[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , BÀN VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT VI PHẠM CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KHHGĐ

BÀN VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT VI PHẠM CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KHHGĐ

Trong điều kiện nước ta đang có nguy cơ bùng nổ về dân số, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 ngày có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, là đáng báo động tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức cao và chưa có giải pháp tích cực để giảm xuống nhanh là một trong những trở ngại thách thức đến chất lượng dân số. Nhiều chương trình về Dân số/chăm sóc SKSS/KHHGĐ chúng ta đang tích cực và nổ lực nhưng vẫn còn nhiều trở ngại như đề án vùng biển, đề án tiền hôn nhân, đề án sàng lọc trước sinh & sau sinh, đề án chăm sóc người cao tuổi…. cũng chỉ mới là thu được kết quả bước đầu.
Ở đây, trong phạm vi bài viết này, chỉ muốn đề cập lực lượng cần phải gương mẫu, tiên phong nhất thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ trước hết phải là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước.
* Nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước:
Luật cán bộ, công chức tại văn bản Luật số 22/2008/QH12, ngày 13/11/2008 quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức như sau:
“Điều 8. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân
1. Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.
2. Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
3. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.
4. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Điều 9. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ
1. Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.
3. Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.
5. Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”
Luật viên chức số 58/2010/QH12, ngày 15/11/2010 cũng quy định nghĩa vụ của Viên chức như sau:
“Điều 16. Nghĩa vụ chung của viên chức
1. Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
2. Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
3. Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản được giao.
5. Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức.”
Như thế là đã rõ, dù là công chức hay viên chức thì trước hết phải Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước; Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước….
Vậy, Đảng và Nhà nước quy định chính sách Dân số-KHHGĐ như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Trung Thành phát biểu tại lễ Phát động tháng hành động quốc gia về dân số năm 2015 ở Hưng Nguyên- Ảnh Kim Bảng
* Về Nghị quyết của Đảng:
Thể hiện rất rõ ở Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22/3/2005 của Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Sau 10 năm thực hiện, ngày 04/01/2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22/3/2005 của Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đã xá định rõ:
“Trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 47; trước mắt, tập trung thực hiện một số nội dung sau:
2.1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc; các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội trong công tác dần số. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
2.2- Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỉ lệ bệnh tật, giảm tử vong, tăng tuổi thọ và số năm trung bình sống khỏe mạnh; thực hiện tốt các chương trình, biện pháp để nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam.
2.3- Duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020 và tạo cơ sở vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115 - 120 triệu người từ giữa thế kỷ XXI.
2.4- Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng dân số và phát triển, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng, miền. Tăng cường giáo dục kiến thức và kỹ năng sống cho thanh niên, vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình bằng hình thức phù hợp.
Trước mắt, ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình như hiện nay; đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình.
2.5- Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số. Tích cực tranh thủ viện trợ quốc tế cho lĩnh vực này.
Nhà nước chỉ bảo đảm các nội dung về truyền thông, quản lý và chi trả cho các nhóm đối tượng thuộc diện chính sách xã hội; đồng thời chuyển từ cơ chế thanh toán thông qua các cơ quan cung cấp dịch vụ sang cơ chế thanh toán trực tiếp cho đối tượng sử dụng dịch vụ qua bảo hiểm y tế.”
Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên được nêu rõ:
- Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; điều 17: vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ.
- Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nội dung thứ 6 quy định rõ:
- Gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức; đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các nội quy, quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Theo đó, cán bộ, đảng viên khác quần chúng, người dân thường đó là không chỉ chấp hành đúng mà phải là Làm gương, Đi đầu!
Còn nếu cán bộ, đảng viên không làm gương, không đi đầu được, không chấp hành mà còn vi phạm thì không thể xem là bình thường được!. Đó cũng là một chuẩn mực đạo đức của người cán bộ đảng viên!
* Về văn bản pháp luật Nhà nước:
Được quy định tại Pháp lệnh Dân số, ngày 09/01/2003, Pháp lệnh sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số ngày 27/12/2008; Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 18/2011/NĐ-CP ngày 17/3/2011 của Chính phủ  sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số và các văn bản hướng dẫn thực hiện khác.
* Các địa phương cụ thể hóa thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ:
Từ đặc điểm tình hình và thực trạng chính công tác Dân số-KHHGĐ của mỗi địa phương để quy định cụ thể. Chúng ta đã có rất nhiều giải pháp tích cực và có hiệu quả, nhưng Nghệ An là tỉnh đông dân và có mức sinh rất cao so với cả nước, bình quân 2,5 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong khi đó cả nước đã đạt mức sinh thay thế (2,1 con) từ năm 2006. Đây là một trong những vấn đề cấp ủy, chính quyền các cấp trăn trở và quan tâm tập trung khắc phục góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế xã hội cho nhân dân và tỉnh nhà. Các văn bản của cấp ủy như Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 26/6/2009 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình trong tình hình mới; Chỉ thị 09-CT/TU, ngày 19/9/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TU ngày 26/6/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số-KHHGĐ trong tình hình mới đã có tác động tích cực và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ. Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã tiếp tục có Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND, ngày 10/7/2015 quy định một số chính sách Dân số-kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã cụ thể hóa văn bản lãnh đạo của cấp ủy và Nghj quyết HĐND tỉnh bằng Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND, ngày 21/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc Ban hành Quy định một số chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ  An. Các huyện, thành, thị dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng bằng Nghị quyết, Chỉ thị đã cụ thể hóa nhiệm vụ lãng đạo, chỉ đạo; HĐND & UBND các cấp đã cụ thể hóa chủ trương chính sách bằng những Nghị quyết, quyết định của cấp mình nhằm thực hiện tốt chính sách Dân số-KHHGĐ trên địa bàn. Đặc biệt, hiện nay toàn tỉnh đang tổ chức thực hiện Công văn số 1772/UBND-VX, ngày 25/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Công văn số 38/CCDS, ngày 25/3/2016 của Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Nghệ An về việc tổ chức ký cam kết thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ theo Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND, ngày 21/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc Ban hành Quy định một số chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ  An. Tạo nên sự đồng thuận mạnh mẽ trong mọi tâng lớp nhân dân.
Như vậy, việc một cán bộ, công chức, viên chức không chấp hành nghiêm túc chính sách Dân số-KHHGĐ chính chưa Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chỉ xem nặng lợi ích bản thân mà chưa chú ý đến lợi ích quốc gia; Không chấp Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước; thiếu ý thức tổ chức kỷ luật;không chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Điều đó chính là vi phạm đến nghĩa vụ của mình mà Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức quy định. Tất yếu sẽ bị xử lý kỷ luật phù hợp với tình hình của địa phương để vừa răn đe vừa có tính giáo dục những người khác tyrong cộng động.

Thiết nghĩ, không chỉ là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước mà chỉ là người công dân bình thường, trước lúc đòi hỏi quyền lợi, đấu tranh quyền lợi ích cho cá nhân mình thì hãy gương mẫu thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và trách nhiệm của mình đối với Đảng, với Nước và công đồng nơi mình sinh sống./.
KB-TTDSHN