[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Tuyên truyền để người dân lựa chọn biện pháp phù hợp

Tuyên truyền để người dân lựa chọn biện pháp phù hợp

Trước thực trạng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ngày càng gia tăng cộng với mức sống chưa bảo đảm… công tác tuyên truyền vận động sử dụng biện pháp tránh thai thực hiện KHHGĐ được đẩy mạnh. Tuy nhiên nhiều người trong độ tuổi sinh đẻ chưa thực sự “mặn mà” với các biện pháp tránh thai đang được áp dụng.
Hiện có rất nhiều biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả: dùng bao cao su, cấy thuốc tránh thai, đặt vòng, đình sản… Nhưng do thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, nhiều cặp vợ chồng để “vỡ kế hoạch” rồi chấp nhận đi nạo phá thai. Tuy nạo phá thai chỉ là một thủ thuật đơn giản của sản khoa, nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ có biến chứng nặng nề để lại hậu quả về sau. 
Biện pháp tránh thai phổ biến mà đa số người sử dụng là thuốc tránh thai và bao cao su. Nhắc đến đình sản không ít người bày tỏ bằng cái lắc đầu. Trong khi đó, đình sản (thắt ống dẫn trứng ở nữ, thắt ống dẫn tinh ở nam) hiệu quả tránh thai cao, chỉ thực hiện thủ thuật một lần có tác dụng tránh thai vĩnh viễn, sau phẫu thuật an toàn có tác dụng tránh thai ngay và không có tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính tình, giới tính và hoạt động tình dục.
Ảnh: Minh họa
Tính đến thời điểm này, tỷ lệ phụ nữ dùng biện pháp đình sản nhiều hơn nam giới. Trên thực tế, đình sản nam dễ thực hiện, an toàn, lại không hề có tác dụng phụ, nhưng nhiều đấng mày râu còn hiểu sai rằng việc này khiến họ mất, giảm khả năng tình dục.Tuy nhiên, theo các bác sĩ, trước khi thực hiện biện pháp tránh thai bằng đình sản, cả nam lẫn nữ, các cặp vợ chồng phải cân nhắc thật kỹ vì các phẫu thuật nối lại vừa phức tạp, tốn kém mà khả năng thành công lại ít. Hơn nữa, hiện nay có khá nhiều các biện pháp tránh thai khác hiệu quả, đơn giản có thể lựa chọn.Vì thế, chỉ khi chắc chắn không muốn có con nữa, hoặc không phù hợp với các biện pháp tránh thai khác, sức khỏe bị đe dọa nếu có thai mới thực hiện đình sản. Hiện, việc đình sản nam và đình sản nữ chỉ trên tinh thần tự nguyện, mọi công tác, chiến dịch tuyên truyền mới chỉ ở mức độ nào đó, chưa thể đánh đúng tâm lý của tất cả mọi người nên việc áp dụng biện pháp tránh thai này còn hạn chế. 
Phụ nữ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo nhiều cách khác nhau. Có một bộ phận phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai bằng cách mua tại hiệu thuốc hoặc thông qua các phòng khám tư nhân. Năm 2015, các chiến dịch tuyên truyền, vận động KHHGĐ ở huyện Hưng Nguyên đạt kết quả: 1.664 phụ nữ đặt vòng,  16 người đình sản, 443 trường hợp tiêm thuốc tránh thai, 1.595 cặp vợ chồng sử dụng bao cao su, 20 trường hợp thuốc cấy TT…
Để bảo đảm tính bền vững của chương trình KHHGĐ và căn cứ vào xu hướng chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai, việc ưu tiên lựa chọn đầu tư cho các biện pháp tránh thai sẽ tập trung vào các biện pháp tránh thai dài hạn, hiệu quả tránh thai cao, tỷ lệ bỏ cuộc thấp như: đình sản, dụng cụ tử cung, cấy thuốc tránh thai. Tuy nhiên, đình sản hiện có xu hướng giảm, khó có thể vận động được nhiều hơn, trong khi đó thuốc cấy tránh thai có giá thành rất cao. Do đó, biện pháp có nhiều ưu điểm, là yếu tố chủ yếu để bảo đảm tính ổn định của tỷ lệ biện pháp sử dụng tránh thai vẫn là dụng cụ tử cung.
Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ cần thực hiện một số thay đổi chủ yếu như:  tăng cường các dịch vụ thường xuyên, điều chỉnh quy mô, nội dung chiến dịch;  tăng cường tuyên truyền các biện pháp tránh thai phi lâm sàng; từng bước áp dụng hình thức tiếp thị xã hội cho người sử dụng dịch vụ KHHGĐ.
Việc thực hiện KHHGĐ có lợi ích lớn không chỉ đối với từng gia đình mà còn với cả xã hội. Qua đó, nâng cao mức sống, chất lượng dân số của từng địa phương, tạo tiền đề cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà../
Thanh Phúc- TT Dân số - KHHGĐ huyện