[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , , , ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ Ở HƯNG NGUYÊN TRƯỚC THỀM 2018

ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ Ở HƯNG NGUYÊN TRƯỚC THỀM 2018

Sau 25 năm kể từ Hội nghị Trung ương 4, khóa VII, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII mới tiếp tục bàn về công tác dân số; là hội nghị mang dấu ấn đặc biệt đối với công tác dân số hiện nay.
Trong bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã xác định: “ Đây là vấn đề rất lớn và khó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc. Trong 25 năm qua, cả nước ta đã kiên trì, kiên quyết thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII.
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém, phát sinh những vấn đề mới cần kịp thời có định hướng xử lý. Ví dụ: Mức sinh giữa các vùng còn có sự chênh lệch đáng kể. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Nước ta đang bước vào thời kỳ "già hóa dân số", đứng trước nguy cơ "chưa giàu đã già", bỏ lỡ cơ hội của "thời kỳ dân số vàng." Quản lý dân số, quản lý di cư, nhất là di cư tự do, còn nhiều bất cập. Chất lượng dân số, nhất là chiều cao và thể lực chậm được cải thiện. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn xảy ra ở một số vùng dân tộc ít người; tỉ lệ người bị khuyết tật trong dân số còn cao...”
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đặc biệt là phương án lựa chọn về quy mô dân số và các chính sách bảo đảm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về dân số như: duy trì mức sinh thay thế; đưa tỉ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng tốt nhất điều kiện cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; quản lý tốt di cư, nhất là di cư tự do; nâng cao chất lượng dân số...”
Phát biểu bế mạc tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII,  đồng chí Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng đã xác định rất rõ “Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Coi công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ của toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững; Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá; tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số.
Đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước với quy mô dân số hợp lý (khoảng 104 triệu người vào năm 2030). Tập trung ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Ngăn ngừa tư tưởng, tâm lý không hạn chế số lần sinh con.
Đổi mới nội dung tuyên truyền vận động về công tác dân số và phát triển. Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới ”.
Trước đó, ngày 31/7/2017 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 1125/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu chung trong dự án về Dân số và phát triển cũng nêu rõ:
“ Chủ động duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số về thể chất nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Củng cố, phát triển hệ thống và nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng; quản lý, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Giảm tử vong và tình trạng suy dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em, thu hẹp chênh lệch các chỉ số sức khỏe bà mẹ, trẻ em giữa các vùng, miền trong cả nước”
Từ mục tiêu và định hướng chung của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số trong tình hình mới; căn cứ vào tình hình thực tiễn trên bàn tỉnh Nghệ An nói chung và Hưng Nguyên nói riêng, công tác Dân số trước thêm năm 2018, cần tập trung các nội dung sau:
Nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực công tác và chuyên môn nghiệp vụ về dân số cho cán bộ dân số từ huyện đến cơ sở là khâu quan trọng trọng trong quá trình tham mưu và tổ chức thực hiện công tác dân số trong giai đoạn hiện nay
Một là, xác định công tác dân số là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện xuống cơ sở. Xã hội hóa các hoạt động dân số, huy động toàn xã hội tham gia công tác này trên cơ sở phân cấp, phân nhiệm rõ ràng và phát huy được thế mạnh của từng ngành, đoàn thể và các lực lượng tham gia công tác dân số theo chương trình kế hoạch thống nhất.
Hai là, cả nước chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển; nhưng với đặc thù của Nghệ An nói chung và Hưng Nguyên nói riêng thì phải kết hợp hài hòa giữa Dân số-KHHGĐ với Dân số và phát triển. Chưa thể bỏ qua và xem nhẹ vấn đề Dân số-KHHGĐ.
Ba là, duy trì bền vững mức sinh thay thế. Mặc dù hiện nay, mức sinh của Nghệ An là 2,69 con; nhưng Hưng Nguyên là huyện liên tục nhiều năm đạt mức sinh thay thế. Ước tính năm 2017, tổng tỷ suất sinh: 2.066 con/1 phụ nữ. Đây là một chỉ tiêu rất khó về mức sinh mà Hưng Nguyên đã đạt được, để chứng tỏ rằng, tuy còn hạn chế nhưng mức sinh đã khá ổn định. Vì thế việc duy trì để dân số ổn định mức sinh là rất quan trọng.
Bốn là, coi trọng thực hiện giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; đây là vấn đề báo động “ đỏ ở Hưng Nguyên vì tỷ số giới tính khi sinh còn rất cao, chưa được cải thiện mấy ( tuy rằng với số trẻ sinh ra trên một địa bàn huyện chưa đủ điều kiện để tính tỷ số nhưng so sánh cũng thấy rất lo ngại cho mức chung của toàn tỉnh (năm 2011: 140BT/100BG; 2012: 137BT/100BG; 2013: 124BT/100BG; năm 2014: 120BT/100BG, năm 2015 là 123BT/100BG; năm 2016: 121BT/100BG; 9 tháng năm 2017 là 124BT/100BG). Vì thế đây là một nhiệm vụ rất nặng nề trong truyền thông, giáo dục trong vấn đề giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là một giải pháp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số
Năm là, đẩy mạnh thực hiện đề án  sàng lọc, phát hiện dị tật bẩm sinh trước sinh và sơ sinh, nhằm giúp phát hiện và ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi để cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh. Việc thực hiện nội dung này có ý nghĩa rất thiết thực và cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi tình trạng ô nhiễm môi trường và nhiều tác động đến sức khỏe con người nhằng góp phần nâng cao chất lượng dân số
Sáu là, thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, khám sức khỏe cho các nam nữ thanh niên tiền hôn nhân cũng là việc rất cần được quan tâm.
Bảy là, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, đây là vấn đề không thể thiếu được vì trong điều kiện nước ta dân số đã bước sang giai đoạn già hóa khi chưa giàu, tuổi thọ có được nâng lên nhưng thực chất khỏe mạnh chỉ mới bằng khoảng 2/3 tuổi thọ. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dân số phải chú ý đến lúc lượng người cao tuổi với tỷ lệ trên, dưới 10% dân số hiện nay.
Tám là, thường xuyên quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Độ tuổi đông đảo và có tác động quan trọng khi sinh ra những đứa trẻ là công dân tương lai của đất nước khỏe mạnh.
Chín là, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần và thái độ phục vụ của đội ngũ làm công tác dân số từ huyện đến tận xóm, khối. Đảm bảo là hạt nhân của việc thực hiện bền bỉ cuộc vân động toàn dân thực hiện tốt chính sách dân số.

Kim Bảng - TTDSHN