GiadinhNet - Cùng với truyền thông vận động đi trước một bước, những
năm gần đây Nghệ An đã “ ráo riết” triển khai hoạt động theo hình thức mô hình,
đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh này
Một trong những thành công đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra cho công tác DS/KHHGĐ thời gian qua chính là nhờ Nghệ An đã xác định truyền thông làm mũi nhọn.
Nhiều địa phương đã có cách làm mới mẻ, sáng tạo, mà trong đó vai trò của đội ngũ làm công tác dân số, chuyên trách, cộng tác viên ngày đêm kiên trì, chịu khó “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” đã được nâng cao, phát huy được khả năng, sở trường để thay đổi nhận thức, hành vi người dân thực hiện đúng chính sách dân số KHHGĐ.
Công tác truyền thông luôn được xác định là số 1 trên mặt trận dân số. |
Cán bộ dân số làm tâm điểm
Gần một năm nay, cứ chiều thứ 5 hàng tuần, một chương trình mà bà con xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên yêu thích gọi là “bản tin dân số” được phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã.
Tất cả những văn bản mới, những thông tin thời sự về chính sách dân số của Đảng và Nhà nước, những tiến bộ về thực hiện chính sách dân số của các địa phương trong tỉnh, ngoại tỉnh, đến tình hình dân cư của huyện, của xã tất cả đều được sắp xếp để “lên sóng”. Chị Phan Thị Bé, chuyên trách Dân số- KHHGĐ xã cho biết, “bản tin dân số” do chị phụ trách được bà con hưởng ứng và chờ đợi rất nhiệt tình.
Không chỉ riêng Hưng Long, mà giờ đây 23 xã, thị trấn của Hưng Nguyên đều tổ chức và duy trì được chương trình phát thanh về Dân số trên hệ thống truyền thanh. Những hôm thời tiết không thuận lợi, bản tin phải lùi lịch phát vào hôm sau thì lại có nguời thắc mắc. Nhờ hệ thống loa truyền thanh, cùng với việc phát tờ rơi, treo pano, áp phích, giờ đây, rất nhiều người dân đã hiểu và có ý thức chấp hành thực hiện chính sách DS/KHHG.
Huyện Hưng Nguyên cũng đã tổ chức thành công nhiều hoạt động sôi nổi như Hội thi cán bộ chuyên trách giỏi năm 2010; Liên hoan tuyên truyền viên dân số năm 2012; Đối thoại trực tiếp dân số Hưng Nguyên – những thách thức và giải pháp năm 2013; Hoạt động truyền thông sông nước quy mô lớn năm 2014; Chương trình truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2014…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Bảng, Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Hưng Nguyên: “Đây mới chỉ là hoạt động mang tính chất phong trào, ở bề rộng là chính. Còn thường ngày, chúng tôi tổ chức tư vấn theo nhóm, truyền thông cộng đồng, về từng xóm, từng nhà. Đó mới chính là cuộc chiến đấu thầm lặng, bền bỉ và đầy khó khăn nhất nhưng cũng tâm huyết nhất của những người làm công tác dân số ở cơ sở”.
Chúng tôi vô cùng bất ngờ khi được xem bản kế hoạch triển khai thực hiện công tác DS-KHHGĐ do chuyên trách dân số xã Hưng Tây, chị Võ Thị Ngà trình bày một cách cụ thể, rõ ràng, chi tiết và khoa học. Trong đó, ghi rõ từng nội dung từ xây dựng mục tiêu công tác dân số, kế hoạch phối hợp với các ban ngành đoàn thể: MTTQ xã, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội cựu chiến binh, ban văn hóa, hội người cao tuổi.
Đặc biệt, ở từng nội dung đều ghi rõ các gia đình, đối tượng tham gia có nguy cơ vi phạm chính sách DS-KHHGĐ hoặc cần phải được truyền thông về nội dung gì. Viết báo cáo từng tuần, từng tháng, về tiến độ chuyển đổi hành vi của các đối tượng. Đồng chí Kim Bảng cho biết, để có những “ giáo án” đầy sáng tạo như thế này, các chuyên trách, CTV dân số trên địa bàn huyện đã được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chương trình dân số, sử dụng thành thạo máy tính, tin học văn phòng, mạng Internet… có trách nhiệm viết tin bài cho trang tin dân số Hưng Nguyên và chương trình phát thanh của xã vào thứ 5 hàng tuần.
Trong mỗi tháng, tùy vào đặc điểm tình hình lao động, sản xuất, thời điểm mà đưa ra từng nội dung tuyên truyền khác nhau. Ví dụ: tháng 1, là dịp giáp tết, nhiều người xa quê trở nên sẽ tập trung viết bài tuyên truyền về các biện pháp phòng tránh thai hiệu quả, tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, vận động ký cam kết thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; tháng 3 phối hợp với hội phụ nữ tuyên truyền dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc; tháng 7 tập trung tuyên truyền ngày dân số thế giới…
Năm 2015, Hưng Nguyên chuyển từ tư vấn cộng đồng sang tư vấn hộ gia đình, “giảm cuộc chiến ồn ào” bằng những hành động, âm thầm, bền bỉ nhưng hướng về từng đối tượng cụ thể. Nhờ đó đã thay đổi nhận thức, hành vi trong từng gia đình, từng đối tượng, tạo nên sự thay đổi của toàn xã hội.
Truyền thông tới tận người dân nhằm thay đổi hành vi thực hiện chính sách DS/KHHGĐ ở xã Xuân Lâm huyện Nam Đàn |
Mô hình truyền thông lồng ghép mang tính cộng đồng
Đó là cách làm sáng tạo của huyện Thanh Chương nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức dẫn đến chuyển đổi hành vi, giúp người người dân nắm bắt và thực hiện tốt chính sách DS/KHHGĐ.
Ông Trần Viết Thành, Phó Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Thanh Chương chia sẻ: Hàng loạt câu lạc bộ ra đời như: CLB Phụ nữ KSCT3 trở lên; CLB Gia đình bền vững; CLB Phụ nữ với CSSKSS- KHHGĐ; Nam nông dân với chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã thu hút được nhiều thành viên tham gia có sức lan toả trong cộng đồng, đặc biệt nhận thức của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã chuyển biến ngày càng tích cực, theo hướng đẻ ít, đẻ thưa... .
Ông Thành cũng cho biết thêm: hiện nay, mỗi chuyên trách, CTV của các xã đều nắm rất rõ tình hình từng hộ gia đình tại cơ sở mình quản lý, thực hiện truyền thông “mưa dầm thấm lâu”. Truyền thông không chỉ phải nói đúng, nói hay, mà còn phải thường xuyên, có như thế mới mong từng bước thay đổi những quan niệm, tư tưởng bám rễ sâu trong người dân của vùng thuần nông như: trọng nam khinh nữ, lắm con nhiều của, sinh con trai nối dõi tông đường.
Thay đổi nhận thức người dân
Xã Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An nằm ven sông Lam, một vùng quê lâu đời vẫn còn giữ đến tận ngày nay những nếp nhà cổ, mái nhà thờ họ, và phiên chợ xôn xao cạnh bờ đê. Nơi đây, bên cạnh những giá trị truyền thống văn hóa đẹp đẽ còn được lưu giữ lại, thì cũng vẫn còn có những suy nghĩ, quan điểm “thâm căn cố đế” về việc duy trì dòng họ, con trai nối dõi tông đường, hay sinh đông con nhiều của, họ hàng đông vui…
Nhưng theo chị Lý Thị Hồng, chuyên trách dân số xã Xuân Lâm: “Bây giờ, nhận thức của người dân đã thay đổi rất nhiều. Nông thôn vất vả, nếu sinh nhiều con, thì lại càng thêm khó khăn, và không thể lo lắng, chăm sóc và đầu tư cho sức khỏe và việc học tập của con”.
Theo chân các chuyên trách, cộng tác viên dân số xã Xuân Lâm ra chợ phát tờ rơi tuyên truyền chính sách DSKHHGĐ, nhiều người dân tỏ ra không còn quá lạ lẫm. Họ chuyền tay nhau, lắng nghe chăm chú những lời hướng dẫn, giải thích của CTV dân số, rồi cất cẩn thận tài liệu “về cho chồng đọc”.
Được biết, năm 2014, xã Xuân Lâm có 9/22 xóm không có người sinh con thứ 3 trở lơn, trong đó có 1 xóm 3 năm liền không có người sinh con thứ 3+ và 1 xóm 4 năm liền không sinh con thứ 3+. Tỷ lệ sinh con thứ 3 toàn xã là 12,4% thấp hơn mức TB chung của huyện (17,6%).
Ông Hoàng Nghĩa Khanh, Phó CTUBND xã Xuân Lâm, Nam Đàn cho biết: “Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm đến công tác dân số trên mọi lĩnh lực từ kinh phí kinh phí cho các hoạt động, chế độ phụ cấp cho cho cộng tác viên. Hiện nay, các đề án, chương trình mục tiêu dân số cắt giảm nhiều nên xã phải vào cuộc hỗ trợ: thuốc men, tư vấn hỗ trợ, in ấn băng rôn, khẩu hiệu. Đồng thời, khen thưởng cho các cá nhân, đơn vị thực hiện tốt chính sách DSKHHGĐ từng năm và nhiều năm. Xử lý nghiêm theo đúng quy định của Nhà nước đối với các trường hợp vi phạm. Hiện nay, nhận thức của người dân trong xã có nhiều chuyển biến tích cực.
Bà Lê Thị Hằng, Phó CTUBND Nam Đàn cho biết: Từ nội dung Nghị quyết 20/NQ-TƯ và chỉ thị 09/CT-TU, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về thực hiện một số chính sách DS/KHHGĐ trên địa bàn, UBND huyện cũng ban hành Quyết định 01/2003-QĐ-UBND một số chính sách khen thưởng về chính sách DS/KHHGĐ và các văn bản cụ thể hóa xử lý cán bộ đảng viên và nhân dân vi phạm chính sách DSKHHGĐ
UBND huyện xây dựng kế hoạch mục tiêu, chỉ tiêu dân số hằng năm, giao chỉ tiêu xuống cơ sở tổ chức thực hiện, đốc thúc kiểm tra giám sát tổng kết đánh giá công tác DS/KHHGĐ, thực hiện thi đua khen thưởng cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kịp thời, thúc đẩy phong trào DS/KHHGĐ tại địa bàn.
Bác sỹ Phan Văn Huê,
Phó Giám đốc Chi cục DS/KHHGĐ Nghệ An khẳng định: Công tác truyền thông vận
động được tập trung tiên phong và đồng hành cùng với triển khai các hoạt động
của công tác dân số, nhất là triển khai quyết liệt các chủ trương, Nghị quyết,
chính sách được tuyên truyền sâu rộng đa dạng cách làm, có sự phối kết hợp,
lồng ghép trong các phong trào hoạt động, chương trình công tác, nhiệm vụ kinh
tế - xã hội của các cấp các ngành, đơn vị, khu dân cư, tạo được sự lan tỏa lớn,
nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách dân
số, tạo thành cuộc vận động lớn trong xã hội. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận
thức, chuyển đổi hành vi trong thực hiện chính sách dân số của người dân và
toàn xã hội.
HỒ HÀ