[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Vai trò của chính sách Dân số-KHHGĐ trong xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Vai trò của chính sách Dân số-KHHGĐ trong xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đầu tư cho gia đình chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Chính vì lẽ đó, ổn định quy mô dân số, thực hiện tốt KHHGĐ, xây dựng nền tảng gia đình vững chắc là một trong những tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế, ổn định xã hội: Xoá đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng và mức sống của nhân dân trong thời kỳ đổi mới đất nước. Hướng tới kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam năm 2011, trong chương trình truyền thông dân số tuần này chúng tôi xin trao đổi tới quý vị và các bạn về vai trò của chính sách dân số-KHHGĐ trong xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH.
Song song với việc quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH đất nước; Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình”; ngày 27/10/2005. Được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự nhiệt tình hưởng ứng của nhân dân, trong thời gian qua công tác gia đình, và chính sách Dân số-KHHGĐ ở Hưng Nguyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác gia đình được xây dựng, phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần làm giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Đến nay Hưng Nguyên đã có  hơn 80% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm, nhiều hộ gia đình tiên tiến, gương mẫu vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con tốt. Các chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng: nhận thức của nhân dân về cơ bản đã có bước chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên giảm hàng năm, dịch vụ cung ứng các biện pháp tránh thai đáp ứng được nhu cầu; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm. Những kết quả đạt được trong công tác dân số và thực hiện chính sách kế hoạch hoá gia đình đã góp phần xây dựng gia đình, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ; tiến dần đến mục tiêu ổn định quy mô dân số, từng bước nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, xã hội ngày càng ổn định và phát triển.
Ảnh : Minh họa
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác Dân số-KHHGĐ đang phải đứng trước những khó khăn và thách thức mới làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng quy mô gia đình Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH. Đó là sự thiếu chặt chẽ, không thống nhất trong việc ban hành các văn bản liên quan đến chính sách Dân số-KHHGĐ nên khiến người dân, cán bộ công nhân viên chức có nhiều cách hiểu khác nhau, và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ đảng viên. Gia đình hạt nhân chưa được củng cố vững chắc, ly hôn có xu hướng tăng; tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xuất hiện ở một số nơi ; cộng với kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn do phải sinh nhiều con là nguyên nhân khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình trở nên “căng thẳng”.
Để phát huy những kết quả đạt được, đặc biệt là vai trò của chính sách Dân số-KHHGĐ trong xây dựng gia đình thời kỳ mới, chúng ta cần tập trung một số giải pháp sau đây:
+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào giáo dân hiểu và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác Dân số- kế hoạch hoá gia đình và xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
+ Tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về: xây dựng gia đình, công tác phụ nữ, bảo vệ chăm sóc trẻ em, Dân số- SKSS/KHHGĐ, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kinh tế… thăm hỏi giúp đỡ gia đình khó khăn.
+  Tiếp tục làm tốt công tác  phối hợp liên ngành, tạo ra phong trào xã hội hóa về thực hiện KHHGĐ, góp phần xây dựng gia đình ít con có từ 1-2 con, no ấm bình đẳng tiến bộ hạnh phúc và phát triển bền vững.
Chủ đề ngày gia đình Việt Nam 28/6/2015 là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, với ý nghĩa trân trọng những giây phút gia đình sum họp bên bữa cơm đầm ấm, hạnh phúc. Bữa cơm gia đình, là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình. Thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” gắn với chủ đề truyền thống về công tác Gia đình năm 2015 “Xây dựng nhân cách con người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”.
Hưởng ứng ngày gia đình Việt Nam năm nay các cấp, các ngành, các cá nhân và mỗi gia đình hãy chăm lo, thực hiện tốt hơn nữa công tác dân số-KHHGĐ để mỗi gia đình Việt Nam luôn là tổ ấm góp phần làm cho xã hội phồn vinh, giàu mạnh.

 Cao Nhung - TT Dân số-KHHGĐ