Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương
tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS" nhằm góp phần đẩy nhanh xã hội hóa
các phương tiện tránh thai theo định hướng của Chiến lược Dân số - Sức khỏe
sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng về
phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân để đảm
bảo sự công bằng xã hội và tính bền vững của chương trình Dân số - KHHGĐ.
Trong thời gian qua, Hưng Nguyên xác
định, với nỗ lực trong việc triển khai nhiệm vụ, hoạt động xã hội hóa cung cấp
phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS, tạo thêm cơ hội lựa chọn các biện
pháp tránh thai phù hợp, thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi sử dụng
phương tiện tránh thai từ cấp miễn phí sang tự chi trả, tạo môi trường xã hội đồng
thuận thúc đẩy xã hội hóa, phát triển thị trường phương tiện tránh thai, hàng
hóa SKSS và thị trường cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS, tăng nhanh số người sử dụng
các biện pháp tránh thai, góp phần duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu tình
trạng mất cân bằng giới tính, nâng cao chất lượng dân số, từ đó nâng cao chất
lượng cuộc sống của người dân trong xã hội, thực hiện Chiến lược dân số và sức
khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đạt kết quả cao.
Song thực tế, việc triển khai chương
trình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, hiệu quả chưa cao. Ở Hưng Nguyên, từ
năm 2011, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã thực hiện triển khai việc tiếp thị
xã hội các PTTT, bước đầu chuẩn bị cho công tác xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng
hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS giai đoạn 2016 - 2020.
Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện cũng đã
triển khai công tác tiếp thị xã hội các PTTT (chủ yếu là thuốc tránh thai và
bao cao su) tuy nhiên hiệu quả giai đoạn đầu chưa cao. Khi người dân bắt đầu
làm quen và có ý thức là phải mua PTTT thì năm 2015, nguồn cung các PTTT cho hoạt
động tiếp thị giảm, không đủ để bán cho các đối tượng, không có nguồn hàng nên
người dân lại không biết mua ở đâu.
Nguyên nhân là do tâm lý bao cấp các
PTTT và hàng hóa SKSS đã ăn sâu trong tâm trí của người dân, nên khi được tuyên
truyền về mua bao cao su, thuốc tránh thai… thì thường thắc mắc, nghi ngờ đội
ngũ cán bộ dân số. Để họ từ bỏ thói quen dùng miễn phí chuyển sang sử dụng PTTT
và hàng hóa SKSS từ nguồn dịch vụ không phải là chuyện một sớm một chiều.
Hơn nữa, chất lượng các loại PTTT và
hàng hóa SKSS trên thị trường Việt Nam hiện nay vẫn chưa được đảm bảo, vẫn còn
xuất hiện hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm định chất
lượng. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, kinh phí
từ nguồn ngân sách Trung ương dành cho chương trình Dân số - KHHGĐ ngày càng bị
cắt giảm, gây khó khăn nhất định đến việc cung ứng và nâng cao chất lượng PTTT
và hàng hóa SKSS cho cộng đồng; Thiếu nguồn kinh phí cho truyền thông, quảng bá
sản phẩm; chế độ chính sách hiện hành về Dân số - KHHGĐ của địa phương chưa đề
cập đến xã hội hoá các PTTT.
Viên chức Dân số-KHHGĐ Thị trấn Hưng Nguyên tư vấn đối tượng sử dụng BPTT từ xã hội hóa |
Hiện nay giá dịch vụ KHHGĐ cũng chưa được
xây dựng và ban hành, thiếu kế hoạch tổng thể, cơ chế, chính sách khuyến khích
các nhà đầu tư tham gia đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ
KHHGĐ/SKSS, nên không tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập đủ điều kiện
tham gia xã hội hóa phát huy lợi thế và phát triển bền vững...
Trên cơ sở nhận định về những khó khăn,
thách thức, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã nghiên cứu, đánh giá lại điều kiện
thực tế tại địa phương, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của một số tỉnh bạn, huyện
bạn để xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao tính hiệu quả của đề án.
Trước mắt, công tác thông tin, tuyên
truyền vẫn được ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề
xã hội hóa công tác dân số. Phối hợp với các ban, ngành có liên quan đa dạng
hóa PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS theo phân khúc thị trường theo sự chỉ đạo của
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh.
Tuy nhiên, để việc thực hiện đề án mang
lại hiệu quả cao, thì cần phải huy động cả cộng đồng tham gia, chia sẻ nguồn lực,
trong đó sẽ tập trung vào thực hiện đồng bộ các giải pháp: Xây dựng và trình
các cấp có thẩm quyền ban hành giá dịch vụ Dân số - KHHGĐ áp dụng trên địa bàn
toàn tỉnh. Đa dạng hóa PTTT và hàng hóa KHHGĐ/SKSS theo phân khúc thị trường,
chú trọng vào các PTTT hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả. Củng cố và
phát triển mạng lưới cung ứng PTTT và hàng hóa KHHGĐ/SKSS trên cơ sở huy động sự
tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân thuộc các thành phần kinh tế
theo phân khúc thị trường. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ KHHGĐ/SKSS của
người dân. Nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế công lập để thực hiện xã hội
hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn,
kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ/SKSS cho người cung cấp dịch vụ; hỗ trợ bổ sung trang
thiết bị, dụng cụ KHHGĐ/SKSS của các cơ sở y tế công lập để đáp ứng tiêu chí cơ
sở thực hiện XHH. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động về XHH cung cấp
PTTT và dịch vụ KHHGĐ. Tuyên truyền, vận động tạo môi trường xã hội đồng thuận
thúc đẩy XHH và phát triển thị trường PTTT, hàng hóa KHHGĐ/SKSS và thị trường
cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Truyền thông chuyển đổi hành vi để nâng cao hiểu
biết, nhận thức tạo sự chuyển đổi hành vi đúng đắn và bền vững của đối tượng
tác động, đối tượng thụ hưởng. Nội dung ưu tiên là chuyển đổi hành vi từ “bao cấp,
miễn phí” sang “mua, bán” phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của đối tượng.
Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh
thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS là một hướng đi tất yếu, không chỉ góp phần giảm
gánh nặng cho ngân sách Nhà nước mà còn từng bước thay đổi cách nghĩ của người
dân trong việc chủ động sử dụng các phương tiện tránh thai. Điều quan trọng nhất
để thực hiện thành công đề án là mỗi người dân phải nâng cao trách nhiệm, cùng
chia sẻ với ngân sách Nhà nước trong công tác Dân số - KHHGĐ.
Hồng Điệp (Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện
Hưng Nguyên)