[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Hiệu quả bước đầu từ mô hình “Bé tiêm chủng, mẹ nhận thông tin SKSS/KHHGĐ” tại xã Hưng Thông

Hiệu quả bước đầu từ mô hình “Bé tiêm chủng, mẹ nhận thông tin SKSS/KHHGĐ” tại xã Hưng Thông

Cứ vào sáng ngày mồng 10 háng tháng, chị em phụ nữ xã Hưng Thông đến trạm y tế đã quen thuộc với bàn tư vấn của cán bộ Dân số-KHHGĐ. Bàn tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ là sự phối hợp của Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ với Trạm y tế xã Hưng Thông  nhằm cung cấp các thông tin chăm sóc Sức khỏe sinh sản, tư vấn KHHGĐ, tuyên truyện, vận động chính sách Dân số của Đảng và Nhà nước…
Chọn đối tượng là các mẹ có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng để tuyên truyền, vận động về Dân số - KHHGĐ là sự vận dụng sáng tạo của Viên chức Dân số - KHHGĐ vì đây là nhóm đối tượng đông đảo, có nguy cơ vi phạm chính sách Dân số, sinh con thứ 3 trở lên, khoảng cách giữa các lần sinh gần vì thiếu kiến thức có thể dẫn đến vỡ kế hoạch, nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa ở nhóm đối tượng này cao, nhu cầu sử dụng các BPTT hiện đại cao… nhóm đối tượng phụ nữ này thường xuyên tới trạm y tế hàng tháng để tiêm chủng cho con, lợi dụng thời gian chờ tại trạm y tế sau tiêm, cán bộ truyền thông đễ dàng tiếp cận.

Sinh hoạt mô hình “Bé tiêm chủng mẹ nhận thông tin SKSS/KHHGĐ”
tại Hưng Thông (ảnh: Nguyễn Soa)
Bước đầu thực hiện, Viên chức Dân số - KHHGĐ chọn hình thức thuyết trình trước nhóm đối tượng những nội dung chuyển đổi hành vi Dân số-KHHGĐ. Tuy nhiên, vì chị em tham gia tư vấn ở đây lại có con nhỏ đi cùng nên hình thức truyền thông nhóm nhỏ không phù hợp, trẻ còn nhỏ, lại mới tiêm đau nên bất hợp tác. Trăn trở trước thực trạng đó, Viên chức Dân số-KHHGĐ quyết định chọn hình thức tư vấn vận động tại chỗ.
Sau khi các bé đã tiêm chủng, cộng tác viên Dân số-KHHGĐ kiêm y tá xóm và Viên chức Dân số-KHHGĐ xã trực tiếp thăn hỏi, trao đổi, gợi mở tại chỗ. Một số trường hợp, cán bộ truyền thông trực tiếp tuyên truyền, vận động và đạt được kết quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, chị em bất hợp tác thì cán bộ truyền thông lưu hồ sơ và tiếp tục có phương án phối hợp thăm hộ gia đình để tiếp tục thuyết phục vận động.
Chia sẻ những kinh nghiệm và khó khăn trong quá trình thực hiện, chị Nguyễn Thị Soa, viên chức Dân số-KHHGĐ nói: “muốn thực hiện thành công mô hình này thì trước hết phải có sự lãnh đạo, vào cuộc của Cấp ủy, chính quyền và sự nổ lực trăn trở của cán bộ Dân số. Tuy nhiên, khó khăn thì rất nhiều, đòi hỏi sự nổ lực rất nhiều. Mô hình truyền thông hoạt động trong điều kiện không có kinh phí. Chọn đối tượng là chị em có con nhỏ, quá trình tư vấn cũng bị phân tán, ngắt quãng do trẻ bất hợp tác, vì thế đòi hỏi cán bộ truyền thông phải kiên trì và gần gũi…”
Tuy nhiên, trước quyết tâm của ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ, mô hình “Bé tiêm chủng mẹ nhận thông tin SKSS/KHHGĐ” tại Hưng Thông trong 6 tháng đầu năm đã khắc phục được khó khăn và bước đầu đem lại nhiều kết quả tích cực. Ngoài các chỉ tiêu chuyên môn cơ bản đạt kế hoạch, Hưng Thông đã hoàn thành 88,8% chỉ tiêu BPTT năm 2016 của huyện giao, trong đó, vận động được 2 ca đình sản, 2 ca sử dụng thuốc cấy tránh thai; tư vấn sàng lọc sơ sinh được 1 trường hợp, vận động chị em tham gia chiến dịch “Tăng cường truyền thông vận động lồng ghép dịch vụ Dân số/SKSS/KHHGĐ” năm 2016, ký cam kết thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ... Đặc biệt, hiệu quả của mô hình còn ở chỗ chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã có địa chỉ tin cậy để tham khảo các thông tin liên quan đến SKSS/KHHGĐ và tạo được dư luận mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân xã nhà và các vùng phụ cận.
Trao đổi với chúng tôi, bà Cao Thị Nhung, phó giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, phụ trách công tác truyền thông – giáo dục cũng ghi nhận những thành công bước đầu mà mô hình mới ở Hưng Thông tổ chức thực hiện, đồng thời bà cũng nhấn mạnh: “Trong năm qua, chúng tôi cũng xây dựng nhiều mô hình truyền thông như: Cập bến nhận thông tin Dân số-KHHGĐ ở vùng dọc sông Lam, Phụ nữ vùng giáo với công tác Dân số - KHHGĐ tại Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam, Hưng Trung, Đội truyền thông lưu động tại Hưng Tân, Hưng Lĩnh…; Tổ tư vấn, vận động… mỗi mô hình truyền thông đều có những nét riêng, phù hợp với tình hình ở cơ sở. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm từ các mô hình và sẽ cho nhân rộng những mô hình truyền thông đem lại hiệu quả như ở Hưng Thông”./.

Bài: Hồng Điệp (Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện)