[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Những kết quả và hạn chế về triển khai đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh ở huyện Hưng Nguyên

Những kết quả và hạn chế về triển khai đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh ở huyện Hưng Nguyên

Đề án đã đạt được một số kết quả đáng kể song cũng không gặp không ít khó khăn hạn chế trong quá trình thực hiện trên địa bàn huyện Hưng Nguyên.
 Tại Hưng Nguyên thực hiện đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh, được triển khai vào năm 2011. Bước đầu thực hiện tại 5 xã trong huyện gồm Hưng Mỹ, Hưng Tây, Hưng Thịnh, Hưng Đạo và Hưng Tân. Năm 2012 được triển khai thêm 15 xã, thị trấn trên địa bàn và năm 2013 đề án được thực hiện tại 23/23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mục tiêu của Đề án giúp phát hiện những dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền và chuyển hóa trước và sau sinh để tránh những hậu quả nặng nề khi trẻ sinh ra, qua đó làm giảm tỷ lệ trẻ em bị tàn tật, khuyết tật góp phần nâng cao chất lượng dân số.
 Để thực hiện tốt mục tiêu đề án và đặc biệt là làm giảm tỷ lệ trẻ em dị tật, tàn tật trên địa bàn làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phong phú như: Tư vấn cộng đồng; tư vấn nhóm nhỏ; sinh hoạt câu lạc bộ; phát thanh bài truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở các xã triển khai đề án trên đài phát thanh xã; tư vấn trực tiếp cho đối tượng đặc biệt là phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai về lợi ích tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Truyền thông tư vấn nhóm về đề án tại trạm y tế xã Hưng Xuân
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện và Trạm y tế các xã, thị trấn tích cực thực hiện lấy mẫu máu để gửi đi xét nghiệm 2 bệnh thiếu men G6PD và bệnh suy giáp trạng bẩm sinh cho những trẻ mới sinh ra trên địa bàn.
Đề án triển khai đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền của toàn thể nhân dân trong toàn huyện. Kết quả qua 4 năm thực hiện từ năm 2011 đến năm 2014, đã tuyên truyền tư vấn cho hơn 1.000 bà mẹ mang thai tham gia sàng lọc trước sinh và đã phát hiện được 4 ca dị tật bẩm sinh. Thực hiện lấy 920 mẫu máu trẻ sơ sinh gửi Bệnh viện phụ sản Trung ương xét nghiệm và đã có 5 trẻ mới sinh nghi ngờ mắc bệnh thiếu men G6PD (1 trẻ ở xóm Nam phúc hòa xã Hưng Tây; 1trẻ ở xóm 5A xã Hưng Mỹ; 1 trẻ ở khối 8, Thị trấn; 2 trẻ  ở xóm 1 và xóm 4 xã Hưng Tân). Các gia đình có trẻ nghi ngờ mắc bệnh đã được hướng dẫn điều trị bệnh kịp thời.
Chị Nguyễn Thị Nông ở xóm 4 xã Hưng Tân, có con xét nghiệm có thông báo nghi ngờ mắc bệnh thiếu men G6PD chia sẻ “ Nhờ có việc lấy máu này mà gia đình tôi đã biết được bệnh của cháu sớm để kịp thời chữa trị cho cháu. Qua 3 tháng uống thuốc theo đơn của Bệnh viện nhi Trung ương nay cháu khám lại đã khỏi bệnh, nên gia đình tôi rất vui mừng”. Lợi ích là vậy song bên cạnh những kết quả đạt được đề án triển khai trên dịa bàn huyện có những hạn chế nhất định:
- Số bà mẹ mang thai thực hiện sàng lọc trước sinh đúng thời điểm ít, số trẻ sinh ra chưa thực hiện sàng lọc sơ sinh nhiều, do vậy tỷ lệ dị tật bẩm sinh trong thời kỳ mang thai và trẻ sơ sinh được phát hiện thấp. Vì vậy nhiều đối tượng chủ quan trong việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Cũng vì thế mà công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều do gia đình sợ con, cháu đau khi lấy máu xét nghiệm nên không thực hiện sàng lọc sơ sinh cho trẻ.
- Ngân sách đầu tư cho vật tư tiêu hao, công lấy mẫu máu thấp nên đội ngũ cán bộ thực hiện lấy mẫu máu chưa thật sự nhiệt tình, tâm huyết.
- Cán bộ lấy mẫu máu mặc dù đã được đào tạo nhưng tỷ lệ lấy mẫu hỏng nhiều, mẫu máu thất lạc trong quá trình vận chuyển nên không thống kê được chính xác số ca nghi ngờ mắc bệnh qua sàng lọc sơ sinh.
- Việc triển khai lấy mẫu máu chủ yếu tại các trạm y tế, song hầu hết các trẻ hiện nay chủ yếu sinh tại các tuyến Bệnh viện hoặc nếu có sinh tại trạm khỏe mạnh thì cũng được về nhà sớm nên việc vận động đưa trẻ trở lại cơ sở y tế lấy máu còn gặp khó khăn.
- Đến thời điểm hiện nay chưa có hướng dẫn nào về trả chi phí lấy mẫu máu đối với những đối tượng không nằm trong diện được miễn phí nên số lượng trẻ sinh ra không được lấy mẫu máu sàng lọc còn rất nhiều.
Đây là đề án mang lợi nhiều lợi ích thiết thực cho mọi người, mọi nhà và cho toàn xã hội. Song đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, và cần tăng cường hơn nữa trong công tác tuyên truyền vận động để mọi người dân các ông bố bà mẹ hiểu và thực hiện chương trình ý nghĩa này. Đây cũng là cơ hội để giảm số lượng trẻ em bị dị tật sinh ra hằng năm trên địa bàn huyện và cho ra đời những trẻ em hoàn toàn khỏe mạnh thông minh, có điều kiện phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ góp phần nâng cao chất lượng dân số đảm bảo nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước./.

                  Ngô Tuyên - Trung tân Dân số - KHHGĐ huyện.