[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Truyền thông nâng cao kiến thức cho người dân vùng sông nước về chăm sóc sức khỏe sinh sản

Truyền thông nâng cao kiến thức cho người dân vùng sông nước về chăm sóc sức khỏe sinh sản

Hưng Nguyên có 10/23 xã thuộc vùng ven sông Lam với điều kiện sinh hoạt thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước sông hồ không đảm bảo, nếu người dân không ý thức giữ gìn vệ sinh thật tốt rất dễ bùng phát các loại dịch bệnh và rất dễ viêm nhiễm đường sinh sản. Điều này sẽ gây xáo trộn trong sinh hoạt vợ chồng, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, để lại hậu quả nặng nề đối với sức khỏe bản thân như: Viêm nhiễm đường sinh sản kéo dài sẽ làm tắc vòi trứng, vô sinh, ung thư cổ tử cung…làm mất thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Đối với phụ nữ mang thai khi mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản dẫn đến có thể đẻ ra trẻ nhẹ cân và mắc một số dị tật nguy hiểm. Đối với nam giới gây tắc ống dẫn tinh dẫn đến vô sinh v.v. Do vậy việc nâng cao hiểu biết về chăm sóc SKSS cho người dân là vô cùng cần thiết.
Truyền thông cho các đối tượng sinh sống trên sông nước tại Hưng Lợi

Hằng năm Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên đã hướng dẫn các đơn vị vùng sông nước gồm: Hưng Lĩnh, Hưng Long, Hưng Xá, Hưng Xuân, Hưng Lam, Hưng Phú, Hưng Khánh, Hưng Nhân, Hưng Châu, Hưng Lợi xây dựng kế hoạch truyền thông đặc thù cụ thể phù hợp với từng đơn vị, hướng dẫn khảo sát số gia đình thường xuyên sống, sinh hoạt trên sông nước để thực hiện các loại hình truyền thông khác nhau nhằm đảm bảo mọi người dân vùng này đều nắm được các kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện phối hợp với Trung tâm Y tế mở 2 đợt Chiến dịch truyền thông, tư vấn lồng ghép cung cấp dịch vụ Chăm sóc SKSS/KHHGĐ trong năm. Đây là chương trình mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong việc phát hiện và điều trị viêm nhiễm đường sinh sản. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản dành cho người dân vùng sông nước bằng nhiều hình thức khác nhau như:  Tổ chức “truyền thông lưu động trên sông nước” đây là một trong những hình thức truyền thông tạo được dư luận mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân, đội truyền thông được chuẩn bị đầy đủ thuyền, băng rôn, khẩu hiệu loa máy, từ rơi v.v. di chuyển đến từng hộ gia đình đang sinh sống và làm việc trên các xà lan, truyền bè để tuyên truyền vận động; Triển khai mô hình truyền thông “ Cập bến nhận thông tin về Dân số/SKSS/KHHGĐ” tại các xã như: Hưng Long, Hưng Xuân, Hưng Lam, Hưng Nhân, Hưng Châu, Hưng Lợi v.v.. mới được triển khai từ năm 2016 những mô hình này bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các hộ gia đình đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sống và làm việc trên thuyền lâu ngày cập bến đều được cung cấp thông tin cụ thể về “Dân số/SKSS/KHHGĐ” qua đó chuyển đổi hành vi thực hiện đúng; Tư vấn tại hộ gia đình cũng là một trong những hình thức tiếp cận cụ thể từng đối tượng sinh sống ở vùng sông nước. Viên chức Dân số - KHHGĐ xã, cộng tác viên Dân số - KHHGĐ xóm trực tiếp tư vấn và cung cấp các phương tiện tránh thai cho các đối tượng này đảm bảo nhu cầu của từng đối tượng vùng sông nước v.v…
Bên cạnh đó, các hình thức truyền thông khác cũng như: phát thanh các bài truyền thông, kẻ vẽ khẩu hiệu, sinh hoạt các câu lạc bộ, tư vấn nhóm vùng đặc thù được các đơn vị tăng cường thực hiện, đặc biệt là mùa mưa lũ nguồn nước trên các sông ngòi bị ô nhiễm trầm trọng v.v…
Nhờ làm tốt công tác truyền thông mà tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh sản vùng sông nước giảm dần qua các năm, đa số phụ nữ thực hiện thăm khám phụ khoa định kỳ. Bà mẹ mang thai khám thai, tiêm phòng, sàng lọc đúng thời gian quy định. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các BPTT hiện đại ngày càng tăng v.v…
Nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản cho người dân vùng sông nước là việc làm vô cùng cần thiết để giúp người dân nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, hưởng thụ đầy đủ các dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản /KHHGĐ; phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn.
Mỗi  người dân hãy thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, là việc làm thiết thực góp phần xây dựng  hạnh phúc gia đình, nâng cao sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội.

 Bài và ảnh: Ngô Tuyên – Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện