[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , , CĂN CỨ ĐỂ XỬ LÝ KỶ LUẬT VI PHẠM CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KHHGĐ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, LLVT VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

CĂN CỨ ĐỂ XỬ LÝ KỶ LUẬT VI PHẠM CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KHHGĐ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, LLVT VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

 Trong điều kiện nước ta đang có nguy cơ bùng nổ về dân số, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 ngày có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, là đáng báo động tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức cao và chưa có giải pháp tích cực để giảm xuống nhanh là một trong những trở ngại thách thức đến chất lượng dân số. Chất lượng dân số vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều chương trình về Dân số/chăm sóc SKSS/KHHGĐ chúng ta đang tích cực và nổ lực nhưng vẫn còn nhiều trở ngại như đề án vùng biển, đề án tiền hôn nhân, đề án sàng lọc trước sinh & sau sinh, đề án chăm sóc người cao tuổi…. cũng chỉ mới là thu được kết quả bước đầu.
Ở đây, trong phạm vi bài viết này, chỉ muốn đề cập lực lượng cần phải gương mẫu, tiên phong nhất thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ trước hết phải là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước….
* Nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước:
Luật cán bộ, công chức tại văn bản Luật số 22/2008/QH12, ngày 13/11/2008 quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức như sau:
“Điều 8. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân
1. Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.
2. Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
3. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.
4. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Điều 9. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ
1. Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.
3. Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.
5. Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”
Luật viên chức số 58/2010/QH12, ngày 15/11/2010 cũng quy định nghĩa vụ của Viên chức như sau:
“Điều 16. Nghĩa vụ chung của viên chức
1. Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
2. Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
3. Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản được giao.
5. Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức.”
Như thế là đã rõ, dù là công chức hay viên chức thì trước hết phải Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước; Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước….
Vậy, Đảng và Nhà nước quy định chính sách Dân số-KHHGĐ như thế nào?







* Về Nghị quyết của Đảng:
Thể hiện rất rõ ở Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới:
“Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”
Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên được nêu rõ: trong phần NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU, ở “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp” nêu rõ:
“Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan toả sâu rộng trong toàn xã hội”
- Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; điều 17: vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ.
- Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nội dung thứ 6 quy định rõ:
“ Gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức; đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các nội quy, quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị”
Theo đó, cán bộ, đảng viên khác quần chúng, người dân thường đó là không chỉ chấp hành đúng mà phải là làm gương, đi đầu!
Còn nếu cán bộ, đảng viên không làm gương, không đi đầu được, không chấp hành mà còn vi phạm thì không thể xem là bình thường được!. Đó cũng là một chuẩn mực đạo đức của người cán bộ đảng viên!
- Quy định 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017, của Bộ Chính trị quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm tại điều 27,  như sau:
“Điều 27. Vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình
1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình; tham gia các hoạt động xét nghiệm, chuẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định.
b) Khai báo hoặc xin xác nhận, giám định không trung thực về tình trạng sức khỏe của vợ (chồng), con để thực hiện không đúng quy định hoặc để trốn tránh không bị xử lý do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
2- Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ tư (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).
3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ năm trở lên hoặc vi phạm trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
Gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm cố tình sinh thêm con ngoài quy định.”
* Về văn bản pháp luật Nhà nước:
Được quy định tại Pháp lệnh Dân số, ngày 09/01/2003, Pháp lệnh sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số ngày 27/12/2008; Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 18/2011/NĐ-CP ngày 17/3/2011 của Chính phủ  sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số và các văn bản hướng dẫn thực hiện khác.
* Các địa phương cụ thể hóa thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ:
Từ đặc điểm tình hình và thực trạng chính công tác Dân số-KHHGĐ của mỗi địa phương để quy định cụ thể. Chúng ta đã có rất nhiều giải pháp tích cực và có hiệu quả, nhưng Nghệ An là tỉnh đông dân và có mức sinh rất cao so với cả nước, bình quân 2,69 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong khi đó cả nước đã đạt mức sinh thay thế (2,1 con) từ năm 2006. Đây là một trong những vấn đề cấp ủy, chính quyền các cấp trăn trở và quan tâm tập trung khắc phục góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế xã hội cho nhân dân và tỉnh nhà. Các văn bản của cấp ủy như Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 26/6/2009 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình trong tình hình mới; Chỉ thị 09-CT/TU, ngày 19/9/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TU ngày 26/6/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số-KHHGĐ trong tình hình mới đã có tác động tích cực và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ. Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã tiếp tục có Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND, ngày 10/7/2015 quy định một số chính sách Dân số-kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã cụ thể hóa văn bản lãnh đạo của cấp ủy và Nghj quyết HĐND tỉnh bằng Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND, ngày 21/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc Ban hành Quy định một số chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ  An.
Đặc biệt, ngày 12/02/2018 UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND, về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND, ngày 21/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc Ban hành Quy định một số chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ  An quy đinh về:
“Xử lý vi phạm.
Các đối tượng vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì bị xử lý theo: quy định hiện hành; bản cam kết, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị; quy định của hương ước, quy ước nơi địa phương cư trú và không được xét danh hiệu Gia đình văn hóa.
Trường hợp đã xử lý, nếu tiếp tục vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình thì tiến hành xử lý với các hình thức cao hơn”
 Các huyện, thành phố , thị xã dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng bằng Nghị quyết, Chỉ thị đã cụ thể hóa nhiệm vụ lãng đạo, chỉ đạo; HĐND & UBND các cấp đã cụ thể hóa chủ trương chính sách bằng những Nghị quyết, quyết định của cấp mình nhằm thực hiện tốt chính sách Dân số-KHHGĐ trên địa bàn.
Như vậy, căn cứ các văn bản của Đảng và Nhà nước quy định, thì:
a.      Đã là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ.
b.     Gương mẫu trong việc ký cam kết, nếu chưa ký cam kết coi như đã không thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước,
c.      Ký cam kết rồi mà vẫn vi phạm thì lại càng không gương mẫu thực hiện Chủ trương, chính sách của  Đảng và pháp luật Nhà nước về chính sách Dân số.
Đó là chúng ta còn chưa bàn thêm về vi phạm đến việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
Việc một cán bộ, công chức, viên chức không chấp hành nghiêm túc chính sách Dân số-KHHGĐ chính chưa Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chỉ xem nặng lợi ích các nhân mà chưa chú ý đến lợi ích quốc gia; Không chấp Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước; thiếu ý thức tổ chức kỷ luật; không chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Điều đó chính là vi phạm đến nghĩa vụ của mình mà Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức quy định. Tất yếu sẽ bị xử lý kỷ luật phù hợp với tình hình của địa phương để vừa răn đe vừa có tính giáo dục những người khác trong cộng động.
Thiết nghĩ, không chỉ là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước mà chỉ là người công dân bình thường, trước lúc đòi hỏi quyền lợi, đấu tranh quyền lợi ích cho cá nhân mình thì hãy gương mẫu thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và trách nhiệm của mình đối với Đảng, với Nước và công đồng nơi mình sinh sống./.
NÓI THẬT