[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Cách tiếp cận mới về truyền thông, giáo dục SKSS của VTN/TN

Cách tiếp cận mới về truyền thông, giáo dục SKSS của VTN/TN

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, hiện nay dù tuổi dậy thì và tuổi quan hệ tình dục lần đầu của VTN/TN trẻ hơn, nhưng hiểu biết về SKSS của VTN/TN Việt Nam lại còn nhiều hạn chế. Theo điều tra Quốc gia Vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY2), tỷ lệ VTN/TN trả lời đúng về thời điểm có thai trong chu kỳ kinh nguyệt là rất thấp và giảm qua hai cuộc điều tra gần đây; VTN/TN biết khả năng mang thai sau khi quan hệ tình dục lần đầu là không cao: 69,5% cho rằng là “có thể”; nhưng 10,8% là “không thể” và có tới gần 20% lại “không biết tới”; tỷ lệ VTN/TN không lường trước được hậu quả của quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng khá cao, tới 56%; có từ 37,5% đến 75,4% VTN/TN chưa nghe nói về các bệnh giang mai, lậu, trùng roi, sùi mào gà và mụn rộp.
Cũng theo SAVY2, nếu như có 74,2% VTN/TN từng nói về đề tài “tình yêu” thì có tới gần 60% VTN/TN chưa từng nói với ai về vấn đề “thai nghén/kế hoạch hóa gia đình”. Nguồn thông tin chủ yếu mà VTN/TN nam biết đến “tuổi dậy thì” là qua tivi (66,7%) và nữ là qua mẹ (60,8%); các nguồn còn lại là rất ít.
Từ những thực trạng về hiểu biết, hành vi, xu hướng nói trên, các chuyên gia khẳng định, nhu cầu về truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi cho VTN/TN là rất lớn.
Nhằm tạo điều kiện cho Thanh niên có thể ra những quyết định đúng đắn trong chăm sóc SKSS khi các em được cung cấp thông tin đầy đủ, trong thời gian qua, trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên đã phối hợp với Huyện đoàn và Đoàn trường THPT, THCS trên địa bàn tổ chức nhiều hình thức truyền thông cho học sinh về các kiến thức chăm sóc SKSS VTN/TN.



Một số hình ảnh hoạt động truyền thông về SKSS VTN,TN
           Tại các trường THPT, THCS trên địa bàn huyện


Hàng loạt chương trình Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức chăm sóc SKSS VTN/TN được tổ chức tại các trường THPT Nguyễn trường Tộ, trường THCS Nguyễn Biểu, trường THCS Hưng Yên là một trong những hình thức truyền thông thu hút đông đảo học sinh tham gia. Không chỉ được dàn dựng, đầu tư công phu từ khâu tổ chức đến các tiết mục văn nghệ, chương trình còn khéo léo cung cấp kiến thức chuyển đổi hành vi về chăm sóc SKSS VTN/TN bằng hình thức thi đấu, tranh tài, tạo sự gay cấn, căng thẳng hấp dẫn, từ đó khắc sâu, ghi nhớ trong mỗi bạn trẻ.
Một hình thức nữa cũng đem lại hiệu quả thiết thực trong thời gian qua là tổ chức truyền thông tư vấn cộng đồng kết hợp sân khấu hóa. Tại trường THCS Lê Hồng Phong, thông qua các tiết mục văn nghệ đặc sắc và cách chia sẻ thân mật, gần gũi của cán bộ truyền thông và những câu hỏi hay, hài hước, những phần quà hấp dẫn để trao tặng cho khán giả trả lời đúng, chương trình truyền thông Chăm sóc SKSS VTN cũng tạo được sức hút cho các đối tượng.
Những hình thức truyền thông trên đã thúc đẩy cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho thanh niên và tạo điều kiện cho thanh niên được ra quyết định thông tin nào các em cần, dịch vụ nào phù hợp với các em và đâu là dịch vụ hiệu quả nhất để đáp ứng nhu cầu của các em.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu và mới chỉ triển khai được trong các trường học mà còn còn nhóm đối tượng VTN/TN nông thông chưa có điều kiện để tiếp cận thông tin. Mặt khác, các hình thức truyền thông hiện nay còn phân tán, thiếu gắn kết, thống nhất về nội dung, phương pháp truyền thông; mỗi hình thức truyền thông do nhiều tổ chức khác nhau thực hiện. Tổ chức và người cung cấp kiến thức và kỹ năng thực hành cho VTN/TN cũng không phải là đội ngũ chuyên nghiệp mà là tổ chức, cán bộ truyền thông chung cho mọi đối tượng. Mặt khác, chưa có chuẩn kiến thức, kỹ năng thực hành các vấn đề Dân số - KHHGĐ cho VTN/TN; chưa thống nhất trong việc phân nhóm đối tượng phù hợp với hình thức truyền thông; chưa có các vấn đề, chủ đề ưu tiên cho VTN/TN trong từng giai đoạn trong từng nhóm đối tượng theo từng địa bàn. Nội dung truyền thông giáo dục lại thiếu cụ thể nhằm hướng dẫn kỹ năng sống về lĩnh vực nhạy cảm như: SKSS/SKTD, phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục...
Để xây dựng và triển khai một cách tiếp cận mới, để VTN/TN tiếp cận được với các thông tin và dịch vụ SKSS/KHHGĐ có chất lượng thì truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi là nhiệm vụ và hoạt động chủ yếu, cốt lõi. Theo đó, cần xây dựng một Chương trình truyền thông chuyên biệt và đồng bộ, mô hình truyền thông cho VTN/TN. Hoạt động truyền thông này phải được thực hiện bởi những người không chỉ có kiến thức chuyên môn và kỹ năng truyền thông về Dân số/SKSS/KHHGĐ mà còn được trang bị kiến thức về tâm sinh lý của VTN/TN, kỹ năng tiếp cận, làm việc với VTN/TN, bảo đảm tính riêng tư, bảo mật, đồng cảm, tế nhị, bình đẳng, không phán xét. Phương thức truyền thông phải phù hợp phụ thuộc vào đặc điểm riêng biệt của từng nhóm đối tượng./.

Bài ảnh: Hồng Điệp (Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên)