[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền với công tác DS/KHHGĐ

Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền với công tác DS/KHHGĐ

GiadinhNet - Công tác DS/KHHGĐ đã và đang khẳng định vai tò to lớn trong phát triển triển KT-XH của địa phương. Nghị quyết 20 của Ban thường vụ tỉnh ủy; Chỉ thị 09 CT-TU về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác DS/ KHHGĐ cũng như tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong tình hình mới nhằm thúc đẩy công tác DS/KHHGĐ ngày càng phát triển.
Ngày 26/12, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức  Hội nghị tổng kết “ 5 năm thực hiện Nghị quyết 20- NQ/TU; 2 năm thực hiện Chỉ thị 09- CT/TU.
Bước chuyển biến mạnh mẽ
Báo cáo những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ- TU; 2 năm thực hiện Chỉ thị số số 09- CT/TU của Ban thường vụ tỉnh ủy về công tác DS/KHHGĐ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Phó Giám đốc Sở y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ cho biết, sau 5 năm nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành cũng như việc nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện chính sách DS/KHHGGĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực; chỉ tiêu giảm sinh đã giảm từ 18,6%0 ( năm 2009) xuống còn 17.65%0 ( năm 2014); tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm từ 12,5%0 ( năm 2009) xuống còn 10,8%0 (2014); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 21,09% ( năm 2009) xuống còn 17,21% ( năm 2014); tỷ lệ chấp nhận các BPTT đạt chỉ tiêu hàng năm từ 77-78%. Đặc biệt, tỷ số giới tính khi sinh từ 123 bé trai/100 bé gái ( năm 2009) xuống còn 113 bé trai/100 bé gái ( năm 2014).  Tỷ  lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đạt từ 77% - 78%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ lệ chết mẹ, tỷ lệ viêm nhiễm phụ khoa và nạo phá thai giảm dần góp phần nâng cao chất lượng dân số, tuổi thọ trung bình tăng xấp xỉ mức trung bình của cả nước.
Toàn cảnh hội nghị
Những kết quả đó đã góp phần tích cực trong nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian qua.  Hoạt động truyền thông thay đổi hành vi  cũng được mở rộng, đẩy mạnh với nhiều hình thức, các làm, đa dạng hóa các nội dung phù hợp với mục tiêu, đối tượng, vùng miền và tập trung ưu tiên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào “ toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…… nhờ đó đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội , góp phần nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành động tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về DS/KHHGĐ.  Ký cam kết thực hiện chính sách DS/KHHGĐ đã trở thành cuộc vận động lớn, đến nay đã có 100% xã, phường, thị trấn và 92,2% khối cơ quan đã triển khai kí cam kết, nhiều đơn vị xử lý nghiêm vi phạm nghiêm túc có hiệu quả như: Nghi Lộc, Diễn Châu, Đô Lương, Liên đoàn lao động, Bảo hiểm xã hội tỉnh, trường Chính trị tỉnh, Sở Tài chính, UBMTTQ….
Đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS/KHHGĐ Lê Cảnh Nhạc phát biểu tại hội nghị
Đặc biệt, theo báo cáo của  Chi cục DS/KHHGĐ, trong 5 năm , việc thực hiện các đề án, mô hình về nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ cấu dân số đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đơn cử như đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được triển khai tại 355 xã thuộc 20 huyện thị thành; đề án khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân tiếp tục được triển khai tại 57 xã; Đề án kiểm soát dân số  vùng biển và ven biển tại 39 xã thuộc 5 huyện đều đạt kết quả tốt; một số mô hình như mô hình tư vấn chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã cung cấp cho người dân những kiến thức cơ bản về hôn nhân cận huyết cũng như hệ lụy của nó; hay như mô hình thử nghiệm cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và phương tiện tránh thai cho công nhân tại các khu công nghiệp bước đầu đã hạn chế được tình trạng mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.  Một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công và hiệu quả của mô hình đề án là có sự phối hợp gắn kết chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể… Do đó những kinh nghiệm rút ra của từng mô hình,đề án nêu trên hữu ích để các địa phương có thể áp dụng, triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. .Đánh giá những kết quả đạt được trong 5 năm qua, bà Hoa khẳng định: “  những kết quả đạt được trong lĩnh vực dân số vô cùng to lớn, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển KT-XH của tỉnh”
Thẳng thắn nhìn vào khó khăn
Tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến của đại biểu đã khẳng định: việc đẩy mạnh của nghị quyết 20; Chỉ thị 09 của Ban thường vụ tỉnh ủy thực sự đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần phải có nhiều giải pháp tích cực. Đó là một số chỉ tiêu trong Nghị quyết đạt được chưa cao, chưa đạt mức sinh thay thế; số người vi phạm chính sách dân số trong năm 2012 tăng mạnh; việc xử lý vi phạm nhiều nơi còn lúng túng, chưa nghiêm túc, có biểu hiện nể nang, thiếu tính răn đe. Tại nhiều địa phương đã không kịp thời tham mưu cho HĐND, UBND các văn bản cụ thể hóa; một số ngành, địa phương triển khai việc ký cam kết chính sách không đảm bảo qui trình; hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp còn thiếu tính kiểm tra  đôn đốc; nguồn lực đầu tư cho công tác DS/KHHGĐ bị cắt giảm nhiều…. Đã ảnh hưởng rất lớn cho “mặt trận” công tác này.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Phó Giám đốc Sở y tế, Chi cục trưởng 
Chi cục DS/KHHGĐ báo cáo tại hội nghị
Một trong những rào cản lớn nhất cũng đã được các đại biểu đề cập đó là tình trạng cán bộ, đảng viên  những đầu tàu đi trước nhưng không gương mẫu mà cố tình vi phạm là một trong những nguyên nhân của sự tồn tại, hạn chế công tác này. Nói về những khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 20 và Chỉ thị 09, đại biểu của huyện ủy huyện Nghi Lộc phát biểu: công tác tuyên truyền, vận động đã được đẩy mạnh, tuy nhiên hiện nay, ở  Nghi Lộc việc tuyên truyền thực hiện chính sách dân số ở các vùng đặc thù như vùng giáo, vùng biển vẫn hết sức nan giải, tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm tuy có giảm nhưng vẫn thiếu tính bền vững. Đại biểu huyện Nghi Lộc kiến nghị trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục quan tâm và có các chính sách đầu tư cho công tác dân số ở các vùng đặc thù, đồng thời phía Trung ương cũng cần ổn định tổ chức bộ máy, đặc biệt là tuyến cơ sở, bởi sự biến động, thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chỉ đạo, điều hành cũng như tâm lý bất an của đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở.
Ông Lưu Đức Thuyên, Phó  giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng trong quá trình thực hiện Nghị quyết 20 và Chỉ thị 09 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi ngành giáo dục có số giáo viên trong độ tuổi sinh để chiếm tỷ lệ cao 33.408 người,  đặc biệt, nữ sinh con một bề con gái là 13.989 người chiếm tỷ lệ cao 30%, trong khi đó chuyện sinh đẻ là một vấn đề trọng đại của dòng tộc, gia đình và nhận thức về tư tưởng trọng nam khinh nữ của nhiều giáo viên ảnh hưởng rất lớn đến công tác DS/KHHGĐ trong ngành giáo dục. Vì vậy thời gian tới,  một trong nhưng giải pháp mà ngành sẽ tăng cường đó là  kiện toàn ban chỉ đạo; thực hiện kí cam kết và  đem việc thực hiện chính sách dân số vào mục xét thi đua khen thưởng của đơn vị, cá nhân.
Phản hồi từ nhiều địa phương cho thấy, quá trình triển khai công tác DS/KHHGĐ theo Nghị quyết đề ra vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng  bản chất của công tác dân số là cuộc vận động xã hội cực lớn  do vậy phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tính phối kết hợp trong tuyên truyền phải cao  thì mới triển khai công tác DS tốt được.
Cần có nhiều giải pháp tích cực
Đó là ý kiến chỉ đạo của TS Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS/KHHGĐ. Theo đồng chí Lê Cảnh Nhạc, những kết quả Nghệ An đạt được trong thời gian qua thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh. Tuy nhiên Nghệ An cũng là một tỉnh có tính đặc thù, hiện đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong mức sinh, trong cơ cấu và chất lượng dân số. Là một trong những tỉnh có mức sinh cao, có giảm nhưng không đồng đều giữ các vùng miền, chất lượng dân số ở Nghệ An vừa bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” lại vừa bước vào giai đoạn “già hóa dân số”. Làm sao để giữ được càng lâu càng tốt về mức sinh thay thế, phát huy được chất lượng dân số vàng trong bối cảnh chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, thách thức đang là những bài toán cần lời giải. Đồng chí Phó Tổng cục trưởng cũng lưu ý, mặc dù chúng ta chưa hài lòng với những tồn tại, khó khăn nhưng chúng ta có quyền tự hào rằng, chúng ta có được sự chỉ đạo, quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là sự tâm huyết của đội ngũ làm công tác dân số. Công tác dân số thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, mang lại những thành tựu to lớn tạo tiền đề góp phần to lớn cho sự phát triển KT-XH của địa phương.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh yêu cầu thời gian tới cần tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền đối với công tác Dân số-KHHGĐ, khắc phục kịp thời tình trạng buông lỏng lãnh đạo, thiếu quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số nơi; Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động và giáo dục về Dân số-KHHGĐ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với nhu cầu, trình độ, nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt chính sách khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân chấp hành tốt chính sách Dân số, nâng cao chất lượng đảm bảo hậu cần  dịch vụ KHHGĐ và đẩy mạnh tiếp thị xã hội, đa dạng các phương tiện tránh thai. Phát huy hiệu quả tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ. Hàng năm, đề nghị các địa phương cân đối ngân sách, bổ sung kinh phí ngoài ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia, để thực hiện mục tiêu về Dân số-KHHGĐ và xã hội hóa thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ.
Các đồng chí Lê Cảnh Nhạc và Đinh Thị Lệ Thanh tặng bằng khen 
cho các tập thể và cá nhân xuất sắc trong công tác DS/KHHGĐ
Các đồng chí Lê Cảnh Nhạc và Đinh Thị Lệ Thanh tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc trong công tác DS/KHHGĐ
Dịp này, UBND tỉnh Nghệ An đã  tặng Bằng khen cho 22 tập thể và 20 cá nhân vì đã có nhiều thành tích trong việc đẩy mạnh công tác Dân số - KHHGĐ giai đoạn 2009 – 2014.
Hồ Hà