[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home /
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở một số nước châu Á xuất hiện từ cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thiên niên kỷ trước. Còn ở  Việt Nam ta mất cân bằng giới tính khi sinh bắt đầu xuất hiện từ những năm 2000 và ngày càng tăng lên rõ rệt vào năm 2006. Mất cân bằng giới tính khi sinh ở các nước được phân bố đều, còn ở Việt Nam ta mất cân bằng giới tính phân bố theo vùng khá rõ rệt (chủ yếu là các vùng xung quanh các trung tâm đô thị lớn có lẽ vì ở đó dễ tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật phát hiện sớm giới tính thai nhi).
Bé trai luôn nhiều hơn bé gái ở các lớp học mầm non
Từ năm 2012 – 2014, Hưng Nguyên là một trong huyện có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao của tỉnh. Năm 2012 là 137 trẻ nam/100 trẻ gái. Năm 2013 là 124 trẻ nam/100 trẻ gái, năm 2014 là 121 trẻ nam/100 trẻ gái.
Nguyên nhân cơ bản của mất cân bằng giới tính khi sinh là do tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn rất nặng nề. Các gia đình muốn có con trai để nối dõi tông đường. Nguyên nhân nữa phải kể đến là do có sự phát triển mạnh của các dịch vụ áp dụng kỹ thuật cao thiếu kiểm soát đã ngầm hỗ trợ cho các gia đình để lựa chọn giới tính khi sinh.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay được coi là một trong các thách thức lớn trong thực hiện bình đẳng giới ở nước ta hiện nay. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn sẽ là hệ lụy nghiêm trọng cho các gia đình và sự ổn định của xã hội.  Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Chính phủ đã ban hành các văn bản nhằm hạn chế việc nạo phá thai do lựa chon giới tính khi sinh. Pháp lệnh dân số năm 2003 quy định: “Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh dưới mọi hình thức tư vấn, chẩn đoán giới tính thai nhi, phá thai do lựa chọn giới tính”. Nghị dịnh 104/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh dân số năm 2003 đã xác định các hành vi như: “Phổ biến các biện pháp tạo giới tính, chẩn đoán giới tính thai nhi bằng xét nghiệm máu, siêu âm hoặc loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý”. Bộ Y tế đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo ngành y tế triển khai các giải pháp, hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi, nghiêm cấm cán bộ y tế có hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.  Sở Y tế tỉnh, cũng có các văn bản yêu cầu các cơ sở y tế khám chữa bệnh công lập và tư nhân nghiêm cấm chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp như: bắt mạch, xét nghiệm máu, zen, nước ối, tế bào, siêu âm…
Nhưng để cho các qui định pháp luật đi vào cuộc sống thì điều quan trọng là phải tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người nhận thức được nguy cơ và các hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nếu chúng ta ngay từ giờ không can thiệp gì cả  thì tỷ số giới tính khi sinh sẽ ngày càng tăng lên và đến năm 2030 Việt Nam sẽ thừa 4,3 triệu nam thanh niên so với số nữ trong độ tuổi kết hôn. Có nghĩa là số nam thanh niên này sẽ không có cơ hội để lấy vợ trong nước.
Đến năm 2030, liệu 4,3 triệu nam thanh niên Việt Nam (là con cháu của chúng ta bây giờ) có còn cơ hội được lấy vợ là người Việt Nam không hay phải ra nước ngoài xa xôi để tìm vợ ?! Điều đó tùy thuộc vào thái độ và hành vi của mỗi chúng ta hôm nay. Mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm không để xảy ra tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai./.
Thanh Phúc – TT Dân số - KHHGĐ huyện