Điều cần thiết
bắt đầu từ ý thức chấp hành giờ giấc làm việc và hội họp của cán bộ, công chức,
viên chức.
Bác Hồ là người
rất tiết kiệm thời gian; chúng ta học
tập và làm theo gương Bác, theo tôi, việc đơn giản nhất, dễ làm nhất và
cũng hiệu quả nhất, trước tiên hãy làm theo tấm gương tiết kiệm thời gian của
Nguời. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quý trọng, sử dụng hiệu quả thời
gian bằng cách sắp xếp kế hoạch cụ thể, chi tiết và tác phong hiện đại, để sao
cho không bị lãng phí thời gian một cách vô ích. Không chỉ tiết kiệm cho riêng
mình, trong các cuộc họp, gặp mặt, hội thảo…, mà quan trọng hơn là làm việc rất
đúng giờ để mọi người không phải chờ thời gian vàng ngọc trong một ngày làm
việc.
Có rất nhiều
mẫu chuyện và hình ảnh sinh động nói về tiết kiệm thời gian của Bác Hồ để noi
gương. Trong bài viết ngắn này, xin được kể lại một số chuyện cụ thể như sau:
Trong bộ phim
tài liệu “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”, dường như năm nào cũng được
chiếu lại trên truyền hình vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác và đã được 70 cơ
quan thông tấn sử dụng làm tư liệu về Hồ Chí Minh. Khi xem bộ phim này, chắc
hẳn người dân nào cũng nhớ rõ cảnh trong chiến dịch mùa đông, Bác Hồ cởi trần,
mặc quần đùi, cầm sào vừa đi vừa phơi quần áo. Đó là hình ảnh rất thật, mà theo
đạo diễn Bùi Đình Hạc phải mất công bảo vệ lắm mới được để nguyên đưa lên phim.
Và cũng chính hình ảnh thật đó, mà sự vĩ đại của Bác càng vĩ đại hơn.
Những ai xem
hình ảnh sống động ấy đều có cảm xúc riêng, cảm nhận riêng và tự liên hệ đến
bản thân mình. Tất cả đều chung niềm xúc động khôn tả về sự giản dị, gần gũi,
đời thường của Bác. Và chính đó là hình ảnh thay bao lời nói về việc tiết kiệm
thời gian của Người.
Năm 1945, mở
đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam , Người
thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10
phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ,
vì thời gian quý báu lắm”.
Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp
tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút, tất nhiên là có lý do: mưa to,
suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo:
- Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ
đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn
bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.
Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một
đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:
- Chú đến chậm mấy phút?
- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!
- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú
phải nhân với 500 người đợi ở đây.
Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng
quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ để bất cứ
ai phải đợi mình. Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị
em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Tin vui đến
làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi. Bỗng chuyển trời đột ngột,
mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn mưa dồn dập, xối xả, tối đất, tối trời, hai
ba tiếng đồng hồ không dứt. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ: mưa thế này, Bác đến sao
được nữa, trời hại quá.
Giữa lúc trời đang trút nước, lòng người đang
thất vọng, thì từ ngoài hiên lớp học có tiếng rì rào, rồi bật lên thành tiếng
reo át cả tiếng mưa ngàn, suối lũ:
- Bác đến rồi, anh em ơi! Bác đến rồi!
Trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần xắn đến
quá đầu gối, đầu đội nón, Bác hiện ra giữa niềm ngạc nhiên, hân hoan và sung
sướng của tất cả mọi người.
Về sau, anh em được biết, giữa lúc Bác chuẩn
bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị
Bác cho báo hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí đề nghị tập trung lớp học ở một
địa điểm gần nơi ở của Bác...Nhưng Bác không đồng ý: “Đã hẹn thì phải đến, đến
cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một
vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công!”.
Ba năm sau,
dịp Tết cổ truyền của dân tộc, hàng trăm đại biểu các tầng lớp nhân dân
thủ đô tập trung tại Ủy ban Hành chính thành phố để lên chúc tết Bác Hồ. Sắp
đến giờ lên đường trời bỗng đổ mưa như trút. Giữa lúc mọi người còn đang lúng
túng thu xếp phương tiện cho đoàn đi để Bác khỏi phải chờ lâu thì bỗng xịch,
một chiếc xe đậu trước cửa. Bác Hồ từ trên xe bước xuống, cầm ô đi vào, lần
lượt bắt tay, chúc tết mỗi người, trong nỗi bất ngờ rưng rưng cảm động của các
đại biểu.
Thì ra, thấy
trời mưa to, thông cảm với khó khăn của Ban tổ chức và không muốn các đại biểu
vì mình mà vất vả, Bác chủ động, tự thân đến tại chỗ chúc tết các đại biểu
trước.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà lần đầu tiên Bác Hồ
về thăm quê lại chọn đúng ngày 16 – 6 - 1957 (là Chủ nhật). Trước đó 11 năm
(cuối năm 1946), khi tiếp anh, chị ruột là ông Nguyễn Sinh Khiêm và bà Nguyễn
Thị Thanh sau bao năm xa cách, Bác cũng bố trí vào ngày Chủ nhật.
Nói về việc tiết kiệm thời gian, Bác dạy: “Ai
mang vàng vứt đi là người điên rồ. Ai mang thời giờ vứt đi là người ngu dại”,
“Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ
quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... làm việc
phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm... Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi
nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt
dân”.
Thời gian là vô
giá, là thứ không thể lấy lại hay mua được. Học tập Bác trong việc sử dụng hợp
lý, tiết kiệm thời gian của mỗi cá nhân sẽ giúp công việc trôi chảy, nhanh
chóng và góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cải cách hành chính, xét về tiến độ
chính là tiết kiệm thời gian. Tiết kiệm thời gian của chính quyền, thời gian
của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư, và của công dân.
Tự nhìn lại từ
cách thức chỉ đạo và chấp hành thời giờ làm việc, hội họp lâu nay từ huyện đến
cơ sở, xóm khối cũng có nhiều điều cần phải phải bàn và nghiêm túc khắc phục
sửa chữa khi mà chúng ta đang chỉ đạo các cấp, các ngành và mọi người thực hiện
Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/05/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc
học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
KIM
BẢNG
Trung tâm Dân số-KHHGĐ
huyện