[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Vài suy nghĩ cá nhân về Việt Nam nên lựa chọn sinh đẻ theo phương án nào?

Vài suy nghĩ cá nhân về Việt Nam nên lựa chọn sinh đẻ theo phương án nào?

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Chất lượng dân số đối mặt với nhiều thách thức. Bộ Y tế đã đưa ra 3 phương án điều chỉnh mức sinh hiện nay. Dưới góc độ nhận thức của bản thân có đôi điều suy nghĩ về từng phương án:
Về phương án 1: Duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt. Theo đó, sẽ vận động mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con mà không quy định thành luật với chính sách linh hoạt.
Những địa phương đang sinh nhiều con (hơn 3 con) thì vận động sinh ít đi để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn. Ngược lại, những nơi có tỉ lệ sinh thấp thì phải vận động nâng mức sinh lên như khu vực Đông Nam Bộ.
Phương án này thời gian qua chúng ta đã tổ chức thực hiện và thu được một số kết quả nhất định, đó là cả nước đã và đang duy trì được mức sinh thay thế. Tuy nhiên còn một số địa phương có mức sinh không những khá cao và rất cao ( 2,69 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ). Chúng ta phải nhìn bình diện chung của một quốc gia, chứ không nên chia ra tỉnh nào sinh nhiều con thì vận động đẻ ít đi; tỉnh, thành nào có tỉ lệ sinh thấp thì phải vận động nâng mức sinh lên. Nếu nói như vậy thì chính sách dân số lại trở thành rất địa phương chứ không còn là chính sách chung của một quốc gia.
Mặt khác, có lẽ trong tất cả các cuộc vận động thì vận động thực hiện sinh đẻ ít là cực kỳ khó khăn, nó đụng chạm đến rất nhiều yếu tố, đối tượng, không phải do nhận thức, trình độ thấp kém, mà ngay cả những người có chức vụ, trình độ học vấn rất cao, biết và thông thuộc chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số-KHHGĐ vẫn vi phạm. Điều đó, những nhà hoạch định chính sách thấy được và cần suy nghĩ về cuộc vận động không dễ gì thành công một cách lâu dài. Phải chăng, lâu nay sự thành công đó có sự đóng góp không nhỏ vào sự đồng thuận và ý thức tự giác của đại bộ phận các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.
Vì thế, nếu thực hiện phương án 1 cũng đã đến lúc cần phải thay đổi phương thức vận động gắn với những chính sách ràng buộc, chứ nếu chúng ta duy trì cũng có thể được xem  như là buông lơi, nếu không dám nói là buông lỏng. Bởi khi đã vận động thì có lẽ chỉ gắn vào thi đua, khen thưởng;  chứ không thể gắn vào quyền lợi để thực hiện giá trị kinh tế, văn hóa, pháp luật….


Trung tâm Dân số Hưng Nguyên luôn quan tâm nâng cao nghiệp vụ cho viên chức - Ảnh: KB
Về phương án 2: Tiếp tục chính sách sinh ít hơn 2 con, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con, nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số, nhằm giảm bớt đầu tư cho an sinh xã hội.
Bản chất thực hiện chính sách sinh ít hơn 2 con cũng không khả thi khi chúng ta đang dần tới xu thế già hóa dân số chứ không còn là thời kỳ dân số vàng nữa. Bởi thế phương án này cũng không còn hợp lý nữa. Mặt khác, chính sách sinh ít hơn 2 con bản chất lâu nay cũng chỉ mới là cuộc vận động, giá trị pháp lý để yêu cầu bắt buộc thực hiện vẫn chưa được quy định rõ. Nên sắp tới thực hiện theo phương án này sẽ khó khả thi và càng vất vả cho nhưng người làm công tác Dân số-KHHGĐ mà lại chuẩn bị được đổi tên gọi là Dân số & phát triển.
Về phương án 3: Cho đẻ thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí (hiện một nửa cấp miễn phí).
Thực hiện phương án này mà đạt tới được mục tiêu dân số ổn định và duy trì được mức sinh thay thế khi và chỉ khi Nhà nước ban hành được hệ thống chính sách khả thi về an sinh xã hội, về trách nhiệm đóng góp của công dân đối với tất cả các sinh hoạt liên quan đến con người. Đồng thời, dân trí và ý thức của người dân đã nhận thức được đầy đủ là sinh con có trách nhiệm đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu của chính bản thân họ, của người được sinh ra và cho xã hội.
Còn nếu thả lỏng cho đẻ thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí chắc không phải đợi chờ lâu, dân số sẽ bùng nổ ồ ạt chỉ sau 5 năm thôi. Và có lẽ đội ngũ làm công tác Dân số từ Trung ương đến xóm, khối, thôn, bản sẽ không cần thiết phải tồn tại nữa. Bản thân tôi nghĩ nếu nới lỏng mức sinh, tỷ lệ sinh Việt Nam sẽ tăng trở lại, kịch bản bùng nổ dân số những năm sau khi ban hành Pháp lệnh Dân số 2003 sẽ lại xảy ra và có thể trầm trọng hơn. Dân số là mẫu số của phát triển KT-XH. Chất lượng sống không thể tăng lên nếu chúng ta để mẫu số “tăng lên”, trong khi tử số là phát triển KT-XH không tăng tương xứng. Thiết nghĩ, phải 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nước ta mới có thể thay thế chính sách điều chỉnh mức sinh. Cùng quan điểm trên, nhiều người được hỏi đều cho rằng không nên nới lỏng mức sinh bởi tình trạng nới lỏng sinh khiến việc sinh con thứ ba trở lên tăng mạnh trở lại. Điều này rất nguy hiểm.
Quan điểm cá nhân, nếu được phép đề xuất, tôi chọn phương án mỗi cặp vợ chồng được sinh không quá 3 con. Tại sao ?
- Một là, không phải cặp vợ chồng nào cũng sinh được đủ ba con, mà có một số cặp vợ chồng chỉ sinh được có 1 con hoặc 2 con, thậm chí họ kết hôn nhưng không sinh con ( xu thế hiện nay đang phát sinh) hoặc không có khả năng sinh con. Vì thế, những cặp vợ chồng sinh ba con là để bù đắp đạt mức trung bình có thể trong việc giải bài toán già hóa dân số đang xẩy ra khá nhanh hiện nay.
- Hai là, xóa ngay được tâm lý “ sinh con dự phòng” mà lâu nay một số cặp vợ chồng luôn có suy nghĩ đặt ra khi an sinh xã hội chưa bảo đảm cho họ.
- Ba là, tạo ra được cơ hội giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh rất lớn, bởi tư tưởng các cặp vợ chồng dù đạt được hay không nhưng luôn mong muốn có con trai. Họ sẽ có cơ hội đạt nguyện vọng sinh con trai nếu sinh 3 con. Và như thế sẽ thực hiện sinh đẻ một cách tự nhiên chứ không dùng mọi biện pháp áp dụng như rất nhiều cặp vợ chồng rất lo lắng và áp lực hiện nay.
- Bốn là, nâng tổng tỷ suất sinh lên  sẽ chậm được tốc độ già hóa dân số
Để thực hiện được phương án này một cách khả thi, thiết nghĩ Nhà nước cần mạnh tay luật hóa quy định cụ thể, chứ không phải là cuộc vận động như hiện nay. Ai vi phạm có chế tài nghiêm và rõ ràng thì việc ổn định dân số sẽ dễ dàng hơn.

KimBang - TTDSHN