[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / KẾT QUẢ ĐỀ ÁN SÀNG LỌC TRƯỚC SINH VÀ SƠ SINH HUYỆN HƯNG NGUYÊN NĂM 2015

KẾT QUẢ ĐỀ ÁN SÀNG LỌC TRƯỚC SINH VÀ SƠ SINH HUYỆN HƯNG NGUYÊN NĂM 2015

Thực hiện đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh là một trong những biện pháp hữu hiệu, giúp trẻ em sinh ra tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, giảm số người tàn tật, dị tật góp phần nâng cao chất lượng Dân số. Ngay từ đầu năm huyện Hưng Nguyên đã tích cực trong việc tuyên truyền vận động, rà soát đối tượng cần tuyên truyền thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về các hoạt động thực hiện đề án trên cơ sở kế hoạch của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nghệ An, phân chia chỉ tiêu về thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho từng đơn vị.  Kết quả trong năm 2015 các hoạt động về đề án đạt được khá rõ nét
Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, báo, Đài phát thanh - truyền hình huyện xây dựng phóng sự, chuyên mục về  những lợi ích của việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tổ chức tập huấn về kỹ năng truyền thông về đề án cho viên chức Dân số - KHHGĐ và công tác viên Dân số - KHHGĐ xóm khối.
Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số -KHHGĐ các xã, thị trấn phối hợp các ban ngành đoàn thể như Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, tổ chức các hoạt động truyền thông lồng ghép về đề án như: Giao lưu tìm hiểu kiến thức, Hội thi, tư vấn cộng đồng v.v..thu hút đông đảo đối tượng tham gia. Phối hợp với Ban văn hóa viết 20 tin tuyên truyền trên trang Dân số Hưng Nguyên, viết và phát 67 bài phát thanh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn về nội dung sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Treo 48 băng rôn, viết và tu sữa 90 khẩu hiệu có nội dung về đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh để tuyên truyền, vận động. Cung cấp tờ rơi, tờ gấp về nội dung sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho các đối tượng. Viên chức Dân số - KHHGĐ các xã, thị trấn trực tiếp tư vấn 165 nhóm nhỏ về nội dung đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Đồng thời Cộng tác viên Dân số - KHHGĐ xóm, khối trực tiếp đến từng hộ gia đình tư vấn, vận động được 500 hộ gia đình là những phụ nữ đang mang thai, chuẩn bị mang thai.
Bên cạnh đó việc tuyên truyền, vận động còn kết hợp với 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình và việc siêu âm sàng lọc trước sinh thường kỳ có tổ chức tư vấn trực tiếp cho thai phụ giúp nâng cao nhận thức, thấy được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nên nhận thức và sự hiểu biết của người dân về đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Đối tượng siêu âm sàng lọc trước sinh  tại Trạm y tế xã Hưng Yên Nam
Kết quả đạt được so với chỉ tiêu Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nghệ An giao năm 2015: Toàn huyện đã vận động 237ca /76 ca về sàng lọc trước sinh đạt 311,8%;  phát hiện 1 trường hợp nghi ngờ dị tật tại xóm 4B, xã Hưng Lĩnh. Vận động thực hiện sàng lọc sơ sinh: 105ca /100 ca đạt 105,0 %. Có 3 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thiếu men G6PD gồm: Thị Trấn, Hưng Mỹ , Hưng Tây. Một số đơn vị thực hiện tốt đề án trong năm như: Hưng Mỹ, Hưng Tân, Hưng Yên Nam, Hưng Thông, Hưng Thịnh, Hưng Xuân, Hưng Lợi,  v.v.. Một số xã thực hiện chưa tốt như: Hưng Xá, Hưng Lam, Hưng Nhân, Hưng Châu, Hưng Trung v.v…
Bên cạnh những kết quả đạt được đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh thực hiện tại huyện Hưng Nguyên năm 2015 còn một số hạn chế như:
Số bà mẹ mang thai thực hiện sàng lọc trước sinh đúng thời điểm ít, số trẻ sinh ra chưa thực hiện sàng lọc sơ sinh nhiều, do vậy tỷ lệ dị tật bẩm sinh trong thời kỳ mang thai và trẻ sơ sinh được phát hiện thấp. Nhiều đối tượng chủ quan trong việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Cũng vì thế mà công tác tuyên truyền, vận động còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều do gia đình sợ con, cháu đau khi lấy máu xét nghiệm nên không thực hiện sàng lọc sơ sinh cho trẻ.
Cán bộ lấy mẫu máu mặc dù đã được đào tạo nhưng tỷ lệ lấy mẫu hỏng nhiều, mẫu máu thất lạc trong quá trình vận chuyển nên không thống kê được chính xác số ca nghi ngờ mắc bệnh qua sàng lọc sơ sinh.
Việc triển khai lấy mẫu máu chủ yếu tại các trạm y tế, song hầu hết các trẻ hiện nay chủ yếu sinh tại các tuyến Bệnh viện hoặc nếu có sinh tại trạm khỏe mạnh thì cũng được về nhà sớm nên việc vận động đưa trẻ trở lại cơ sở y tế lấy máu còn gặp khó khăn.
Đây là đề án mang lợi nhiều lợi ích thiết thực cho mọi người, mọi nhà và cho toàn xã hội. Song đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, và cần tăng cường hơn nữa trong công tác tuyên truyền vận động để mọi người dân các ông bố bà mẹ hiểu và thực hiện chương trình ý nghĩa này. Đây cũng là cơ hội để giảm số lượng trẻ em bị dị tật sinh ra hằng năm trên địa bàn huyện và cho ra đời những trẻ em hoàn toàn khỏe mạnh thông minh, có điều kiện phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ góp phần nâng cao chất lượng dân số đảm bảo nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước./.

                                   Bài và ảnh:  Ngô Tuyên – Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện