[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , , Hưng Nguyên (Nghệ An): Đẩy mạnh truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Hưng Nguyên (Nghệ An): Đẩy mạnh truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Tối ngày 27/8, UBND huyện Hưng Nguyên, Nghệ An cùng với cán bộ ngành Dân số -KHHGĐ huyện tổ chức chương trình truyền thông “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.

Mục đích của chương trình truyền thông “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” nhằm góp phần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước về công tác Dân số-KHHGĐ. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cách ngành, và toàn thể xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giảm tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ đó chia sẻ trách nhiệm và thống nhất hành động đưa tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh trở lại ở mức cân bằng tự nhiên.
Hưng Nguyên (Nghệ An): Đẩy mạnh truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh 1
Các đại biểu tới tham dự chương trình truyền thông

Tới dự chương trình có đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa, Phó GĐ Sở Y tế, Chi Cục trưởng Chi Cục Dân số Nghệ An, đại diện lãnh đạo huyện Hưng Nguyên cùng các cán bộ, công tác viên TTDS-KHHGĐ huyện cùng đông đảo bà con nhân dân.
Phát biểu khai mạc chương trình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, ông Ngô Phú Hàn, PCT UBND huyện cho biết: Năm 2013, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở Nghệ An là 115 bé trai/100 bé gái, ở Hưng Nguyên là 124 bé trai/100 bé gái, cao hơn rất nhiều so với tỷ số chung của cả tỉnh và cả nước. Đây là thách thức không nhỏ đòi hỏi ý thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng và sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành nhằm điều chỉnh ổn định tỷ số giới tính khi sinh.
Nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng giới tính khi sinh nói trên, trước hết là do ý thức của người dân, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại. Các vấn đề an sinh xã hội, mặt trái về sự phát triển của KH-KT và nhiều phương pháp chẩn đoán thai nhi hiện đại, mặc dù việc lựa chọn giới tính thai nhi đã bị pháp luật nghiêm cấm.
Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh đang tác động đến từng gia đình và xã hội trong tương lai, cụ thể là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phụ nữ, làm cho cấu trúc gia đình thay đổi đáng kể… Đồng thời dẫn đến một số tệ nạn xã hội khác như mại dâm, buôn bán bắt cóc phụ nữ, trẻ em gái…
Vì vậy, truyền thông “giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” rất quan trọng. Nó sẽ hữu hình hóa vấn đề này bằng các con số, bằng những hệ lụy trong đời sống xã hội.
Chương trình truyền thông gồm những tiết mục mang tính sân khấu hóa, thông qua tiểu phẩm, và những lời ca tiếng hát nói về nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh, chuyển tải thông điệp truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và chất lượng giống nòi, và để vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không còn là thách thức của công tác Dân số - KHHGĐ.
Hưng Nguyên (Nghệ An): Đẩy mạnh truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh 2
Đông đảo bà con nhân dân đến tham gia, cổ vũ, hưởng ứng chương tình truyền thông
Các tiết mục được đông đảo quần chúng theo dõi, hưởng ứng và ủng hộ. Những màn múa hát tập thể, dân ca ví dặm… do cán bộ, cộng tác viên dân số tự biên tự diễn nhưng hết sức công phu, đẹp mắt, truyền tải thông điệp rõ ràng. Đặc biệt, tiểu phẩm “Mày phải đẻ cho tao” tạo rất nhiều tiếng cười hài hước, được khán giả cổ vũ nhiệt tình. Tiểu phẩm nói về một gia đình tại vùng quê vẫn còn nặng nề tư tưởng trọng nam khi nữ. Ông nội gia trưởng, độc đoán, muốn có cháu trai “đích tôn” để nối dõi tông đường. Người con trai duy nhất của ông lấy vợ, và đã sinh được 2 cháu gái, nhưng ông vẫn nhất quyết bắt con bằng mọi giá phải đẻ thêm cho ông một đứa nữa, vì gia đình ông là trưởng tộc một dòng họ hớn, nếu không có cháu trai, thì “bất hiếu” với tổ tông và là nỗi nhục nhã với anh em, họ hàng. 
Ông tin tưởng vào KH-KT và tự tiến bộ của y học, “bày” con trai, con dâu đi “canh trứng”, chừng nào canh được cháu trai mới thôi! Sau đó, rất nhiều lần cán bộ truyền thông dân số đến thuyết phục, giải thích ông mới hiểu lựa chọn giới tính thai nhi là vi phạm pháp luật, và bằng lòng vui vẻ với việc có 2 cô cháu gái xinh xắn, học giỏi, với điều kiện sau này ông về với tổ tiên, các cháu phải “cúng” ông… rượu thịt chứ không được chỉ cúng chuối xanh và nước lã!
Hưng Nguyên (Nghệ An): Đẩy mạnh truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh 3
Khán giả tham gia giao lưu, góp ý và trao đổi ý kiến
 Tham gia giao lưu cùng với những người làm chương trình, khán giả Hồ Thị Tuyết, xóm 2, Hưng Tân, Hưng Nguyên chia sẻ: “Chương trình múa hát hôm nay, đặc biệt là cái tiểu phẩm vừa rồi phản ánh rất đúng thực tế địa phương tôi đang ở. Nhiều gia đình vẫn còn trọng nam khinh nữ, muốn có cháu trai bằng được. Nhưng được các cán bộ truyền thông, cộng tác viên dân số đến vận động, nói chuyện thường xuyên, nên chúng tôi cũng đã thay đổi nhận thức, con nào cũng là con, miễn là nuôi dạy con thật tốt, chứ sinh nhiều rồi không nuôi được lại thiệt thòi cho con”.
Chương trình truyền thông “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” là một trong chuỗi hoạt động của Đề án Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai thực hiện 3 năm qua tại Hưng Nguyên.
Hưng Nguyên (Nghệ An): Đẩy mạnh truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh 4
Tiết mục văn nghệ của các chuyên trách DS-KHHGĐ tăng thêm chất lượng đêm truyền thông
Ông Nguyễn Kim Bảng, Giám đốc TTDS-KKHGĐ cho biết: "Huyện Hưng Nguyên là đơn vị có tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Năm 2011, tỷ lệ đó là 140 bé trai/100 bé gái, năm 2012 là 137 bé trai/100 bé gái, năm 2013 cho đến nay tỷ lệ là 124 bé trai/100 bé gái. Như vậy qua các năm, tỷ lệ này có giảm, nhưng giảm ít, và vẫn còn rất cao so với trong tỉnh và cả nước. Chúng tôi đã thực hiện đề án này hơn 3 năm qua, cái khó khăn nhất chính là tư tưởng bám rễ sâu trong người dân của vùng thuần nông, và sau đó là kinh phí thực hiện đề án thấp".
“Chương trình truyền thông hôm nay là sự nỗ lực rất lớn của anh em dân số, làm thế nào để xây dựng các tiết mục ăn nhập với nhau chứ không khô khan, nhạt, vì chỉ truyền thông riêng về chủ đề mất cân bằng giới tính. Tuy nhiên, đây chỉ là một hoạt động mang tính chất phong trào, ở bề rộng là chính. Còn thường ngày, chúng tôi tổ chức từ vấn theo nhóm, truyền thông cộng đồng, về từng xóm, từng nhà. Đó mới chính là cuộc chiến đấu thầm lặng, bền bỉ và đầy khó khăn nhất nhưng cũng tâm huyết nhất của những người làm công tác dân số”, ông Bảng cho hay.

Hà - Lài - Nguồn: http://giadinh.net.vn/