[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , XÃ HƯNG TÂN 60 NĂM (18/12/1953-18/12/2013) TRƯỞNG THÀNH, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN

XÃ HƯNG TÂN 60 NĂM (18/12/1953-18/12/2013) TRƯỞNG THÀNH, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN

Xã Hưng Tân chúng ta ngày nay, trước đây được hình thành trên cơ sở 2 làng: Hoàng Cần và Phan thôn. Theo nghiên cứu điền dã và tộc phả các dòng họ lớn, từ thế kỷ 16 vùng đất này là vùng đầm lầy, cây cối rậm rạp và thưa thớt dân cư. Thời Lê – Mạc phân tranh, một số quan lại nhà Lê hoặc chạy giặc, hoặc bị giặc truy đuổi đã phiêu dạt về vùng đất này ẩn náu. Họ đã chiêu dân, khai hoang lập ấp, lập nên các làng mạc, trong đó có Hoàng Cần và Phan thôn.
Với nền văn minh lúa nước, người dân Hoàng Cần và Phan thôn từng bước tạo dựng nên một truyền thống cần cù, đoàn kết, chịu thương, chịu khó, sáng tạo, hiếu học và yêu làng, yêu nước.
Sau sự kiện thực dân Pháp tấn công vào Đà Nẵng, cùng với nhiều sỹ phu yêu nước ở Hưng Nguyên, nhân dân 2 làng Hoàng Cần và Phan Thôn đã nhất tề đứng lên hưởng ứng các phong trào Nghĩa Hội – Cần Vương, Đông Du, Duy Tân, Việt Nam quang phục hội... Trong các phong trào ấy, ở Hoàng Cần và Phan thôn đã xuất hiện nhiều tấm gương nghĩa liệt.
Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời mở ra thời kỳ đấu tranh cách mạng mới. Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã lan tới các làng xã ở Hưng Nguyên trong đó có Hoàng Cần và Phan Thôn. Đỉnh cao là vào sáng ngày 12/9/1930 hơn 2 vạn nông dân Hưng Nguyên biểu tình kéo vệ huyện lỵ đòi yêu sách. Đoàn biểu tình xuất phát từ Yên Xuân, Phù Xá kéo ra đình làng Hoàng Cần dừng lại diễn thuyết, kêu gọi quần chúng rồi tiếp tục kéo thẳng xuống phủ đường. Hàng trăm nông dân Hoàng Cần và Phan Thôn đã hăng hái gia nhập đoàn biểu tình. Trước khí thế ngút trời của quần chúng cách mạng, thực dân Pháp đã hèn hạ cho máy bay ném bom tàn sát làm 217 người thiệt mạng. Trong vụ thảm sát này Hoàng Cần và Phan Thôn có tới 17 người anh dũng hy sinh. Sau cuộc biểu tình, các tổ chức nông hội đỏ, tự vệ đỏ được hình thành ở Hoàng Cần và Phan Thôn. Hoàng Cần thành lập được 03 đội tự vệ với 30 đội viên do ông Hồ Tưu chỉ huy. Phan Thôn thành lập được 01 đội tự vệ với 10 đội viên do ông Hồ Giáp chỉ huy. Thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng, các nông hội đã tập trung thu hồi ruộng đất công chia cho dân nghèo. Ở Hoàng Cần, nông hội đã thu được 60 mẫu đất chia đều cho hộ nông dân nghèo. Ngoài ruộng đất các chính quyền xô viết còn tịch thu các loại công quỹ. Hoàng Cần và Phan Thôn mỗi nơi đã thu được 1.200 quan tiền để chia cho nông dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hoàng Cần và Phan Thôn đã hưởng ứng mạnh mẽ phong trào dân chủ 1936-1939 và đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa dành chính quyền năm 1945.
Chỉ trong buổi sáng ngày 20/8/1945 khởi nghĩa dành chính quyền ở Hoàng Cần và Phan Thôn đã thắng lợi hoàn toàn mà không hề đổ máu. Ngay sau khởi nghĩa, Ủy ban cách mạng lâm thời đã ra mắt nhân dân.
Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, các tổ chức cách mạng như nông hội, phụ nữ cứu quốc, Đoàn thanh niên cứu quốc có hạt nhân từ trước đã phát triển rộng rãi. Được sự hướng dẫn trực tiếp của Huyện ủy Hưng Nguyên, đầu năm 1946, chi bộ Minh Tân được thành lập với những Đảng viên đầu tiên như: Phan Xầm, Nguyễn Bá Cự, Hồ Điền, Hồ Ngôn...
Cách mạng thành công nhưng cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Minh Tân đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng hàng trăm người dân nơi đây. Tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết, nhân dân Minh Tân đã kề vai sát cánh, dũng cảm vượt qua khó khăn, vươn lên tham gia cũng cố chính quyền.
Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân được thể hiện quyền công dân, cầm lá phiếu bầu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 24/4/1946, nhân dân Minh Tân hăng hái tham gia bầu cử HĐND cấp Tỉnh và cấp xã. HĐND xã Minh Tân được thành lập với 11 người, cơ cấu một nửa là Đảng viên, còn lại là đại biểu tích cực ngoài Đảng. Toàn xã Minh Tân lúc này được chia thành 9 thôn gồm: Yên Trung; Thọ Đồng; Nam Thắng; Nam Tiến; Đông Tiến; Đông Mỹ; Mỹ Liên; Trung Đức – Tân Trung và Tân Thượng. Nhân dân các thôn xóm đoàn kết hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào do Đảng và Chính phủ phát động như: hũ gạo tiết kiệm, bình dân học vụ, tăng gia sản xuất... Tập trung giệt “ Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Đặc biệt trong “ Tuần lễ vàng” xây dựng “ Quỹ độc lập” nhân dân Minh Tân đã quyên góp được hàng trăm đồng tiền mặt và  hàng chục kg vàng cho đất nước. Tiêu biểu nhất là gia đình bà Nguyễn Thị Nhuận đã hiến tặng vòng vàng, tiền bạc và cho Huyện ủy Hưng Nguyên vay vô thời hạn 2 lượng vàng để làm quỹ hoạt động.
Ông Nguyễn Kim Bảng, Giám đốc Trung Tâm Dân số-KHHGĐ huyện tặng quà lưu niệm
nhân dịp Hưng Tân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập xã 
Hưởng ứng lời kêu gọi “ Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, cùng với nhân dân Hưng Nguyên, nhân dân Minh Tân đã dấy lên khí thế đấu tranh mạnh mẽ. Tất cả công dân của xã từ 17 đến 50 tuổi đều đăng ký vào dân quân tự vệ, cả xã xây dựng một trung đội dân quân đóng tại đình chợ Cần. Công tác canh gác, bảo vệ địa phương, bảo vệ chính quyền được nhân dân quan tâm đặc biệt.
Tháng 5/1949, để tăng cường lực lượng cho cuộc kháng chiến, nhiều xã nhỏ được sát nhập thành xã lớn. Minh Tân cùng với Hưng Tiến, Hưng Thắng, Hưng Thông nhập lại thành xã Hưng Thông ( gọi là Hưng Thông lớn). Theo đó các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể của các xã đã được sát nhập lại với nhau thành những đoàn thể lớn mạnh hơn. Tuy vậy cùng với các xã khác, cán bộ, Đảng viên và nhân dân Minh Tân luôn dẫn đầu các hoạt động kháng chiến, kiến quốc.
Tháng 4 năm 1953, Chính phủ ban hành Sắc lệnh giảm tô, giảm tức và bước đầu thực hiện cải cách ruộng đất. Nhờ đó, cuộc sống của người dân ở Hưng Thông lớn đỡ căng thẳng hơn. Nhân dân phấn khởi tăng gia sản xuất, chi viện cho tiền tuyến.
Tháng 12 năm 1953, huyện Hưng Nguyên chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính xã. Theo đó, xã Hưng Thông từ một xã lớn chia thành 4 xã nhỏ: Hưng Thông, Hưng Tân, Hưng Tiến, Hưng Thắng. Từ đây cái tên Hưng Tân chính thức ra đời.
Ngày 7/5/1954, quân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên “ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, nhân dân Hưng Tân đã có những đóng góp to lớn. Hơn 200 thanh niên tham gia chiến đấu trên các chiến trường. Trong số đó có 36 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và hàng chục thương, bệnh binh khác.
Pháp đã thua nhưng chiến tranh chưa kết thúc. Nhân dân Hưng Tân cùng với cả nước lại dốc sức người, sức của chi viện cho miền nam đánh Mỹ. Hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục sản xuất nông nghiệp, công tác thủy lợi được quan tâm đặc biệt. Nhờ vậy, vụ mùa năm 1955 nông dân Hưng Tân được mùa lớn, trở thành xã đóng thuế cao nhất tỉnh Nghệ An, được Tỉnh và Chính phủ tặng Bằng khen. Bên cạnh đó, các ngành nghề thủ công như dệt vải ở Hoàng Cần bện dây thừng ở Phan thôn phát triển mạnh mẽ, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân. Thời gian này xã cũng đã xây dựng được Trạm y tế tại xóm 6 với cơ ngơi ban đầu gồm 2 phòng sản, 4 phòng khám và điều trị phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đầu năm 1959, xã đã cử một số  cán bộ, Đảng viên tích cực tham dự lớp đào tạo cán bộ quản lý HTX ngắn ngày do huyện ủy Hưng Nguyên mở trên địa bàn xã. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng theo tinh thần “ Đảng viên đi trước, làng nước theo sau’, sau một thời gian ngắn, nhiều hộ nông dân đã tự nguyện làm đơn tham gia HTX. Đến cuối năm 1959, 100% xóm đã xây dựng được HTX nông nghiệp, thu hút hơn 60% số hộ tham gia.
Bên cạnh việc xây dựng các HTX nông nghiệp, phong trào xây dựng HTX tín dụng và HTX mua bán theo tinh thần chỉ đạo của TW về xây dựng “ 3 ngọn cờ hồng” cũng được đẩy mạnh.
Cùng với sự phát triển mọi mặt của phong trào quần chúng, tổ chức Đảng ngày càng được cũng cố và lớn mạnh. Đặc biệt để nâng cao sức chiến đấu của Đảng, tháng 11 năm 1959, chi bộ Hưng Tân đã triệu tập Đại hội quyết định chuyển chi bộ thành Đảng bộ xã Hưng Tân. Các cuộc vận động xây dựng “ Đảng bộ 4 tốt”, “ Chi bộ 4 tốt” và các phong trào “ đoàn viên 5 nhất”, “ phụ nữ 5 tốt” được Đảng ủy quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có tác dụng thúc đẩy phong trào quần chúng tiến lên.
Trong 3 năm(1958-1960) thực hiện khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa, tình hình mọi mặt ở Hưng Tân đã có bước phát triển đáng kể. Xã hoàn thành căn bản cuộc cách mạng dân chủ đưa lại ruộng đất cho dân cày, thực hiện trọn vẹn chính sách “ Người cày có ruộng”. Hoạt động văn hóa, giáo dục có nhiều tiến bộ rõ nét nâng cao đời sống sinh hoạt của người dân.
Với khẩu hiệu “ Tất cả vì miền nam ruột thịt”, quân dân Hưng Tân hăng hái vừa sản xuất vừa chiến đấu. Ngay từ trận đầu chống trả máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, tấm gương chiến đấu tiêu biểu nhất cho tinh thần và chí khí quân và dân Hưng Tân là khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát, thuộc trung đoàn cao xạ 280 bảo vệ thành phố Vinh.  Ba lần bị thương nặng nhưng anh quyết không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Chấp hành chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh và Huyện ủy, nhân dân Hưng Tân đã nhanh chóng chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, từng bước hình thành nếp sống quân sự hóa. Nhân dân đã dồn nơi ở, đất đai cho công tác sơ tán phòng không. Với truyền thống yêu nước, cách mạng, lúc này nhân dân Hưng Tân đã nhường cơm sẻ áo che chở cho các cơ quan cấp Tỉnh, cấp huyện như: Đài PTTH tỉnh, Tỉnh đoàn Nghệ an, Ty tài chính ( nay là Sở tài chính tỉnh Nghệ An); Huyện ủy, UBND huyện  và các phòng, ban ngành, đoàn thể huyện Hưng Nguyên, xưởng cơ khí 12/9, Trường cấp 3 Hưng Nguyên ( nay là Trường THPT Lê Hồng Phong) và hàng trăm đồng bào thành phố Vinh về sơ tán làm việc, công tác, học tập và sinh sống. Hầu như xóm nào, nhà nào cũng có cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên về sơ tán đến ở. Không khí thi đua lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu hết sức sôi nổi.
Trong chiến tranh phá hoại, Hưng Tân là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù. Toàn xã nằm dọc theo con đường 12/9 lịch sử. Con đường truyền thống này trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước lại trở thành tuyến giao thông huyết mạch đưa hàng vạn chiến sỹ, hàng trăm tấn hàng hóa, vũ khí vào phục vụ chiến trường miền nam. Nơi đây là địa bàn làm việc của Tỉnh, Huyện, Đài phát thanh... chỉ đạo kháng chiến chống Mỹ nên trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù. Điển hình ngày 4/5/1968 máy bay Mỹ đã ném xuống Hưng Tân 86 quả bom. Chỉ riêng trong buổi sáng đã có 23 quả bom rơi xuống đội hình sản xuất của xóm 4 làm 10 người thiệt mạng, 17 người bị thương và phá hủy một trạm bơm của xã. Đến buổi trưa chúng lại ném bom dữ dội xuống trọng điểm Bara và đoạn km số 2 trên trục đường 12/9 làm chết 7 người.  Với ý chí, quyết tâm sắt đá, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng dân quân Hưng Tân đã dũng cảm kiên cường chiến đấu, đánh tan nhiều đợt bắn phá của không quân Mỹ. Lực lượng dân quân tự vệ xã được biên chế thành 03 đại đội xung kích trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong khói lửa đạn bom, cán bộ và nhân dân Hưng Tân không hề nao núng, kịp thời triển khai sữa chữa giao thông, đảm bảo cho các chuyến xe ra mặt trận.
Cuối năm 1967, đầu năm 1968, nhu cầu bổ sung quân cho chiến trường rất lớn. Xã đã huy động hàng trăm nam, nữ thanh niên đi khám tuyển và sẵn sàng nhập ngũ. Dân số lúc ấy xấp xỉ 3.000 người nhưng đã bổ sung cho quân thường trực 720 người, tham gia TNXP 157 người, 530 lượt người tham gia dân công hỏa tuyến, điều động 250 lao động tham gia xây dựng hầm hào và trận địa pháo ở Cầu Đen ( Bến Thủy). Ghi nhận những nỗ lực của quân và dân Hưng Tân, năm 1967 đã được Tỉnh đội Nghệ An tặng cờ Quyết thắng mang dòng chữ “ Đơn vị tuyển quân chi viện tiền tuyến giỏi”.
Song song với mặt trận quân sự, trên mặt trận kinh tế Đảng bộ Hưng Tân lãnh đạo đẩy mạnh phong trào sản xuất nông nghiệp nhằm cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho nhân dân và làm tròn nghĩa vụ đối với tiền tuyến. Phong trào “ Thanh niên  sẵn sàng”, “ phụ nữ  đảm đang” và phong trào “ 2 giỏi” được cán bộ, nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ.
Trong những năm 1969-1972, Hưng Tân đã đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi mới như: trạm bơm, mương dẫn nước, trang bị máy cày bằng Diezen... Đồng thời đưa các giống mới ngắn ngày có năng suất cao như: NN5, NN8, Trân châu lùn... vào sản xuất. Kết quả thật đáng tự hào, trong 3 năm liên tục, Hưng Tân đạt sản lượng trên 5 tấn/ha.
Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất. Trong chiến thắng chung của cả dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Hưng Tân đóng góp một phần công sức xứng đáng với 720 thanh niên tòng quân, 157 người tham gia TNXP, 487 dân quân tự vệ địa phương, 530 lượt người đi dân công hỏa tuyến, 52 người vào đội xe thồ, hàng trăm người ở đội trực pháo 75ly và 12ly7. Bên cạnh đó xã đã huy động 2.500 tấn lương thực, 200 tấn thực phẩm phục vụ các chiến trường. Tổ chức hàng chục đợt rà phá bom mìn với 135 quả bom các loại.
Kết thúc chiến tranh, Hưng Tân có 150 liệt sỹ, 170 thương binh, 68 bệnh binh, 6 bà mẹ Việt Nam anh hùng ( hiện đang làm hồ sơ đề nghị truy tặng cho 09 mẹ), 01 anh hùng LLVT nhân dân.
Với những đóng góp to lớn đó, Đảng bộ và nhân dân Hưng Tân được phong tặng 1.370 huân, huy chương các loại cùng hàng ngàn bằng khen, giấy khen cho các gia đình, cá nhân có công lao trong kháng chiến. Đặc biệt Nhân dân và LLVT xã Hưng Tân là đơn vị đầu tiên của Hưng Nguyên được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “ Anh hùng LLVT nhân dân”.
Đất nước hòa bình, thống nhất, Hưng Tân bước vào thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới trước tình hình nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên với bản lĩnh chính trị vững vàng, bằng kinh nghiệm đã tích lũy qua các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ Hưng Tân đã kiên trì tìm tòi sách lược đưa xã nhà vượt qua khó khăn, thách thức, vững bước đi lên.
Qua một thời gian dài tìm tòi, phân tích, đặc biệt là sự nhất trí cao của Đảng bộ và nhân dân toàn xã. Đầu năm 1977, Đại hội thành lập HTX quy mô toàn xã được tiến hành. Đại hội đã quyết định sát nhập 4 HTX nông nghiệp thành 01 HTX quy mô toàn xã lấy tên là HTX Hưng Tân. HTX đã phát huy được vai trò sức mạnh tập thể, hiệu quả sản xuất được nâng lên rõ rệt. HTX đã mua sắm, bổ sung thêm nhiều công cụ sản xuất cho phân chia các đội sản xuất như: xe cải tiến, cày 51, bừa cỏ Triều Tiên. Xã đã xây dựng được khu sản xuất gạch, ngói tập trung phục vụ cho nhu cầu toàn huyện. Thực hiện chỉ thị 100/CT-TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư TW Đảng về khoán ruộng đất đến tay người lao động. Nông dân Hưng Tân có điều kiện đầu tư, chăm sóc, thâm canh, tăng vụ nâng cao sản lượng cây trồng. Các nghĩa vụ lương thực, thực phẩm xã đều hoàn thành tốt. Cũng từ năm 1980, xã đã triển khai xây dựng công trình điện và đã hoàn thành một số hạng mục như tải đường dây cao thế về trạm biến áp, bắt đầu sử dụng điện lưới quốc gia. Quốc phòng, an ninh được cũng cố. Văn hóa xã hội từng bước phát triển. Năm học 1979-1980, Trường cấp 1 được sát nhập với Trường cấp 2 thành trường PTCS. Công tác y tế, vận động sinh đẻ có kế hoạch được triển khai sâu rộng. Đầu năm 1980, Trạm y tế được chuyển về địa điểm mới đã phát huy có hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Song song với phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhân dân Hưng Tân đã trở thành xã dẫn đầu toàn huyện Hưng Nguyên về phong trào đóng góp công trái xây dựng Tổ quốc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, giai đoạn này cơ bản kinh tế Hưng Tân còn nhiều hạn chế. An ninh lương thực chưa được đảm bảo, một bộ phận đáng kể trong nhân dân vẫn chịu cảnh thiếu đói trong các kỳ giáp hạt. Đặc biệt là việc sử dụng quá lâu cơ chế bao cấp đã kìm hãm sự phát triển của sức sản xuất.
Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI với đường lối đổi mới đã thổi một luồng gió mới vào sự phát triển của cả nước trong đó có Hưng Tân. Với đặc điểm của một xã độc canh nông nghiệp, Đảng bộ Hưng Tân đã tập trung lãnh đạo nhân dân từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tiếp thu tiến bộ KHKT vào sản xuất chăn nuôi. Đặc biệt bước vào những năm đầu thế kỷ 21, kinh tế Hưng Tân phát triển đồng bộ mạnh mẽ trên các mặt. Đảng bộ, HĐND xã đã ban hành nhiều Nghị quyết sát đúng để lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội.
Trong phát triển kinh tế: Tập trung thực hiện các đề án như: Đề án nuôi trồng thủy sản, đề án sản xuất vùng giống, đề án cánh đồng thu nhập cao, đề án giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động... đã thực sự phát huy hiệu quả. Tốc độ phát triển kinh tế luôn ở con số trên 10%. Năng suất nông nghiệp bình quân trên 10 tấn/ha. Các mô hình kinh tế trang trại, gia trại phát triển mạnh mẽ. Các ngành nghề phụ, dịch vụ, thương mại phát triển góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Điều đó đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng. Tính đến năm 2013 đạt 25 triệu đồng/người/năm.
Lĩnh vực văn hóa xã hội đã tạo bước đột phá. Chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên rõ rệt. Cả 3 Trường học đều đạt chuẩn quốc gia ( trong đó Trường tiểu học đạt chuẩn mức 2); ngành y tế đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện Hưng Nguyên. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Đến nay tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85%, 9/9 xóm được công nhận Làng văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển rộng khắp, tạo phong trào sôi nổi ở các cộng đồng dân cư.
Hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang. Hệ thống giao thông 100% khép kín bằng bê tông hóa. Các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa, thể thao từ xã đến xóm đều được xây mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được cũng cố. Công tác động viên, tuyển quân, huấn luyện hàng năm đều được thực hiện có hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo. Là xã luôn giữ được môi trường trong lành không có trọng án, không có tội phạm, tệ nạn xã hội phức tạp xảy ra ( đặc biệt là ma túy).
Hệ thống chính trị vững mạnh. Đội ngũ cán bộ, công chức cơ bản được chuẩn hóa, có năng lực, trình độ, tinh thần thái độ công việc cao.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, Hưng Tân là xã đi đầu trong toàn huyện về thực hiện các tiêu chí. Với bài học huy động sức dân, đến nay Hưng Tân đã đạt 15/19 tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2014 trở thành xã đầu tiên của Hưng Nguyên hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.
Với sự đoàn kết, nhất trí, ý Đảng hợp với lòng dân, quy chế dân chủ cơ sở được phát huy, liên tục những năm qua Đảng bộ luôn đạt TSVM, chính quyền xuất sắc, MTTQ và các tổ chức thành viên luôn dẫn đầu phong trào toàn huyện. Liên tục từ 2009-2013, Nhân dân và cán bộ xã Hưng Tân được tặng thưởng cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu toàn diện của UBND Tỉnh; Năm 2012 vinh dự được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2013 tiếp tục được đề nghị Chính phủ tặng cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc toàn diện trong phong trào thi đua yêu nước.
Sáu mươi năm trước khi mới sơ khai thành lập là một xã nghèo nàn, lạc hậu. Sáu mươi năm, biết bao thế hệ cán bộ, nhân dân đã đoàn kết, chiến đấu, xây dựng để hôm nay Hưng Tân mang trên mình một diện mạo mới. Diện mạo của ấm no, hạnh phúc, văn minh, từng bước hiện đại. Trong niềm vui phấn khởi hôm nay, chúng ta bày tỏ niềm tri ân sự hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ, các anh chị em thương bệnh binh, những gia đình có công với nước. Quê hương mãi mãi ghi nhớ công ơn của lớp lớp thế hệ cán bộ, Đảng viên, nhân dân trên mảnh đất Minh Tân xưa, Hưng Tân nay đã đổ công sức, xương máu của mình cho mảnh đất này đổi thịt thay da.
Nhân dịp này cán bộ và nhân dân xã nhà xin gửi lời cảm ơn trân trọng tới các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị từ Trung ương, Tỉnh, huyện và các xã đã luôn dành cho Hưng Tân sự ưu ái đặc biệt. Trong chiến tranh đã gửi trọn niềm tin, về đây đồng cam cộng khổ, cùng chiến đấu, công tác, sinh hoạt với đất và người Hưng Tân. Trong sự nghiệp đổi mới và phát triển, các cấp các ngành lại tin tưởng, tạo điều kiện giúp đỡ để Hưng Tân đi lên trong sự nghiệp CNH, HĐH nông thôn.
Trong ngày vui sum họp hôm nay, cán bộ và nhân dân xã nhà xúc động biết ơn các thế hệ con cháu, dâu rể quê hương đang sinh sống, học tập, công tác khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài luôn dành cho quê nhà tình cảm thiêng liêng. Đó là tình cảm của những người con một nhà, luôn dõi theo, ủng hộ từng bước đi của mảnh đất này.

Cái tên Hưng Tân có nghĩa là “ luôn giàu mạnh, luôn đổi mới”. Điều đó muốn nhắc nhở rằng chúng ta không được phép tự bằng lòng với những gì hiện tại mà phải luôn biết phát huy truyền thống để hướng tới tương lai. Thế hệ cha anh đi trước đã làm nên một Hưng Tân anh hùng trong chiến đấu. Thế hệ hôm nay và mai sau phải chung tay góp sức để xây dựng Hưng Tân Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Để làm được điều đó, cán bộ, nhân dân xã nhà và con em khắp mọi miền Tổ quốc hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, một lòng theo Đảng, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức để góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh. Cán bộ, Đảng viên và nhân dân Hưng Tân quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, quyết tâm trở thành xã đầu tiên của Hưng Nguyên về đích trong chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Quyết tâm xây dựng Hưng Tân trở thành xã Anh hùng trong thời kỳ đổi mới./.
KIM BẢNG
Nguồn: Đảng ủy xã Hưng Tân