[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Những nội dung chính của Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh Quy định một số chế độ chính sách Dân số- KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Những nội dung chính của Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh Quy định một số chế độ chính sách Dân số- KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An

         Ngày 13/7/2012, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 52/2012/NQ-HĐND Quy định một số chế độ chính sách Dân số- KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 76/2012/QĐ-UBND, ngày 19/10/2012 về việc Ban hành Quy định một số chính sách Dân số-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sau 3 năm thực hiện, công tác Dân số- KHHGĐ của tỉnh ta đã đạt những thành tựu quan trọng. Góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội; tăng thu nhập bình quân đầu người; xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại vướng mắc và khó khăn thách thức xẩy ra như: Quy mô dân số lớn, đứng thứ 4 cả nước; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động, chất lượng dân số tuy được cải thiện nhưng còn thấp. Đặc biệt, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên đang có xu hướng tăng nhanhDo vậy, yêu cầu cấp bách đặt ra là cần phải có chính sách Dân số- KHHGĐ mới phù hợp với đặc thù của Nghệ An. Trong đó, chú trọng đến việc khuyến khích khen thưởng đi đôi với xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; gắn công tác Dân số-KHHGĐ với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị-xã hội cũng như đối với mọi công dân.
Để phù hợp với tình hình thực tế trên, ngày 10 tháng 7 năm 2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã có Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND ( Thay thế Nghị quyết số 52/2012/NQ-HĐND Quy định một số chế độ chính sách Dân số- KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An); Ngày 21 tháng 8 năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND Quy định một số chế độ chính sách Dân số- KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An ( thay thế Quyết định số76/2012/QĐ-UBND ngày 19/10/2012 của UBND tỉnh Nghệ An). Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016
Ông Nguyễn Kim Bảng, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện phát biểu khai mạc và trực tiếp giảng bài cho lớp tập huấn - ảnh Hồng Điệp
Để giúp hiểu rõ những quy định cụ thể về chính sách Dân số-KHHGĐ được áp dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian tới, Xin trao đổi một số nội dung chính của Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND, ngày 21/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc Ban hành Quy định một số chính sách Dân số-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ  An như sau:
Một là, về phạm vi và đối tượng áp dụng: đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang (gọi chung là cơ quan, tổ chức) thuộc tỉnh Nghệ An và công dân Việt Nam cư trú thực tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Hai là, quy định rõ trách nhiệm ký cam kết thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ (tại điều 4) quy định:
- Các cơ quan, tổ chức và chính quyền nơi cư trú có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các thành viên trong cơ quan, tổ chức, địa phương mình ký cam kết thực hiện các quy định về chính sách Dân số-KHHGĐ và có trách nhiệm cam kết với ngành cấp trên, chính quyền địa phương về tổ chức thực hiện cam kết. Khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, khi tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ công chức, viên chức đều phải tuyên truyền, vận động những người này ký cam kết thực hiện các quy định về chính sách Dân số-KHHGĐ.
 - Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có trách nhiệm ký cam kết thực hiện các quy định về chính sách Dân số-KHHGĐ với chính quyền địa phương nơi cư trú và cơ quan, đơn vị mình đang công tác.
- Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và quần chúng nhân dân thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ.
Ba là, về cơ chế khuyến khích, khen thưởng  thực hiện tốt chính sách Dân số-KHHGĐ (tại điều 5, khoản 1, 2 và 3) quy định:
1, Khuyến khích, khen thưởng đối với các xã, phường, thị trấn:
 - Có một năm không có người sinh con thứ 3 trở lên được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, kèm theo mức thưởng 20 triệu đồng. Hai năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, kèm theo mức thưởng 40 triệu đồng. Ba năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, kèm theo mức thưởng 60 triệu đồng. Bốn năm liên lục không có người sinh con thứ 3 trở lên được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, kèm theo mức thưởng 80 triệu đồng. Từ năm năm liên tục trở lên không có người sinh con thứ 3 trở lên được Chủ tịch UBND tỉnh thưởng 100 triệu đồng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
-  Xã, phường, thị trấn thực hiện giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 50% so với năm trước được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và thưởng theo quy định hiện hành.
- Việc khen thưởng đối với khối, xóm, bản không có người sinh con thứ 3 trở lên do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị quy định.
2, Khuyến khích, khen thưởng đối với cá nhân:
 Những người trong độ tuổi sinh đẻ đã có từ 01 - 02 con trở lên tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai triệt sản (kể cả triệt sản khi mổ kết hợp), ngoài các chế độ, chính sách được hưởng theo quy định của Trung ương, thì mỗi trường hợp triệt sản được bồi dưỡng 5 triệu đồng (đối với nam) và 3 triệu đồng (đối với nữ).
 Bốn là, về  xử lý vi phạm tại (điều 5, khoản 6) quy định:
 Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm chính sách Dân số-KHHGĐ theo quy định của pháp luật hiện hành và bản cam kết đã ký với cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú, cụ thể như sau:
-  Đối với cán bộ, công chức, viên chức (kể cả hợp đồng lao động); cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang; công nhân, người lao động có hưởng lương (bao gồm nhà nước và tư nhân):
+ Sinh con thứ ba trở lên (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác) thì bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức: khiển trách; làm đơn rút tên khỏi chức danh lãnh đạo (nếu có chức vụ); thuyên chuyển vị trí công tác khác hoặc thuyên chuyển đến địa bàn công tác khác có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn; không đưa vào xem xét quy hoạch bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo trong 5 năm kể từ ngày vi phạm, nếu có trong quy hoạch thì xem xét đưa ra khỏi chức danh quy hoạch hiện tại; không xem xét thi nâng ngạch, chuyển ngạch; kéo dài thời gian xét nâng bậc lương trong thời gian 3 - 6 tháng.
+ Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật, nếu tiếp tục vi phạm chính sách Dân số- KHHGĐ thì tiến hành xử lý kỷ luật với các hình thức cao hơn.
-  Các đối tượng khác vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì bị xử lý theo bản cam kết, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị; quy định của hương ước, quy ước nơi cư trú; không được xét danh hiệu Gia đình văn hóa.
- Tập thể và cá nhân Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thành viên thuộc cấp quản lý trực tiếp vi phạm chính sách Dân số-KHHGĐ thì không xét danh hiệu thi đua và không xem xét danh hiệu đơn vị văn hóa trong năm có vi phạm.
        Năm là, về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác Dân số-KHHGĐ (tại điều 8) quy định:
1. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân số.
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động thực hiện các chính sách DS-KHHGĐ, đảm bảo mọi người dân đều được cung cấp thông tin về DS-KHHGĐ đầy đủ, kịp thời.
b) Đưa nội dung thực hiện chính sách DS-KHHGĐ vào quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị; kết quả thực hiện chính sách DS-KHHGĐ là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân trong cơ quan, đơn vị.
c) Tạo điều kiện để các thành viên của cơ quan, tổ chức thực hiện quy chế, điều lệ; các hương ước, quy ước của cộng đồng về dân số; tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân thực hiện mục tiêu chính sách dân số phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập, nuôi dạy con, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Nhà nước. Ưu tiên đối với người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đặc thù có mức sinh cao;
d) Lồng ghép các nội dung Dân số-KHHGĐ vào trong quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đối với khối, xóm, thôn, bản, khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước phải có nội dung Dân số-KHHGĐ, không có người vi phạm chính sách Dân số-KHHGĐ.
đ) Kiểm tra, đánh giá và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các mục tiêu Dân số-KHHGĐ.
2. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp liên ngành trong tổ chức triển khai các hoạt động thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu về Dân số-KHHGĐ.
3. Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, người tàn tật, tổ chức phục hồi chức năng cho trẻ em và người khuyết tật, người dân dễ bị thương trong thiên tai.
4. Thực hiện xã hội hóa công tác Dân số-KHHGĐ; đặc biệt là xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Sáu là, về trách nhiệm của công dân Việt Nam cư trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An (tại điều 9) quy định:
1. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; quy chế, điều lệ của cơ quan, tổ chức; quy ước, hương ước của cộng đồng về dân số.
2. Mọi người có trách nhiệm thực hiện và tuyên truyền, vận động con, cháu, anh em, đồng nghiệp, những người khác trong cộng đồng thực hiện nghiêm các quy định về Dân số-KHHGĐ.
        Bảy là, về trách nhiệm thi hành (tại điều 10) quy định:
1. Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các ngành, các tổ chức liên quan tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát và và định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Quy định này.
2. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn việc lập dự toán và bố trí nguồn kinh phí thực hiện theo Quy định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm chính sách DS-KHHGĐ; hàng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Quy định này.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên tuyên truyền vận động các hội viên, đoàn viên, nhân dân và phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt chính sách Dân số-KHHGĐ
 Để Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND thật sự đi vào cuộc sống đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và ý thức chấp nghiêm túc của mỗi người dân.

                                                KIM BẢNG-TRUNG TÂM DÂN SỐ-KHHGĐ HƯNG NGUYÊN