[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / THAY ĐỔI SINH LÝ TRẺ EM GÁI VỊ THÀNH NIÊN CẦN BIẾT

THAY ĐỔI SINH LÝ TRẺ EM GÁI VỊ THÀNH NIÊN CẦN BIẾT

Thay đổi sinh lý là một trong những thay đổi đặc biệt ở trẻ em gái tuổi vị thành niên. Đối với trẻ em gái, cùng với những thay đổi về các bộ phận trên cơ thể cũng như của cơ quan sinh sản thì kinh nguyệt là hiện tượng thay đổi về sinh lý rõ nhất khi bước vào tuổi dậy thì. Trung bình các trẻ em gái lứa tuổi từ 9 đến 16 tuổi sẽ xuất hiện kinh nguyệt. Kinh nguyệt là hiện tượng máu chảy ra từ bộ phận sinh dục do trứng không được thụ tinh, niêm mạc tử cung bong ra và thải ra ngoài có tính chất chu kỳ hàng tháng. Hiện tượng kinh nguyệt hoàn toàn là một hiện tượng sinh lý bình thường ở nữ giới. Đó là dấu hiệu tốt đẹp chứng tỏ bạn đã bắt đầu rụng trứng, có khả năng thụ thai và sinh con.
 Có 4 yếu tố đặc trưng của kinh nguyệt bạn cần biết đó là:
Chu kì kinh nguyệt: Từ ngày thứ nhất có kinh lần này đến ngày thứ nhất có kinh lần tiếp theo được tính là một chu kỳ (còn gọi là vòng kinh). Đa số phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bình thường khoảng 28 ngày, một số có thể ngắn hơn hoặc dài hơn, có khi đến 40 ngày.
Số ngày hành kinh: Có thể chỉ hành kinh 2-3 ngày, hoặc 6-7 ngày.
Khối lượng kinh: Mỗi lần hành kinh có thể mất 50 - 60 ml máu kinh.
Màu sắc kinh. Màu sắc kinh đỏ, không có máu cục.
Đối với trẻ em gái vị thành niên khi bắt đầu có kinh thì những yếu tố trên thường dao động trong một, hai năm đầu sau đó dần ổn định. Tuy nhiên, nếu thấy có triệu chứng rong kinh kéo dài trên 7 ngày, lượng kinh ra nhiều, máu kinh đóng cục, có mùi hôi khó chịu hoặc bị thâm đen...cần đi khám phụ khoa ngay để được điều trị sớm. Đặc biệt bạn gái nào đến 17 tuổi mà chưa có kinh nguyệt lần đầu thì nên đến cơ sở y tế để khám xem có phải do chậm phát triển nội tiết hay do một rối loạn nào khác của cơ thể để được tư vấn điều trị.
Ảnh minh họa
Để có chu kì kinh nguyệt ổn định, cần giữ tâm lí thoải mái, có chế độ ăn uống hợp lí, nghỉ ngơi và tập luyện thể thao đều đặn. Trong những ngày có kinh các bạn không cần kiêng hoạt động, kể cả bơi lội hay leo núi và không cần nghỉ  học hay làm việc v.v.. Tuy nhiên, trong những ngày hành kinh không nên hoạt động quá sức  hoặc làm những việc nặng nhọc gây co bóp tử cung, đau đớn.
 Để tránh viêm nhiễm đường sinh sản trong những ngày hành kinh các bạn không nên ngâm mình trong ao, hồ nước bẩn vì rất dễ viêm nhiễm. Nên vệ sinh bộ phận sinh dục và thay băng vệ sinh ít nhất 3 lần/ ngày bằng nước sạch.
Các bạn cần ghi nhớ rằng: Kinh nguyệt là hiện tượng  tự nhiên, tốt đẹp đánh dấu quá trình trưởng thành, không cần phải lo lắng. Trong giai đoạn này các bạn cần hiểu rằng khi các bạn gái đã hành kinh nếu quan hệ tình dục không được bảo vệ dù chỉ một lần thì cũng có thể có thai ngoài ý muốn./.
Ngô Tuyên – Trung Tâm Dân số - KHHGĐ huyện