[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ

Chất lượng dân số được hiểu một cách đơn giản gồm những chỉ số phản ánh tình trạng thể chất, trí tuệ và tinh thần của con người trong cộng đồng dân cư.
Một yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng dân số Việt Nam hiện nay là phát huy vai trò của gia đình. Gia đình có vai trò to lớn mang tính đặc thù trong việc duy trì nòi giống và cũng là môi trường nuôi dưỡng nhân cách của con người mà khó có một thiết chế xã hội nào có thể thay thế được. Để hình thành nhân cách con người Việt Nam hôm nay, để nâng cao thể lực, trí tuệ, tinh thần, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu ổn định qui mô dân số, cơ cấu dân số, chúng ta không thể không đề cập đến vai trò của mỗi gia đình.
Ảnh: Minh họa
    Thứ nhất, gia đình có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tầm vóc, thể lực dân số. Có thể nói, sẽ không thể thực hiện được việc nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt nếu không dựa vào nền tảng từ các gia đình Việt Nam. Nhà nước không thể trực tiếp chăm lo cho từng công dân mà chỉ có thể hỗ trợ thông qua hệ thống các chính sách. Mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế, một đơn vị tiêu dùng, mọi thành viên trong gia đình phải dựa vào gia đình (đặc biệt là thành viên chưa trưởng thành). Do vậy, cần phải đầu tư vào gia đình, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần để gia đình phát huy chức năng của mình. Khuyến khích phát triển kinh tế gia đình là tạo điều kiện cho gia đình có tiềm năng, có vốn để sản xuất và làm giàu chính đáng. Chính sách khoán hộ, giao đất, giao rừng ở nông thôn, chính sách kinh doanh dịch vụ, kinh tế tư nhân, chế độ lương cho cán bộ công chức, viên chức, thu nhập cho công nhân, lao động thỏa đáng, hợp lý là điều kiện ổn định đời sống gia đình và phát triển cơ sở vật chất trong gia đình. Thực hiện tốt hơn cuộc vận động “xóa đói, giảm nghèo”, “giúp nhau lập nghiệp”, giúp nhau làm giàu...tuyên truyền giáo dục cho các gia đình kiến thức về y tế, sức khỏe, vệ sinh môi trường... nếp sống hiện đại, khoa học để gia đình phát triển tốt các thành viên. 
Thứ hai, gia đình là cái nôi bồi dưỡng, giáo dục nhân cách, nâng cao trình độ văn hóa, tinh thần cho mỗi con người. Văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, cho thấy văn hóa gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa của mỗi thành viên trong gia đình. Trong một gia đình nề nếp, ông bà, bố mẹ là tấm gương cho con cháu noi theo. Giáo dục công dân không thể chỉ giao phó cho nhà trường và ngành giáo dục mà phải phối hợp chặt chẽ với giáo dục trong gia đình và trước hết phải bắt nguồn từ giáo dục gia đình.
Tuy vậy, một thực tế hiện nay là, nhiều gia đình lúng túng trong việc dạy con cái như thế nào? Hướng con cái vào những giá trị đạo đức cổ truyền thì xem ra lỗi thời, hướng vào các giá trị hiện đại thì chưa thật rõ. Cho nên, có những gia đình chỉ biết dạy con “ngoan”, thành người “tử tế” mà thôi, một bộ phận dạy con cái theo kiểu “tùy thời”, còn một bộ phận phó thác cho xã hội hoặc bất lực hoặc dạy một cách tiêu cực.
Thứ ba, gia đình là nơi thực hiện tốt nhất giải pháp truyền thông giáo dục nhằm nâng cao chất lương dân số. Muốn nâng cao nhận thức, đạo đức, lối sống thì việc tuyên truyền giáo dục trong từng gia đình là không thể bỏ qua. Trong văn hóa Việt, từ việc kết hôn đến chuyện sinh con đẻ cái không phải chỉ là chuyện riêng của mỗi cá nhân mà là chuyện của cả gia đình, dòng tộc. Chính vì vậy, thay vì tuyên truyền giáo dục từng công dân riêng lẻ phải biết tận dụng, phát huy vai trò của gia đình. Sẽ thật hiệu quả nếu việc sinh đẻ có kế hoạch, sức khoẻ sinh sản được giáo dục, truyền đạt giữa những thế hệ trong gia đình, ông bà, bố mẹ truyền đạt, phổ biến cho con cháu, trở thành những bài học cho những thế hệ tiếp sau thực hiện. Việc đó vừa phát huy hiệu quả nhanh chóng lại vừa bền vững.    
Gia đình sẽ tồn tại mãi mãi trong đời sống xã hội, trong các cộng đồng người, nên cần nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình và giáo dục của gia đình đối với con người và xã hội nói chung, đối với việc nâng cao chất lượng dân số nói riêng. Muốn vậy, cần tổ chức tốt các dịch vụ xã hội để giảm nhẹ lao động trong gia đình cho phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện rảnh rỗi nhiều hơn cho họ tham gia vào sinh hoạt xã hội, văn hóa tinh thần, giáo dục con cái, nâng cao tri thức, thẩm mỹ, thể lực. Tạo cho mỗi gia đình có điều kiện vật chất tối thiểu, chỗ ở, môi trường sống làm cơ sở cho việc giáo dục gia đình tạo một nền nếp đạo đức gia đình. Bảo đảm cho những chính sách xã hội được thực hiện công bằng và có hiệu quả trên các lĩnh vực: y tế; sức khỏe; văn hóa; giáo dục; vệ sinh môi trường; sức khỏe sinh sản bằng cách phối hợp tốt trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu. Ngoài ra, cần có chính sách tín dụng, ưu đãi cho người nghèo, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, hướng nghiệp tạo điều kiện cho các gia đình có đời sống vật chất bớt khó khăn, thì mới có thể làm tốt việc nâng cao chất lượng dân số.
Gia đình là tế bào của xã hội. Một xã hội văn minh, tiến bộ, lành mạnh phải lấy chất lượng dân số làm điểm tựa và gia đình là một trong những nhân tố nền tảng quan trọng tác động đến mọi chiều hướng của chất lượng dân số./.

Thanh Phúc – TT Dân số - KHHGĐ huyện