
Đẩy mạnh tuyên truyền dân số kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: Trần Minh
PV: Dân số Việt Nam đã đạt ở con số 90 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới và thứ 8 châu Á về quy mô dân số. Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng, vấn đề đặt ra là làm sao giải quyết được những thách thức cũng như tận dụng được cơ hội vàng này. Xin ông cho biết đó là những giải pháp nào?
Ông Nguyễn Văn Tân: Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với hơn 62 triệu người (69% dân số) đang trong độ tuổi lao động là một nguồn nhân lực khổng lồ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho sự chấn hưng và phát triển của dân tộc với phương châm đi tắt đón đầu.
Tuy nhiên, trình độ chuyên môn kỹ thuật, ý thức kỷ luật lao động, sức bền, kỹ năng quản lý của chúng ta còn nhiều hạn chế. Theo Tổng Điều tra Dân số và Nhà năm 2009, trong nhóm dân số từ 15 tuổi trở lên, có đến 86,7% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (từ sơ cấp đến đại học). Số người có trình độ đại học và trên đại học chỉ chiếm một phần rất nhỏ (4,4%). Đây thực sự là một con số đáng báo động đối với lực lượng lao động của nước ta. Đó là chưa kể đến việc đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động. Câu chuyện về việc không doanh nghiệp nào trong nước sản xuất được chiếc ốc vít cho tập đoàn Samsung vừa qua là một ví dụ điển hình về năng lực sản xuất, cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của chúng ta.
Rõ ràng là để có thể tận dụng được “cơ hội vàng” này chúng ta cần có lực lượng lao động “vàng về chất lượng”. Cốt yếu đầu tiên là giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề phải được nâng cao về chất lượng, thay đổi phương thức đào tạo, ngành nghề đào tạo, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội; Bên cạnh đó cũng cần đầu tư nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên năng suất lao động. Đa dạng hóa ngành nghề ở khu vực nông thôn, các ngành sử dụng nhiều lao động; Có chính sách đầu tư và tái đầu tư cho phát triển - đặc biệt là cho phát triển con người, trước hết là giáo dục, y tế, dân số, chú trọng điều tiết quá trình di cư nhằm duy trì và phát triển lao động có trình độ, kỹ năng cho các vùng đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng, đồng thời giảm tải các vùng có tích tụ dân số quá lớn.
Để tận dụng và phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng không chỉ có sự tham gia của các cấp uỷ đảng, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội mà thiết thân hơn cả là tự mỗi cá nhân cần có ý thức và trau dồi kiến thức, kỹ năng, tinh thần dân tộc để đáp ứng yêu cầu công việc và tạo ra nhiều giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm được tạo ra, chung tay đưa đất nước cất cánh bay lên.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Thành (thực hiện)
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/