[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS

Những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS

Hiện nay HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe, con người và tương lai nòi giống của các quốc gia, các dân tộc trên toàn cầu. Đại dịch HIV/AIDS đã lấy đi hàng triệu mạng sống của con người trên toàn thế giới. Tại Việt Nam đến  tháng 5/2015, số người nhiễm HIV hiện đang còn sống là 227.114 người, số bệnh nhân AIDS là 71.115 và đã có 74.442 trường hợp tử vong do AIDS.
 HIV là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người và AIDS là Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV làm suy giảm tế bào lympho TCD4 trong máu, từ đó gây ra suy giảm nghiêm trọng tình trạng miễn dịch dẫn đến bệnh nhân mắc các nhiễm trùng cơ hội và ung thư, suy kiệt và tử vong. HIV có nhiều trong máu, tinh dịch ở nam giới và dịch âm đạo của phụ nữ, nó tồn tại trong xác chết người là 24 giờ, trong không khí không quá 5 phút, trong bơm kim tiêm 1 đến 7 ngày.
Tỷ lệ HIV lây truyền qua đường máu là 75%, qua quan hệ tình dục là 15%, lây truyền từ mẹ sang con là 3%, còn lại là một số đường lây truyền khác.
Ảnh minh họa
Người nhiễm HIV/AIDS có 4 giai đoạn:
 Giai đoạn thứ nhất:  là giai đoạn sơ nhiễm hay là thời kỳ cửa sổ. Giai đoạn này kéo dài từ 6 tuần đến 6 tháng, khi xét nghiệm chưa có kháng thể HIV, người bệnh chưa có triệu chứng gì.
Giai đoạn thứ 2: là giai đoạn điển hình giai đoạn này kéo dài hay ngắn tùy thuộc vào năng lực của vi rút HIV tấn công và tùy vào sức khỏe của mỗi người bệnh. Người bệnh sẽ có biểu hiện: sụt cân chưa đến 10%, sụt cân không rõ nguyên nhân; Lở  loét, viêm nhiễm ngoài da; hay bị hắt hơi sổ mũi. ở giai đoạn này các chức năng khác ở bệnh nhân vẫn bình thường.
Giai đoạn 3: Giai đoạn bệnh lý hạch
HIV tấn công vào hạch bạch huyết ở bẹn, ở nách, ở cổ, hạch nổi có tính chất cân xứng cả hai bên; sụt cân thấy rõ; tiêu chảy không rõ nguyên nhân;  nấm âm đạo phát triển mạnh; Xuất hiện triệu chứng lao phổi.
Giai đoạn 4: Giai đoạn AIDS
Giai đoạn này người bệnh sút cân rõ rệt; Tiêu chảy kéo dài; nhiều bệnh nhiễm trùng tấn công; sốt kéo dài v.v
Hiện nay chưa có thuốc điều trị khỏi nhiễm vi rút HIV nhưng người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) nhằm làm giảm tải lượng vi rút HIV trong máu và ngăn ngừa sự nhân lên của vi rút trong cơ thể người bệnh. Đồng thời cần điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Nâng cao thể trạng người bệnh v.v..
Để phát hiện và điều trị sớm thì có thể sử dụng que thử HIV nhanh. Khi thử test  nhanh sẽ biết được kết quả sau 10-20 phút hoặc làm xét nghiệm máu để biết mình có nhiễm vi rút HIV hay không. Tốt hơn hết là cần phòng bệnh, cần tuyệt đối tránh tiếp xúc trực tiếp với máu của người khác, qua bơm kim tiêm, dao cạo râu, xăm trổ, v.v. khi truyền máu của người khác phải có chỉ định của bác sĩ; Chung thủy với bạn tình, sử dụng bao cao su đúng cách; Đến các cơ sở y tế để được tư vấn trước khi mang thai để tránh lây nhiễm từ mẹ sang con v.v..
Điều quan trọng nữa là cần có kỹ năng sống, tìm hiểu kiến thức về HIV/AIDS để phòng tránh cho bản thân mình và mọi người./.
Ngô Tuyên – Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện