Đừng để khổ vì lơ mơ “chuyện ấy”
›› Tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân: Rào cản lớn nhất là các doanh nghiệp›› Đảm bảo sự tiếp cận các thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản›› Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Sẽ xem xét hỗ trợ cho đối tượng chính sách
Thanh niên nước ta, nhất là nữ thanh niên trong các khu công nghiệp (KCN) còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế khi tiếp cận các kiến thức giáo dục kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), KHHGĐ...
Một buổi truyền thông kiến thức, cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS cho nữ công nhân do ngành DS-KHHGĐ Nam Định tổ chức. Ảnh: Dương Ngọc |
Đến Khu công nghiệp Bắc Vinh (Nghệ An) vào giờ tan ca, chúng tôi gặp Lê Ngọc Hương, tròn 20 tuổi, quê ở huyện Con Cuông đi làm công nhân được hơn hai năm.
Hàng ngày, Hương làm từ sáng đến tối, những hôm làm ca hai thì từ 14h đến tận đêm khuya. Người yêu cô là chàng trai cùng quê cũng làm công nhân trong KCN. Khi chúng tôi hỏi em đã được tiếp cận các dịch vụ CSSKSS chưa, Hương ngượng nghịu trả lời "Chưa biết!" và tâm sự: Sau giờ làm, từ nhà máy về nhà trọ, công nhân ăn xong, tán gẫu một lúc rồi đi ngủ. Cả khu nhà trọ hầu như không có phương tiện thông tin giải trí, công nhân cũng không có cơ hội tham gia bất kỳ hoạt động nào của đoàn thể ở địa phương.
Theo số liệu của Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 9,5 triệu công nhân, trong đó tỷ lệ nữ công nhân chiếm 43,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có sự chênh lệch khá lớn tại từng doanh nghiệp. Tại các doanh nghiệp nhà nước khoảng 34,2% số công nhân là nữ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên đến 67,4% số công nhân là nữ. Vì vậy, việc nhanh chóng xây dựng mô hình "Cung cấp dịch vụ CSSKSS và các biện pháp phương tiện tránh thai cho công nhân tại các KCN" là việc làm rất cần thiết.
Có một thực tế, đa số các KCN không có các phòng y tế, không có dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Tỷ lệ công nhân sử dụng các phương tiện tránh thai khá thấp, trong khi đó hiện tượng "sống thử", "góp gạo thổi cơm chung" diễn ra khá phổ biến, kéo theo những hệ lụy phát sinh như mang thai ngoài ý muốn, lạm dụng thuốc tránh thai, phá thai không an toàn, mắc các bệnh phụ khoa... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhằm giảm chi phí phúc lợi xã hội, không đầu tư phòng y tế CSSKSS hoặc tổ chức những buổi tuyên truyền phổ biến về kiến thức CSSKSS/KHHGĐ, mà chỉ trông chờ vào những chương trình truyền thông "không mất tiền" của y tế xã, phường được tổ chức vào các đợt cao điểm của ngành Dân số.
Mô hình cần thiết cho công nhân
Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện tỉnh Nghệ An có 4 KCN đi vào hoạt động, thu hút hàng nghìn công nhân, trong đó công nhân nữ chiếm 74%, phần lớn chưa kết hôn. Sau một năm triển khai thí điểm mô hình “Cung cấp dịch vụ CSSKSS và phương tiện tránh thai cho công nhân”, Chi cục đã thu thập số liệu; xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên; phối hợp tổ chức tư vấn, khám sức khỏe, cung cấp các dịch vụ KHHGĐ; mở các lớp tuyên truyền, tư vấn tiền hôn nhân, KHHGĐ cho công nhân, nhất là nữ công nhân. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình gặp không ít khó khăn. Do đặc thù thời gian làm việc không cố định, công nhân hay phải làm tăng ca, không có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội. Trong khi cơ sở vật chất, nhất là trang thiết bị y tế CSSKSS ở các KCN không có dẫn đến sự hiểu biết về CSSKSS của công nhân còn rất hạn chế.
Tại những KCN ở các tỉnh, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, mà chúng tôi có dịp tìm hiểu, tình trạng cũng không khả quan hơn. Chia sẻ với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: “Mặc dù đã có những quy định cụ thể, rõ ràng đối với các KCN, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong việc sử dụng lao động như: Phải có phòng khám y tế với đầy đủ trang thiết bị tối thiểu, đối với nữ công nhân phải được khám định kỳ phụ khoa, thai sản, lồng ghép trang bị kiến thức về CSSKSS, làm mẹ an toàn... Tuy nhiên, khi chúng tôi phối hợp các ban, ngành liên quan đi kiểm tra, thậm chí có những nơi không có phòng y tế, nếu có cũng chỉ là một phòng y tế sơ sài, tuyệt nhiên không có những buổi truyền thông cho công nhân về vấn đề CSSKSS/KHHGĐ”.
Theo TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, để xây dựng kiến thức cơ bản về CSSKSS/KHHGĐ cho công nhân các KCN, thời gian tới, ngành DS-KHHGĐ tiếp tục phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên CSHCM, KCN các địa phương triển khai mô hình cung cấp các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho công nhân. Trước mắt, ngành Dân số sẽ đẩy mạnh, đa dạng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tiếp cận với các thông tin, dịch vụ về CSSKSS/KHHGĐ, qua đó họ tự nguyện tham gia thực hiện các chính sách KHHGĐ, nhằm thực hiện mục tiêu bền vững “chuyển đổi từ nhận thức đến hành vi”.
Mặt khác, các bộ, ban, ngành có liên quan cần sớm ban hành quy định cụ thể đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động đầu tư cơ sở vật chất, thời gian cũng như chế độ nghỉ ngơi, CSSKSS tạo điều kiện thuận lợi để lao động nữ được thụ hưởng các dịch vụ y tế khác, bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất và nâng cao chất lượng cuộc sống của nữ công nhân ở các KCN.
Tại Điều 3 của Thông tư Liên tịch Số 14
giữa Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với sử
dụng lao động yêu cầu: Doanh nghiệp dưới 150 lao động phải có 1 y tá, từ 300
lao động trở lên phải có phòng y tế gồm 1 bác sĩ và y tá. Lao động được theo
dõi sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp... Trong trường hợp thiếu cán bộ
y tế có trình độ theo yêu cầu thì có thể hợp đồng với cơ quan y tế địa phương
để đáp ứng việc CSSK tại chỗ.
|
Thanh Mai
Nguồn: http://giadinh.net.vn/