[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Vấn đề sinh và sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn huyện Hưng Nguyên hiện nay

Vấn đề sinh và sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn huyện Hưng Nguyên hiện nay

Dân số vừa là yếu tố của lực lượng sản xuất, vừa là lực lượng tiêu dùng. Vì vậy quy mô, cơ cấu chất lượng và tốc độ tăng, giảm dân số có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội. Nếu tốc độ gia tăng dân số quá nhanh hoặc phát triển chưa phù hợp với sự phát triển nhiều mặt trong xã hội thì có thể làm tăng thêm những hậu quả không tốt, như: Đói ăn, đói học, đói việc làm, môi trường sống bị tàn phá và làm gia tăng các tệ nạn xã hội.
Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2015 huyện Hưng Nguyên có trên 11 vạn dân với hơn 28 ngàn hộ; Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cao, trên 29 nghìn người.
Chất lượng dân số và thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, đáng lưu ý là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn ở mức cao và có xu hướng tăng, nhất là ở vùng sông nước, vùng giáo dân tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn ở mức từ 20%-40%; Tính từ đầu năm 2015 đến hết tháng 6 năm 2015 toàn huyện có 865 trẻ sinh ra, trong đó có 142 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên chiếm tỷ lệ 16.4%, đặc biệt ở đây có các xã tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao: Hưng Yên Nam 40.6%, Hưng Trung 24.7%, Hưng yên Bắc 27.7%, Hưng Xuân 21.2%, Hưng Châu 20%…
Với đặc điểm Hưng Nguyên là huyện có tỷ lệ giáo dân cao, quy mô và mật độ dân số lớn, trình độ dân trí chưa đồng đều, chất lượng dân số đang từng bước cải thiện, kinh tế phát triển thiếu đồng bộ, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn cao vì vậy vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng nhanh dân số.
Mức sinh tuy có giảm nhưng giảm chậm, chưa có tính bền vững và tùy thuộc vào từng vùng khác nhau, đặc biệt là đối với vùng đặc thù  tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có nguy cơ tăng trở lại, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh 6 tháng đầu năm 2015 là 117 bé trai/100 bé gái, so với mức cân bằng là 100-107 nam/100 nữ.
Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, song cơ bản vẫn là do công tác tuyên truyền, vận động mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt yêu cầu, trong khi tư tưởng “muốn có con trai để nối dõi tông đường” vẫn còn tiềm ẩn trong tâm trí của nhiều người dân.
Bên cạnh đó, việc quản lý và xử lý các dịch vụ siêu âm, xét nghiệm về công bố giới tính thai nhi lại chưa nghiêm, chưa hiệu quả. Mặt khác, kinh phí hoạt động công tác dân số còn quá thấp và một số cấp ủy Đảng, Chính quyền ở cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác dân số đã tác động không nhỏ vào việc buông lỏng đối với việc chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ. Nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời tình hình này thì không những không đạt chỉ tiêu đề ra mà còn có nguy cơ phá vỡ những thành quả về công tác dân số đã đạt được trong thời gian qua, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thiết nghĩ rằng, trong thời gian tới, cần có những giải pháp thiết thực, vững chắc để làm tốt công tác dân số nói chung và hạn chế việc sinh con thứ 3 nói riêng thật hiệu quả như:
- Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, kiểm tra, rà soát để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, hương ước, quy ước liên quan đến công tác dân số – KHHGĐ; kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác dân số cấp xã, thị trấn; đồng thời xây dựng quy chế, chương trình hoạt động cụ thể để chủ động và thống nhất trong việc phối kết hợp chỉ đạo, điều hành; tổ chức phát động ký cam kết thi đua hàng năm cho các cơ quan, đơn vị, các khối, xóm; Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn có chính sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí cho Ban Dân số – KHHGĐ hoạt động, đặc biệt ưu tiên trong công tác truyền thông, vận động.
Giao lưu điển hình câu lạc bộ Dân số/SKSS/KHHGĐ tại xã Hưng Thông, nhân kỷ niệm ngày Dân số thế giới 11/7/2015
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách dân số – KHHGĐ bằng nhiều hình thức, linh hoạt và phối hợp với một số ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động sát thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như tổ chức và chỉ đạo cơ sở trong việc xây dựng các mô hình về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với việc thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ, đặc biệt quan tâm đến các vùng khó khăn và vùng đặc thù, lũ lụt, thiên tai. Phối hợp triển khai hoạt động, đưa tiêu chí Dân số-KHHGĐ vào hương ước, quy ước của các làng, khối, xóm. Phối hợp với Đài truyền thanh - TH huyện để kịp thời đưa tin phản ánh các hoạt động về công tác Dân số-KHHGĐ, nâng cao chất lượng, thời lượng các chuyên đề, phóng sự tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số-KHHGĐ, các mô hình, điển hình thực hiện tốt công tác Dân số-KHHGĐ.
- Cần có biện pháp ưu tiên đối với vùng sông nước nhiều thiên tai lũ lụt, vùng giáo dân, vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao; Tích cực trong việc chỉ đạo cơ sở tổ chức các đợt truyền thông trong năm, vận động đông đảo đối tượng tham gia nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; Chú trọng việc tổ chức các hội nghị, mít tinh, tọa đàm, giao lưu nhân các ngày kỷ niệm của ngành, tạo sự chú ý, quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phát động ký cam kết không sinh con thứ 3 trở lên của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ngay từ đầu năm. Cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình.
Hy vọng rằng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số-KHHGĐ của địa phương, với sự phối hợp nhiệt tình của các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, vấn đề sinh và sinh con thứ 3 trở lên ở Hưng Nguyên sẽ đạt được kết quả tốt đẹp hơn./.

Thanh Phúc – TT DS-KHHGĐ huyện