Chất lượng giống nòi bị đe dọa vì bia, rượu
"Việc đưa tác hại của rượu, bia vào giảng dạy trong nhà trường cũng quan trọng như những “Hằng đẳng thức đáng nhớ” hay “Bảng tuần hoàn Mendeleev” vì đấy là cuộc sống, sinh mạng, nòi giống và tương lai của đất nước”, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS chia sẻ với PV Báo GĐ&XH về tệ nạn bia, rượu đang đe dọa đời sống gia đình và làm cản trở xã hội.
Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ bia, rượu. Ảnh: minh họa |
Rượu, bia đang là tệ nạn xã hội
Mở đầu câu chuyện về việc lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam hiện nay, TS Khuất Thu Hồng ái ngại: “Khi nghe thông tin Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, thứ 3 châu Á và là một trong 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi tự hỏi, vì sao một đất nước đang nằm ở top nghèo như Việt Nam lại có thể nằm top ở mức tiêu thụ bia như vậy? Tôi không thể tin nổi với dân số như Việt Nam hiện nay, mỗi năm lượng tiêu thụ bia lên tới 3 tỉ lít”.
Dưới quan điểm của TS Khuất Thu Hồng, việc lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam gần như một tệ nạn “chưa có thuốc chữa”. “Đến nay uống rượu, bia không chỉ là tập quán, thói quen của người Việt mà với lượng tiêu thụ bia như vậy, quán nhậu mọc lên nhan nhản khắp nơi, người người uống rượu, nhà nhà tổ chức tiệc tùng thì rượu, bia đã trở thành tệ nạn của xã hội. “Có một người đàn ông tôi chứng kiến suốt ngày rượu, bia, lúc nào ông ấy cũng uống. Lúc bình thường, đó là một con người rất hiền lành, ân cần với vợ, nhẹ nhàng, chăm lo, tử tế cho các con nhưng mỗi khi say rượu, ông ấy lại lè nhè, chửi bới đủ thứ. Bất kỳ ai nói gì, kể cả chuyện không liên quan đến mình cũng tham gia, đã vậy về nhà vợ con khuyên nhủ thì bát đũa bay khắp nhà, đánh đập chửi bới khiến vợ con nhiều lần phải gọi hàng xóm, chính quyền xuống can thiệp. Cuộc sống như vậy khiến bà vợ không chịu đựng nổi, nhiều lần đâm đơn ra tòa nhưng mãi không ly hôn được bởi lúc bình thường, chồng bà ấy là một người đàn ông hiền lành, tử tế. Đây chỉ là một chuyện thường ngày và xảy ra phổ biến ở rất nhiều gia đình. Còn nói về những bi kịch gia đình, những án mạng, những cái chết từ rượu thì gần như ngày nào báo chí cũng thông tin không ở nơi này thì ở nơi khác”, TS Khuất Thu Hồng nói.
Cũng theo TS Khuất Thu Hồng, lạm dụng rượu, bia khiến cho bao thứ bệnh bám vào người, bệnh vào thì chạy chữa, thuốc men, mất tiền, mất thời gian, mất cơ hội trong cuộc đời... Về kinh tế, xã hội thì nhiều gia đình khánh kiệt, đi vào ngõ cụt của cuộc sống hoặc không giàu lên được.
“Theo tôi được biết thì hiện nay, 60% vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam, gần 70% số ca bạo lực, bạo hành trong gia đình cũng xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia. Việc tiêu thụ rượu, bia quá lớn không đem lại lợi ích kinh tế mà nó còn gián tiếp phá hủy lợi ích kinh tế khi nó trở thành tệ nạn xã hội. Theo báo cáo, mỗi năm chúng ta mất khoảng 6.000 tỉ đồng để... nhậu. Những con số đó thực sự đáng buồn, đáng xấu hổ. Có lẽ đây là vấn đề xã hội cần phải được quan tâm nhiều hơn”, TS Khuất Thu Hồng cho biết.
"Tệ nạn bia, rượu không khác gì nghiện ma túy"
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS |
“Nhu cầu rượu, bia cao dẫn đến thị trường tiêu thụ rượu, bia rộng, việc các doanh nghiệp nhảy vào thị trường lợi nhuận cao thế này là điều hiển nhiên. Nhưng nếu chúng ta không kiểm soát được việc tiêu thụ, lạm dụng rượu, bia thì hậu quả lâu dài để lại cho vấn đề sức khỏe, cho nòi giống, cho dân tộc rất là lớn”, TS Khuất Thu Hồng cho biết.
Theo TS Khuất Thu Hồng, ngoài những điều chúng ta nhìn thấy rất rõ như bạo lực, tai nạn giao thông, kinh tế suy kiệt... thì vết thương tâm lý ở con trẻ ít ai có thể hiểu được. Đối với những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình có ông bố, bà mẹ nghiện rượu thì hậu quả để lại của nó khá lâu dài và không ai có thể đảm bảo rằng sau này những đứa bé đó lớn lên không sà đà vào rượu, bia, tiêu cực, tệ nạn xã hội.
“Rượu, bia mang lại niềm vui và cuộc sống phong phú hơn, thi vị hơn nhưng ngược lại nếu chúng ta lạm dụng thì tác hại của nó lại rất lớn. So với con số tiêu thụ bia tính trên đầu người hiện nay của chúng ta với các nước như Mỹ, Trung Quốc thì thật kinh khủng, bởi dân số của chúng ta so với họ nhỏ hơn nhiều. Về mặt thu nhập bình quân đầu người, chúng ta cũng đang tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được. Đi nhiều nơi, tham gia nhiều tiệc giao lưu, tôi thấy thói quen và tập quán rất xấu của người Việt Nam là hay thách đố nhau uống bia, uống rượu. Trong những buổi giao lưu rất quan trọng họ cũng có sự thách đố ai uống nhiều, uống ít. Việc lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam thật khủng khiếp, đã vậy việc kiểm soát bán rượu, bia ở các quán bar, cửa hàng... hay chế tài đối với người uống rượu, bia lại rất yếu, thiếu”, TS Khuất Thu Hồng cho biết.
TS Khuất Thu Hồng nhận định: “Việc Bộ Y tế soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia tôi hoàn toàn ủng hộ. Tôi cũng biết ở rất nhiều nước cũng có những quy định cấm bán bia, rượu sau một giờ nhất định nào đó, đồng thời quy định rõ về độ tuổi được phép mua hay sử dụng bia, rượu. Còn ở một số quán nhậu, quán bar thì quy định được phép bán loại nào, độ cồn ra làm sao. Cái quan trọng là chúng ta khi ban hành các chế tài, quy định pháp luật thì phải đưa được vào đời sống chứ luật thì cứ ban hành, mà vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên cũng không có tác dụng gì.
Còn ở khía cạnh giáo dục, như tôi đã nói, hiện nay việc lạm dụng rượu, bia đã như một tệ nạn xã hội. Việc lạm dụng rượu, bia chẳng khác gì nghiện hút, sử dụng ma túy hay căn bệnh HIV/AIDS. Việc đưa tác hại của rượu, bia vào giảng dạy trong nhà trường cũng quan trọng như những “Hằng đẳng thức đáng nhớ” hay “Bảng tuần hoàn Mendeleev” vì đấy là cuộc sống, sinh mạng, nòi giống và tương lai của đất nước”.
Phùng Bình
Nguồn:http://giadinh.net.vn/