[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , NHÂN KỶ NIỆM 53 NĂM NGÀY DÂN SỐ VIỆT NAM (26/12/1961 - 26/12/2014) Hưng Nguyên phát huy truyền thông đơn vị liên tục xuất sắc trong công tác Dân số-KHHGĐ để thực hiện quyết liệt hơn nữa trong năm 2015

NHÂN KỶ NIỆM 53 NĂM NGÀY DÂN SỐ VIỆT NAM (26/12/1961 - 26/12/2014) Hưng Nguyên phát huy truyền thông đơn vị liên tục xuất sắc trong công tác Dân số-KHHGĐ để thực hiện quyết liệt hơn nữa trong năm 2015

Dansohungnguyen.com. Chiều ngày 26/12/2014, tại Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Hưng Nguyên đã tổ chức buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 53 năm Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961-26/12/2014), Tham dự có đồng chí Hoàng Văn Phi, tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Ngô Phú Hàn, Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ huyện, các ban ngành đoàn thể có liên quan.
 Tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Kim Bảng Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Hưng Nguyên đã nêu truyền thống của ngành cũng như kết quả công tác Dân số-KHHGĐ của huyệ nhà năm 2014 và định hướng nhiệm vụ năm 2015.
Đồng chí Hoàng Văn Phi, tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện đã tặng lẵng hoa cho ngành Dân số-KHHGĐ  huyện nhà 
Ý nghĩa và truyền thống 53 năm qua
 Giữa lúc đất nước còn bị chia cắt, dân tộc Việt Nam phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam để thống nhất đất nước, Hội đồng Chính phủ đã thông qua một Quyết định khá đặc biệt - Đó là Quyết định số 216-CP ngày 26/12/1961 về việc sinh đẻ có hướng dẫn, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký.
Tính độc đáo của Quyết định này ở chỗ: Trong lúc hầu như phần lớn các nước trên thế giới đều chưa hề quan tâm đến vấn đề dân số, đến yếu tố dân số trong phát triển thì Việt Nam- một nước vừa trải qua cuộc chiến tranh 9 năm ác liệt chống thực dân Pháp, vừa mới hàn gắn các vết thương chiến tranh và đang chung sức xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc, đồng thời cũng phải chi viện cho đồng bào miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lại đặt vấn đề điều chỉnh việc sinh đẻ. Hay nói một cách rộng hơn, điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự phát triển KT-XH của đất nước trong hiện tại và tương lai. Quyết định trên đã ghi: “Vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp”.
Đ/c Nguyên Kim Bảng, Giám đốc
Trung tâm  dân số-KHHGĐ huyện tại buổi tọa đàm
Quyết định đầu tiên của Nhà nước ta về công tác DS-KHHGĐ cũng khẳng định một nguyên tắc mà sau này các văn bản quốc tế cũng nhấn mạnh đó là: Việc cung cấp dịch vụ phải thuận lợi và phải phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của người sử dụng. Từ văn bản đầu tiên, Quyết định 216-CP ngày 26/12/1961, đến các văn bản mang tính toàn diện và hệ thống hơn hiện nay.
Công tác Dân số-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước là yếu tố cơ bản để phát huy nguồn lực con người, luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm; Ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg lấy ngày 26/12 hàng năm là Ngày Dân số Việt Nam để nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội đối với công tác Dân số-KHHGĐ.
Nhìn lại chặng đường 53 năm trôi qua, là cả một quá trình phấn đấu gian khổ, bền bỉ của  ngành dân số trong việc truyền thông nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi hành vi, cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS cho mọi đối tượng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm, đưa nước ta thoát khỏi danh sách các nước kém phát triển. Mức sinh và tỷ lệ gia tăng dân số ngày càng giảm, cụ thể tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) đã giảm từ 6,3 năm 1960 xuống 2,3 năm 2000, đạt và duy trì mức sinh thay thế là 2,1 con từ năm 2006 cho đến nay.
Đồng chí Hoàng Văn Phi, BT huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Đ/c Ngô Phú Hàn PBT huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng các đại biểu tham dự tại buổi tọa đàm nhân dịp ngày Dân sô Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” nhưng “già hoá dân số” đến sớm với tốc độ nhanh và khoảng thời gian chuyển đổi từ “già hoá dân số” sang “dân số già” ngắn hơn nhiều so với các nước khác.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác DS-KHHGĐ đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong vấn đề “già hoá dân số”.  Đây là vấn đề có tác động tới tất cả các khía cạnh của đời sống con người như tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, thị trường lao động, lương hưu, thuế và chuyển giao giữa các thế hệ; sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, cơ cấu gia đình và sắp xếp cuộc sống, nhà ở và di cư… Muốn vượt qua những thách thức trên và sẵn sàng thích ứng với một xã hội già hóa dân số, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị tích cực, đồng bộ cả về tư duy, nguồn lực, chính sách, cơ chế đối với người cao tuổi.
Đồng chí Hoàng Văn Phi, tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu
Từ số lượng những người làm công tác Dân số-KHHGĐ còn ít, nay chúng ta đã có một đội ngũ chuyên môn cơ bản đảm bảo về số lượng và ngày càng nâng cao về chất lượng. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An cán bộ phụ trách công tác Dân số-KHHGĐ của các xã, phường, thị trấn đã được tuyển dụng thành viên chức Nhà nước. Đây được coi là dấu mốc quan trọng thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với cán bộ làm công tác Dân số-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh ta.
Truyền thống công tác Dân số-KHHGĐ ở Hưng Nguyên
Hưng Nguyên là huyện có truyền thống cách mạng và nét đẹp văn hóa dân tộc. Trong những năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh. Trong đó, có công tác Dân số-KHHGĐ đạt nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Nhiều mục tiêu quan trọng khác về Dân số-KHHGĐ hoàn thành vượt mức. Nhận thức của cán bộ và nhân dân về vấn đề Dân số-KHHGĐ, sinh đẻ có kế hoạch đã từng bước phát triển rộng khắp và trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn. Nhân dân và cán bộ huyện Hưng Nguyên cũng như ngành Dân số-KHHGĐ vinh dự là huyện đầu tiên của tỉnh 2 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba về lĩnh vực Dân số-KHHGĐ. Ngành Dân số Hưng Nguyên liên tục được tỉnh xếp loại  đơn vị Xuất sắc. Có được những thành quả to lớn đó là nhờ có đường lối đúng đắn của Đảng; sự đầu tư và sâu sát của các cấp ủy, chính quyền; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân. Trong đó phải kể đến sự hy sinh, tận tụy của đội ngũ làm công tác Dân số-KHHGĐ từ huyện xuống tận xóm, khối. Đây là những yếu tố đảm bảo cho sự thành công của công tác Dân số-KHHGĐ chúng ta cần tiếp tục giữ vững và phát huy trong thời gian tới.
Thành tựu nổi bật năm 2014 về Dân số-KHHGĐ
Năm 2014 là năm thứ 3 thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TU ngày 19/9/2012 của Tỉnh uỷ Nghệ An về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 26/6/2009 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số-KHHGĐ trong tình hình mới; Nghị quyết số 52/2012/NQ-HĐND, ngày 13/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quy định một số chính sách Dân số-kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 76/2012/QĐ-UBND ngày 19/10/2012 của UBND tỉnh Nghệ An và Nghị quyết số 32/2012/NQ-HĐND, ngày  19/12/2012 của Hội đồng nhân dân huyện Hưng Nguyên quy định một số chính sách Dân số-kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND, ngày 28/1/2013 của UBND huyện Hưng Nguyên về việc quy định một số chế độ chính sách về Dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Công tác Dân số-KHHGĐ có nhiều thuận lợi song cũng có nhiều khó khăn thách thức như: Tâm lý người dân vẫn muốn có đông con, phải có con trai là nguyên nhân khó khăn phức tạp và lâu dài trong việc thực hiện mục tiêu mỗi cặp vợ chồng có hai con, bảo đảm cân bằng giới tính và nâng cao chất lượng dân số.
Phát biểu cảm nghĩ của viên chức Võ Thị Ngà, xã Hưng Tây
Việc thay đổi một số chính sách Dân số - KHHGĐ đã tác động mạnh đến kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về dân số, đặc biệt là việc nới lỏng các hình thức xử lý vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ; chưa xử lý nghiêm, triệt để một số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ đã có tác động tiêu cực đến phong trào vận động quần chúng nhân dân thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ.
Tuy nhiên, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể; sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân; sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ Dân số-KHHGĐ các cấp. Công tác Dân số-KHHGĐ năm 2014 đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ huyện xuống cơ sở. Đó là:
Thứ nhất, về truyền thông, vận động chuyển đổi hành vi: Ngay từ đầu năm, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện đã chủ động tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng; Xây dựng, ký kết và triển khai Chương trình phối hợp truyên truyền về công tác DS-KHHGĐ với các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở.
Trong năm qua, ngành Dân số đã tổ chức một sự kiện mang ý nghĩa truyền thông và có tính chất lan tỏa lớn đó là: Chương trình truyền thông sông nước tại xã Hưng Lợi vào ngày 22/01/2014 với quy mô cấp huyện. Buổi truyền thông đã truyền tải các tiết mục văn nghệ và những vở kịch nói về công tác dân số, các nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, nam giới vùng sông nước, các vấn đề về chính sách dân số hiện nay cũng như việc nâng cao chất lượng dân số. Chương trình truyền thông “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” vào ngày 27/8/2014 tại xã Hưng Tân được lãnh đạo huyện, chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, các huyện bạn và đông đảo nhân dân đánh giá cao. Tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi ở cơ sở tập trung vào mục tiêu giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên. Trang thông tin điện tử dân số Hưng Nguyên khai trương vào tháng 07/2013, đến nay có hơn 150.000 lượt truy cập của độc giả, có thể nói trở thành nhu cầu của nhiều người mà chưa đơn vị nào làm được như Hưng Nguyên.
Thứ hai là về cung cấp dịch vụ KHHGĐ:  Đã tổ chức cung cấp đầy đủ, kịp thời, chất lượng các dịch vụ KHHGĐ cho người dân thông qua các hoạt động thường xuyên và Chiến dịch Tăng cường truyền thông, vận động, lồng ghép dịch vụ đặc biệt đối với vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao.
Thứ ba về nâng cao chất lượng dân số: Tiếp tục thực hiện các mô hình, đề án góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi như Đề án Sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, sàng lọc và chẩn đoán sơ sinh để phát hiện sớm các dị tật, bệnh bẩm sinh, đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại 23/23 xã, thị trấn.
Thứ tư: Công tác cán bộ Dân số-KHHGĐ ở cơ sở được tuyển sụng thành viên chức Nhà nước, đảm bảo mỗi xã, thị trấn có một biên chế phụ trách công tác Dân số-KHHGĐ. Đa số các viên chức Dân số-KHHGĐ  đã từng bước làm quen với phong cách làm việc của một viên chức nhà nước.
Với các giải pháp đồng bộ nói trên ngành dân số huyện nhà đã hoàn thành một số chỉ tiêu cơ bản đề ra: Số trẻ sinh ra 1.730 cháu so với năm 2013 giảm  24 cháu (năm 2013 sinh 1.754 cháu). Tỷ suất sinh 15,3%o so với năm  so với  năm 2013 giảm 0,5%o (năm 2013 tỷ suất sinh 15,8%o). Tỉnh giao năm 2014 giảm 0.4%o, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Trong đó, con thứ 3 trở lên 298 cháu, so với năm  2013 giảm 21 cháu (năm 2013 sinh con thứ 3 trở lên 319 cháu). Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2014 là: 17,2%  so với năm  2013 giảm 1,0% (năm 2013 tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 18,2%). Tỉnh giao năm 2014 giảm 0.8%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Ký cam kết theo Quyết định số 76/2012/QĐ-UBND ngày 19/10/2012 của UBND tỉnh Nghệ An, đạt 98,2%. Tỷ lệ sử dụng BPTT hiện đại đạt 82%. Hoàn thành 116,1% chỉ tiêu BPTT .
Kết quả đó được tỉnh xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2014.

Năm 2015, đòi hỏi phải cố gắng và quyết liệt hơn nữa
Bước sang năm 2015, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn nữa,  đặc biệt là vấn đề giảm  tỷ suất sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tăng số xóm khối không vi phạm chính sách Dân số-KHHGĐ, khống chế cho được sự gia tăng của tỷ số giới tính khi sinh, tập trung nâng cao chất lượng dân số.
 Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2015, Trung tâm Dân số-KHHGĐ, kêu gọi toàn thể đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác Dân số-KHHGĐ huyện nhà tiếp tục đoàn kết, tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu với các cấp uỷ Đảng, chính quyền; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ của Đảng, Nhà nước.
Nhân dịp này, đồng chí Hoàng Văn Phi, tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện đã tặng lẵng hoa cho ngành Dân số-KHHGĐ  huyện nhà và phát biểu chúc mừng, biểu dương những thành tích đạt được trong năm 2014 và giao nhiệm vụ cho ngành dân số huyện nhà phấn đấu giữ vững và phát huy những thành tích trong năm qua để giành kết quả cao nhất trong năm 2015./.
Kim Bảng