[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Lỗi một phần từ cha mẹ

Lỗi một phần từ cha mẹ

 Mang thai vị thành niên: Lỗi một phần từ cha mẹ

GiadinhNet - BS Bùi Thị Lan, khoa Hậu sản, BV Phụ sản Hà Nội cho biết, những trường hợp làm mẹ từ thuở 16 hay nữ sinh mang bầu đến khi trở dạ trong lớp học mà gia đình, nhà trường không hay biết (xem Báo GĐ&XH số 33, 34, ra ngày 16-19/3) không phải là cá biệt.

BS Lan đã từng phải can thiệp những ca đẻ non ở tháng thứ 7, thứ 8 do sản phụ quấn bụng quá chặt để giấu bố mẹ việc mình mang thai.

Vị thành niên mang thai có một phần lỗi của cha mẹ.

Quấn bụng ém thai

BS Bùi Thị Lan cho biết, ca đẻ non ở tháng thứ 7 là trường hợp của cháu LTV ở Vĩnh Phúc, mới 16 tuổi. Cháu V biết mình mang thai nhưng không biết làm thế nào, cũng không dám nói chuyện với bố mẹ nên tìm cách quấn bụng thật chặt để che dấu. Do thai bị ép, lèn chặt lại nên dẫn đến đẻ non. Đứa trẻ sinh thiếu tháng quặt quẹo. Tội nhất là gia đình ở nông thôn, bố mẹ làm nông, điều kiện kinh tế khó khăn lại sợ hàng xóm dị nghị, con lại đang tuổi học nên người mẹ cứ khóc lóc nhờ bác sĩ giúp đỡ chăm sóc đứa trẻ rồi cho người nhận làm con nuôi.

Cách đây không lâu ở Hoàng Mai (Hà Nội) cũng có một trường hợp tương tự. Em VTH (18 tuổi) mang thai đến khi trở dạ trong nhà tắm thì bố mẹ mới biết. Điều đáng nói là bố mẹ sản phụ này đều là trí thức, mẹ là giáo viên, bố làm việc tại một viện nghiên cứu.

Bác sĩ Lan cho rằng, những trường hợp trẻ mang thai tới lúc đẻ bố mẹ mới biết hầu hết là do bố mẹ quá bận bịu nên không để ý đến con. Còn TS tâm lý Nguyễn Kim Quý, cố vấn cao cấp Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những việc đáng buồn này là do không có sự chia sẻ giữa con cái và bố mẹ.

“Cha mẹ coi trẻ vị thanh niên có quan hệ tình dục, mang thai ngoài ý muốn là việc xẩy ra ngoài xã hội chứ không phải trong nhà mình. Cha mẹ thường dửng dưng, tự huyễn hoặc rằng con mình không như vậy. Với họ, những trường hợp trẻ mang thai xuất thân trong những gia đình bố mẹ “không ra gì”, con cái hư hỏng. Cách nghĩ này tạo nên hố ngăn cách, khiến đứa trẻ không dám bộc lộ, không dám tâm sự những vấn đề mà mình đang gặp phải. Đứa trẻ sợ bố mẹ sẽ thất vọng nên tìm cách giấu kín, sống trong nỗi mặc cảm rằng mình là đứa trẻ hư hỏng. Không hiếm trường hợp trẻ có ý nghĩ tự tử khi phát hiện mình mang thai”, bà Kim Quý cho hay.

Càng cấm, trẻ càng lao vào

  Những dấu hiệu  con trẻ mang thai

Có những dấu hiệu biểu hiện rất rõ ràng ra bên ngoài cơ thể khi đứa trẻ mang thai mà bố mẹ có thể dễ dàng nhận thấy như:
> Động mạch ở cổ đập mạnh. Nếu vào mùa hè, mặc áo hở cổ thì nhìn rất rõ.
>Lông mày dựng ngược.
>Thở hơi tăng sức (thở không bình thường, gắng sức, thở hổn hển).
>Thể trạng mệt mỏi, uể oải.
>Sợ ăn một số thứ thức ăn mà trước đó trẻ vẫn ăn bình thường. Những món mà trẻ dễ sợ ăn là cá, tôm hoặc các loại thức ăn tanh khác.
>Hay buồn nôn
Ngoài những dấu hiệu về mặt cơ thể như trên, khi con cái có những biểu hiện như thường xuyên bỏ bữa, trốn vào phòng riêng thì cần phải quan tâm và hỏi han kịp thời.

(BS 
Bùi Thị Lan,
 BV Phụ sản Hà Nội)
Cũng theo TS Kim Quý, có một thực tế là bố mẹ thường dạy con đừng quan hệ, đừng yêu đương. Giáo dục con kiểu đó có khi phản tác dụng. Bố mẹ phải hiểu, khi trẻ đến tuổi dậy thì, bản năng tình dục trỗi dậy, các em khao khát và tìm đến nhu cầu thỏa mãn – đây là vấn đề tự nhiên của con người.

Quan trọng là bố mẹ cho con biết hậu quả của việc quan hệ tình dục sớm thì thế nào. Bố mẹ nên giáo dục con những chuẩn mực cá nhân tốt, rằng nếu chỉ nghĩ đến tình dục thì sẽ ảnh hưởng đến việc học, mất cơ hội để có một tương lai  tốt...

Một điều vô cùng sai lầm về mặt quan niệm là từ gia đình, nhà trường, xã hội đều chỉ dạy con gái mà không dạy con trai những chuẩn mực đạo đức cá nhân về vấn đề tình yêu, tình dục, về vấn đề quan hệ với người khác giới. Những vụ trẻ mang thai ngoài ý muốn, hay những vụ “lừa tình”, “bỏ của chạy lấy người” có một phần từ nguyên nhân này.

Theo các chuyên gia, với con gái, bố mẹ phải cung cấp những kỹ năng cho đứa trẻ biết để tự bảo vệ mình. Ví dụ, hãy nói với con rằng, khi người bạn trai say mê mình, thích mình chưa chắc đã phải là “yêu”. Yêu là phải có trách nhiệm với mình, lo lắng cho mình. Nếu người con trai chỉ “thích”, chỉ “say mê” mà không yêu thì họ sẽ làm tổn thương đến con, sẽ “bỏ của chạy lấy người” khi gây hậu quả cho con…

Một vấn đề nhạy cảm nhưng vô cùng quan trọng là không nên né tránh giáo dục giới tính. Phải dạy con những vấn đề giới tính khi con còn nhỏ. Bất kể khi nào có cơ hội như con trẻ hỏi, tỏ ra tò mò về vấn đề mang thai, sinh đẻ…thì bố mẹ phải giải thích luôn. Giáo dục giới tính cho con là cả một quá trình từ bé. Mỗi lứa tuổi sẽ có một cách giải thích khác nhau, mục đích là để giải quyết mọi khúc mắc của trẻ.

Qua trao đổi, tâm sự, trò chuyện …đứa trẻ sẽ nhận được những kiến thức về giới tính, về tình yêu, tình dục một cách tự nhiên. Để đến khi con bắt đầu biết yêu, hay có dấu hiệu có cảm xúc yêu đương mới dạy cho con thì thường là không còn kịp nữa. Đặc biệt nguy hại nhất là cấm trẻ thế này, thế kia. “Đã là bản năng thì không cấm được, càng cấm trẻ sẽ càng lao vào hoặc sẽ biến đổi hành vi một cách tiêu cực”, TS Kim Quý nói. 

          Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An (địa phương xảy ra vụ việc nữ sinh trở dạ trong lớp học), trong thời gian tới, Sở sẽ có văn bản chỉ đạo và phối hợp với các ngành liên quan đưa môn học kỹ năng sống và SKSS vào các trường học. “Các trường phải xem đây là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn và thực hiện nghiêm túc”, ông Hoàn cho biết.

An Khê
( nguồn báo gia đình và xã hội