[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Giảm 100.000 biên chế: Sếp cũng có thể vào "vòng nguy hiểm"

Giảm 100.000 biên chế: Sếp cũng có thể vào "vòng nguy hiểm"

Dự kiến, có khoảng 100.000 người thuộc diện tinh giản biên chế theo Dự thảo nghị định mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến người dân. Cả "sếp" cũng có thể rơi vào "vùng nguy hiểm".

Giảm 100.000 biên chế: Sếp cũng có thể vào "vòng nguy hiểm" - Ảnh 1
Tinh giản biên chế sẽ giúp tiết kiệm ngân sách và tạo áp lực nâng cao chất lượng cán bộ, công chức (ảnh minh họa)
Giữ chức danh chủ chốt vẫn có thể bị tinh giản
Theo Dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế mà Bộ Nội vụ vừa công bố lấy ý kiến nhân dân, sẽ có 5 nhóm công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế. 
Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hợp đồng không xác định thời hạn dôi dư do sắp xếp lại, chưa đạt trình độ theo tiêu chuẩn, có chuyên môn đào tạo không phù hợp với ngành nghề, có năng lực hạn chế, có 2 năm liên tiếp có số ngày nghỉ ốm trên 60 ngày. 
Thứ hai là, cán bộ cấp xã nghỉ việc do thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số chức danh theo quyết định của cấp trên, không thể bố trí được công tác khác. 
Thứ ba là, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc và các vị trí lãnh đạo của các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, nay cổ phần hóa hoặc giao, bán, giải thể, phá sản… 
Thứ tư là, người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới. 
Thứ năm là, những cán bộ, công chức được luân chuyển sang giữ các chức danh chủ chốt, được tuyển dụng hoặc được điều động thuộc biên chế được giao trong các hội có tính chất đặc thù, nay thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại hoặc không đáp ứng yêu cầu chuyên môn…
Như vậy đối tượng tinh giản biên chế gồm cả các cán bộ giữ các chức danh chủ chốt, thành viên hội đồng quản trí, tổng giám đốc và các vị trí lãnh đạo của các công ty.
Dự kiến, việc tinh giản biên chế sẽ được thực hiện trong vòng 6 năm (2014 - 2020), trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.
Mức phí bình quân cho một người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, còn một người thôi việc là khoảng 90 triệu đồng nên tổng kinh phí dự kiến để thực hiện chính sách tinh giản biên chế là khoảng 8.000 tỷ đồng.
Mất 8.000 tỷ đồng nhưng tiết kiệm ngân sách được 17.000 tỷ đồng
Trước đó, tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đầu năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chế độ công chức hiện vẫn nặng tính bao cấp, chưa phát huy được trí tuệ của cán bộ. Đó là chế độ chi vẫn tính trên tổng biên chế nói chung mà chưa tính đến việc làm cụ thể của từng vị trí.
Hiện tại, cả nước có khoảng 2,8 triệu công chức, nhưng theo Phó Thủ tướng, 30% trong số đó (khoảng 840.000 người) không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp về", không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào. 
Nếu quyết định tinh giản 100.000 công chức trong 6 năm được thực hiện, Chính phủ mới giải quyết được 12% công chức không làm được việc.
Theo thông tin từ một Đại biểu Quốc hội Đoàn Đại biểu TP. Hà Nội, nếu tinh giản được toàn bộ con số 30% cán bộ công chức, viên chức không làm được việc, ngân sách sẽ tiết kiệm được 17.000 tỷ đồng chi cho số cán bộ này.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, việc tinh giản biên chế nếu tiến hành song song với việc tuyển dụng mới thì số lượng viên chức vẫn duy trì quy mô như cũ, cần sử dụng một lượng ngân sách tương đương.
Một số ý kiến ca cũng lo ngại sẽ xảy ra tình trạng nhiều cán bộ chạy chọt, "đi cửa sau" để không bị tinh giản biên chế.
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết ngày 20/2 sẽ là hạn chót để tiếp nhận ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định tinh giản biên chế từ các bộ ngành.
Phương Phương