[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Lợi ích từ việc Sàng lọc sơ sinh và những hạn chế trong cách nhìn nhận của các bà mẹ trẻ hiện nay

Lợi ích từ việc Sàng lọc sơ sinh và những hạn chế trong cách nhìn nhận của các bà mẹ trẻ hiện nay


Sàng lọc sơ sinh là một biện pháp dự phòng hiện đại, dùng kỹ thuật y khoa nhằm tìm kiếm để phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, cho phép phát hiện trẻ mắc các bệnh thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh và thiếu men G6PD... Đây đều là những bệnh lý hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của trẻ sau này. Việc sàng lọc sơ sinh nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng giống nòi cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh.
Cán bộ nữ hộ sinh lấy mẫu máu gót chân cho trẻ mới sinh

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục DS-KHHGĐ mỗi năm nước ta có khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra, nếu được sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và  sơ sinh tốt sẽ phát hiện được khoảng 1.700 trẻ bị thalamemia (tan máu bẩm sinh thể nặng); 1.400 trẻ bị bệnh down; 500 trẻ bị dị tật ống thần kinh; 200 trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh; 10.000 – 20.000 trẻ bị thiếu men G6PD và nhiều bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác. Khoảng 60% – 70% các dị dạng, dị tật bẩm sinh đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Như vậy, nếu thai phụ được chẩn đoán, sàng lọc trước sinh kết hợp vớí chẩn đoán, sàng lọc sơ sinh sẽ loại bỏ được 95% những dị tật bất thường và cho ra đời những đứa trẻ hoàn toàn khoẻ mạnh.
Bệnh thiếu men G6PD dễ gây cho trẻ bị thiếu máu, vàng da. Nguy hiểm hơn, bệnh suy tuyến giáp khiến trẻ chậm phát triển chiều cao, kém thông minh. Thực hiện việc sàng lọc sơ sinh bằng cách lấy vài giọt máu ở gót chân của bé sinh ra từ 24- 72 giờ sẽ giúp trẻ phát hiện một số bệnh. Từ đó các bác sĩ sẽ tìm biện pháp can thiệp kịp thời đối với những bệnh có thể chữa được và tư vấn tâm lý cho bà mẹ cũng như gia đình kịp thời.
Bệnh thiếu men G6PD hay bệnh Suy tuyến giáp đều là những bệnh lý không nhận thấy khi khám bằng mắt thường mà phải thử máu, có thể xảy ra ngẫu nhiên cho bất cứ trẻ nào, không nhất thiết phải là con của gia đình có người mắc bệnh. Vì vậy, dù không có người thân nào mắc bệnh này thì trẻ vẫn cần được xét nghiệm để loại trừ khả năng mắc bệnh, tránh những hậu quả đáng tiếc sau này.
Lợi ích của việc Sàng lọc sơ sinh là rất lớn nhưng hiện nay nhiều người bỏ qua, thậm chí chưa mặn mà với việc sàng lọc, mặc dù nó đem lại lợi ích to lớn cho sức khỏe và sự phát triển của mỗi trẻ thơ. Trên địa bàn Thị trấn Hưng Nguyên đề án sàng lọc sơ sinh đã được triển khai nhiều năm, công tác tuyên truyền vận động rất được chú trọng và thường xuyên. Các bà mẹ mang thai đều được tiếp cận và tuyên truyền về đề án. Hàng năm nhiều trẻ em sinh ra đã được trạm y tế lấy mẫu máu để sàng lọc, trong đó có những trường hợp được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, tỷ lệ sàng lọc vẫn ở mức dưới 10 %.
 Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sàng lọc sơ sinh thấp là do nhận thức còn hạn chế của các bà mẹ. Khi đội ngũ cán bộ dân số tiếp cận và tuyên truyền thì đa phần các bà mẹ đều cho rằng trẻ mới sinh còn non yếu, nếu bị lấy máu sẽ rất đau. Một số bà mẹ lại cho rằng việc gia đình không ai có tiền sử mắc các bệnh đó nên con mình khi sinh ra cũng sẽ không có khả năng mắc các chứng bệnh đó. Họ gần như không quan tâm đến vấn đề Sàng lọc sơ sinh. Trong khi đó, thực tế đã có rất nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh được can thiệp sớm, cứu chữa kịp thời và có sự phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.
Vì tương lai của những đứa trẻ và vì sự phát hiện chung của xã hội các bà mẹ trẻ  chúng ta hãy làm sàng lọc sơ sinh cho những đứa con của mình để đảm bảo đứa trẻ lớn lên hoàn toàn khỏe mạnh.
Bài và ảnh: Bình An - Viên chức Dân số-KHHGĐ Thị Trấn Hưng Nguyên