[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Vai trò của nam giới trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình

Vai trò của nam giới trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình

Sức khỏe sinh sản (SKSS) không phải là vấn đề dành riêng cho nữ giới mà chung cho cả hai giới nam và nữ. Tuy nhiên, chúng ta thường nghiêng về phía nữ giới và phần nào coi nhẹ những vấn đề sinh sản đối với nam giới.
Do quan niệm sai lệch về vai trò giới của mình, nam giới thường ít hiểu biết về sinh lý và sức khỏe của bản thân bao gồm cả những vấn đề SKSS và tình dục, các loại dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản dành cho nam giới còn rất hạn chế, trong khi SKSS của nam giới đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất luợng dân số.
 
Sinh hoạt nhóm nam nông dân ở xã Hưng Tân, Hưng Nguyên, Nghệ An (ảnh Kim Bảng)

Sinh hoạt nhóm nam nông dân xã Hưng Mỹ, Hưng Nguyên, Nghệ An (ảnh Kim Bảng)
Nam giới phải chia sẻ với phụ nữ trong công việc gia đình, nuôi dạy con cái, kế hoạch hoá gia đình cũng như các hành vi sinh sản. Phụ nữ và nam giới đều có quyền được thông tin, lựa chọn và tiếp cận những biện pháp chăm sóc SKSS một cách an toàn và có hiệu quả nhất. Các cặp vợ chồng được quyền quyết định thời điểm và khoảng cách sinh con hợp lý, quyền có được sức khoẻ sinh sản với chất lượng cao nhất. Trong thực tế, nam giới thường chi phối việc ra những quyết định trên và họ gần như chủ động hoàn toàn về tình dục.
Do đó, việc lôi cuốn nam giới vào chăm sóc SKSS là rất cần thiết thông qua các vai trò là bạn tình, là chồng, là cha, là thành viên trong gia đình…, nhằm thực thi quyền bình đẳng về giới và sinh sản. Nam giới là người bạn đời trong hoạt động tình dục và sinh sản nên họ phải được chia sẻ một cách công bằng nhằm thoả mãn đời sống tình dục, có trách nhiệm để tránh những nguy cơ mắc bệnh và biến chứng về sức khoẻ. Họ cũng cần có trách nhiệm trong việc chăm sóc SKSS, điều đó có nghĩa là phải đảm bảo an toàn trong tình dục, không để có thai ngoài ý muốn, không gây đau đớn, không làm tổn thương đến thể chất cũng như tinh thần hoặc làm lây nhiễm cho bạn tình, chia sẻ niềm vui sướng ngọt ngào về tình cảm hạnh phúc với bạn tình, cùng thảo luận, thương lượng để chọn lựa khoảng cách giữa các lần sinh, về số con và áp dụng một biện pháp tránh thai phù hợp nhất trong từng giai đoạn cho hai người, cũng như phải chia sẻ trách nhiệm để giải quyết nếu có hậu quả xấu do những hành vi tình dục để lại.
Theo số liệu báo cáo thống kê quý 1 năm 2015 cho thấy trên địa bàn huyện Hưng Nguyên các biện pháp dành cho nam giới như triệt sản và dùng bao cao su chiếm khoảng 13.5% tổng số những người sử dụng các biện pháp tránh thai trong hộ gia đình. Sự chia sẻ này thể hiện vai trò, trách nhiệm của nam giới cũng như sự tôn trọng quyền của phụ nữ trong chăm sóc SKSS và đó cũng thể hiện sự bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS. Tuy nhiên, tỷ lệ nam giới trực tiếp sử dụng các biện pháp tránh thai để chia sẻ trách nhiệm với phụ nữ vẫn còn thấp. Họ thường không muốn sử dụng các biện pháp tránh thai như bao cao su, xuất tinh ngoài âm đạo hay triệt sản nam… Hậu quả là làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và có thai ngoài ý muốn.
 Trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số thành tích rất to lớn và có ý nghĩa đáng kể nhất là các chương trình chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình. Các chương trình về SKSS đã được triển khai từ nhiều năm, nhưng thường tập trung các hoạt động vào đối tượng nữ. Các biện pháp tránh thai tuy đã được tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng nhưng đối tượng chính hướng tới vẫn là phụ nữ khiến cho mọi người cả nam và nữ đều quan niệm rằng đây là vấn để chỉ của riêng phụ nữ. Vì vậy tất cả gánh nặng trách nhiệm trong kế hoạch hoá gia đình vẫn đặt lên vai người phụ nữ như đẻ nhiều, đẻ dày, thực hiện các biện pháp tránh thai, vỡ kế hoạch, không có con, con suy dinh dưỡng, con hư... Vô hình chung nam giới đã bị đặt ra ngoài, không thu hút được sự tham gia và chia sẻ của họ. Chính vì thế, việc cung cấp bình đẳng các thông tin về SKSS cùng với những nỗ lực trong tuyên truyền tới các cặp vợ chồng sẽ khuyến khích sự trao đổi thông tin trong gia đình, từ đó thúc đẩy sự tham gia của nam giới vào các hành vi SKSS, góp phần cải thiện tình trạng bình đẳng trong gia đình.
Do đó, việc nâng cao trình độ nhận thức cũng như trách nhiệm của nam giới đối với việc chăm sóc SKSS, sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy vai trò của mình trong việc chăm sóc giáo dục trẻ em, chăm lo đến đời sống gia đình và tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Việc nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ không phải là hạ thấp, là giảm bớt hay gây thiệt hại tới địa vị xã hội của nam giới. Ngược lại, việc cải thiện địa vị và đời sống của phụ nữ chính là nâng cao địa vị và đời sống của nam giới. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có những mục tiêu và chương trình cụ thể để mỗi tiến bộ đạt được sẽ là kết quả của cả phụ nữ và nam giới. Đa dạng hoá các biện pháp tránh thai; tạo điều kiện cho nữ giới và nam giới chủ động việc lựa chọn các BPTT hiện đại và chăm sóc SKSS. Tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh sản dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ đó. Bên cạnh đó cũng cần truyền thông tư vấn cho các nhóm đối tượng bao gồm nam giới, vị thành niên và phụ nữ chưa kết hôn về lợi ích của việc tiếp cận và chăm sóc SKSS
Chỉ có như vậy chúng ta mới xây dựng được gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Thanh Phúc – TTDS huyện