[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , , Đề xuất chuyển Trung tâm Dân số-KHHGĐ trực thuộc UBND cấp huyện

Đề xuất chuyển Trung tâm Dân số-KHHGĐ trực thuộc UBND cấp huyện

Những tồn tại và giải pháp cho mô hình tổ chức bộ máy Dân số kế hoạch hóa gia đình ở cấp huyện và cấp xã

Chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, thực hiện quản lý đa ngành là hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển. Kết quả của quá trình này là có sự sáp nhập một số bộ, trong đó công tác DS-KHHGĐ được chuyển về cho Bộ Y tế quản lý. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện mô hình tổ chức mới để triển khai thực hiện công tác DS-KHHGĐ đã cho thấy những bất cập trong việc triển khai thực hiện, đặc biệt là ở cấp huyện và xã.

Theo Điều 95 và 102 của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 thì thẩm quyền của UBND tỉnh “Quyết định thành lập các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công trên cơ sở quy hoạch và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...” và UBND huyện có thẩm quyền “Thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế; quản lý các Trung tâm y tế, trạm y tế; chỉ đạo và kiểm tra việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân; phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ và chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; bảo vệ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em; thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình”.
Theo tinh thần Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình: Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và nâng cao hiệu lực quản lýlà một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Nghị quyết đã nêu rõ“Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số, gia đình và trẻ em từ Trung ương đến cơ sở đủ mạnh để quản lý và tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động và đưa dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến tận người dân. Đặc biệt quan tâm củng cố, ổn định, nâng cao năng lực và nhiệt tình cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân số, gia đình và trẻ em ở các xã, phường, thị trấn và đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở các thôn, xóm, bản, làng…
Thực hiện quản lý, điều hành công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình theo chương trình mục tiêu quốc gia, tiếp tục áp dụng cơ chế phân cấp và phối hợp liên ngành đã khẳng định được hiệu quả cao trong thời gian qua, đồng thời nghiên cứu và áp dụng các cơ chế mới phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.”
Thông tư 05 hướng dẫn về mô hình tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương đã được xây dựng theo tinh thần cải cách hành chính và những văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ đã từng bước được hình thành và củng cố để triển khai công việc một cách hiệu quả. Tuy nhiên, mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ theo hướng dẫn của Thông tư 05 là Trung tâm DS-KHHGĐ huyện trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ và cán bộ DS-KHHGĐ là cán bộ của Trạm Y tế xã đã bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn.
Không những thay đổi về tổ chức bộ máy, cán bộ ở cơ sở cũng có sự biến động. Cán bộ DS-KHHGĐ ở tuyến huyện phải tuyển mới đến 45% và ở tuyến xã là 22%. Nhưng việc thay đổi chưa phải đã kết thúc, để thực hiện chủ trương đưa cán bộ DS-KHHGĐ thành viên chức ở xã còn phải tuyển mới thêm khoảng 50% số cán bộ hiện nay.
Qua kết quả khảo sát, đánh giá mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở tuyến huyện và tuyến xã kết hợp với 02 khảo sát, đánh giá trước đây đã thực hiện, có thể đánh giá mô hình tổ chức sự nghiệp làm công tác DS-KHHGĐ cấp huyện, xã như sau:
Thứ nhất. Ưu điểm vượt trội của mô hình tổ chức bộ máy Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện so với mô hình trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ.
Mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ chỉ được đánh giá thuận lợi về công tác chỉ đạo, điều hành, báo cáo và lập kế hoạch thực hiện công tác DS-KHHGĐ của Chi cục đối với Trung tâm. Trong khi đó, hàng loạt khó khăn, bất cập được chỉ ra như:
-          Không nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp uỷ, chính quyền địa phương;
-          Khó khăn trong việc phối hợp với các ban ngành để triển khai nhiệm vụ DS-KHHGĐ;
-          Hạn chế trong việc nhận được sự đầu tư, hỗ trợ về kinh phí của địa phương để triển khai nhiệm vụ được giao;
-          Khó khăn trong quản lý, điều hành cũng như chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ.
Mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện, trong khi vẫn đảm bảo được sự chỉ đạo, điều hành, báo cáo về chuyên môn nghiệp vụ với Chi cục DS-KHHGĐ, lại có thể khắc phục được những bất cập đã nêu ở trên.
Thứ hai. Việc chuyển đổi từ mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ sang trực thuộc UBND huyện đã đang diễn ra mặc dù chưa có hướng dẫn của Trung ương.
Vào thời gian đầu triển khai thực hiện Thông tư 05, phần lớn các tỉnh đã thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổng cục DS-KHHGĐ trong việc thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh. Chỉ có 3 tỉnh/TP là Hà Nội, Quảng Trị và Gia Lai lựa chọn mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND quận/huyện. Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện, một số tỉnh/TP là Đà Nẵng, Thái Bình, Bình Phước và Hà Tĩnh đã nhận ra sự bất cập của mô hình tổ chức theo hướng dẫn của Thông tư 05 nên đã và đang có sự điều chỉnh cho phù hợp thông qua việc chuyển Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện. Việc thay đổi mô hình tổ chức hoàn toàn do địa phương quyết định mà không chờ có sự hướng dẫn của Trung ương.
Thứ ba: Thực tế cho thấy việc chuyển đổi mô hình ở cấp huyện hoàn toàn thuận lợi, không gây xáo trộn về tổ chức và cán bộ; không tăng biên chế và kinh phí.
Do Trung tâm DS-KHHGĐ là đơn vị sự nghiệp độc lập, việc chuyển đổi mô hình thực chất chỉ là chuyển đổi cơ quan quản lý đối với Trung tâm và không có ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, cán bộ mà Trung tâm hiện đang thực hiện. Trước kia Chi cục DS-KHHGĐ chỉ đạo toàn diện đối với Trung tâm thì này chỉ tập trung vào chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ còn UBND huyện sẽ chịu trách nhiệm quản lý về tổ chức và điều hành hoạt động của Trung tâm.
Thứ tư. Việc chuyển cán bộ DS-KHHGĐ về Trạm Y tế xã diễn ra rất chậm và thực tế cũng chứng minh rằng mô hình này không thực sự có hiệu quả như mong đợi.
Việc cán bộ DS-KHHGĐ xã được đưa về Trạm y tế như hiện nay và được hưởng lương sự nghiệp y tế là mơ ước lâu nay của ngành dân số. Tuy nhiên, mới chỉ có trên 40% tổng số xã trên toàn quốc hoàn thành được việc tuyển dụng được viên chức làm chuyên trách DS-KHHGĐ. Thêm vào đó, thực tế đang diễn ra hiện tượng “loại cựu chiến binh, tuyển tân binh” và “y tế hóa đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ”, gây xáo trộn và làm đội ngũ cán bộ cấp xã không yên tâm. Nhiều địa phương đã thực hiện tuyển dụng hàng loạt cán bộ y tế mới ra trường về thay thế cho những cán bộ DS-KHHGĐ lớn tuổi hoặc không đủ điều kiện tuyển dụng thành viên chức DS-KHHGĐ. Việc tuyển dụng này sẽ góp phần tăng cường sự lồng ghép của công tác dân số và y tế. Nhưng mặt khác, do công tác DS-KHHGĐ yêu cầu cán bộ phải là người có uy tín trong cộng đồng, có kỹ năng truyền thông tốt và có tiếng nói với lãnh đạo đảng ủy, UBND xã cũng như các ban ngành tại xã, những nhân viên y tế mới được tuyển dụng sẽ rất khó đảm đương tốt nhiệm vụ này.
Ngoài những khó khăn tương tự như tuyến huyện trong việc chỉ đạo, điều hành, tham mưu cho lãnh đạo địa phương; phối hợp ban ngành cũng như hỗ trợ kinh phí của địa phương cho công tác DS-KHHGĐ; cán bộ DS-KHHGĐ ở Trạm y tế cũng gặp nhiều khó khăn trong thực hiện công việc do phải kiêm nhiệm thêm một số công việc của Trạm, sự phối hợp với cán bộ y tế và mối quan hệ giữa Trạm y tế và Trung tâm DS-KHHGĐ.
 Thứ năm. Việc kịp thời chuyển đổi mô hình ở cấp xã cũng sẽ hoàn toàn thuận lợi, không gây ảnh hưởng đến công việc, biên chế.
Do hiện nay vẫn còn gần 50% số xã trên cả nước vẫn đang để cán bộ DS-KHHGĐ làm việc tại xã, trên 90% cán bộ DS-KHHGĐ xã vẫn giữ vai trò quan trọng trong Ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ xã (Phó ban, Ủy viên thường trực và Ủy viên) và hiện vẫn do Trung tâm DS-KHHGĐ huyện ký hợp đồng và trả lương, cán bộ DS-KHHGĐ nếu được chuyển trở lại làm việc tại UBND xã sẽ không gặp nhiều khó khăn khi tiếp tục công việc của mình. Việc chuyển đổi mô hình chỉ là sự thay đổi về “mũ” tức là cơ quan chủ quản, hoàn toàn không gây xáo trộn về tổ chức, không làm tăng biên chế và kinh phí hoạt động trong khi lại có thể nâng cao rõ rệt hiệu quả của cơ chế quản lý và điều hành công việc.
Thứ sáu. Có sự thống nhất ý kiến của tất cả các cấp cũng như giữa chính quyền và cơ quan quản lý trong việc lựa chọn mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ cho UBND cấp huyện và xã.
Có 61% Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh/huyện và 58% lãnh đạo Chi cục/Trung tâm DS-KHHGĐ ủng hộ mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện.
Có 79% Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh/huyện/xã, 86% lãnh đạo Chi cục/Trung tâm DS-KHHGĐ và 70% Trạm trưởng Trạm Y tế xã người đang trực tiếp quản lý cán bộ DS-KHHGĐ xã cũng ủng hộ việc cán bộ DS-KHHGĐ xã trực thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ công tác tại UBND xã.
Trên cơ sở các phát hiện từ thông tin khảo sát cũng như tổng hợp kết quả từ các cuộc điều tra khác và ý kiến của các địa phương yêu cầu đặt ra là cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ để chỉnh sửa, bổ sung mô hình cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh việc giữ nguyên tổ chức bộ máy ở cấp Trung ương và tỉnh/thành phố, các kiến nghị về điều chỉnh mô hình tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ tập trung vào ở cấp huyện và xã để nâng cao hiệu quả hoạt động, cụ thể là kiến nghị sửa đổi Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương như sau:
Thứ nhất: Chuyển Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện hiện đang là đơn vị sự nghiệptrực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ sang trực thuộc UBND cấp huyện.
Thứ hai: Chuyển cán bộ DS-KHHGĐ xã hiện đang là viên chức của Trạm Y tế xã sang thành viên chức thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện làm việc tại xã.
Thứ ba: Những địa phương chưa giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp làm công tác DS-KHHGĐ ở xã thì Bộ Y tế có hướng dẫn để các địa phương giao chỉ tiêu biên chế cho Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện tuyển dụng để công tác tại xã trong huyện theo hướng mỗi xã/phường có 1 chỉ tiêu biên chế làm công tác DS-KHHGĐ.
Hơn 50 qua, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) đã đạt được những thành tựu rất quan trọng được Đảng, Nhà nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt về những đóng góp quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Để đạt được kết quả trên có vai trò quan trọng của hệ thống tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các cấp, đặc biệt là ở tuyến cơ sở.
Mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở thời kỳ nào cũng là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của công tác dân số. Việc tìm ra mô hình tổ chức bộ máy phù hợp, tập trung được sức mạnh của cả cộng đồng có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả của công tác DS-KHHGĐ.
           
                                                          Lương Thế Khanh
                                                           Vụ trưởng Vụ TCCB
                                                                                    Tổng cục DS-KHHGĐ