Ghen, một "phẩm chất" cố hữu của tình yêu đôi lứa,
một điều nghe đã quá đỗi bình thường nhưng lại không hề cũ trong mọi thời đại.
"Phẩm chất" này đã tồn tại lâu đời, như một thực
tại khách quan trong ý thức hệ của con người từ lúc sinh ra và có thể còn tồn
tại mãi mãi cùng với cuộc sống.
Bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ. Bất cứ một sự
chia sẻ nào cũng làm cho tình yêu trở nên không trọn vẹn và mất đi sự thiêng
liêng của thứ vốn có tính bền vững vĩnh cửu trong đời sống tinh thần của con
người.
Khi đã đem lòng yêu ai, người ta chỉ muốn người ấy chỉ là
của riêng mình. Một cách tuyệt đối. Theo đó, những người yêu chưa hết mình,
theo kiểu nửa vời hoặc những kẻ tính toán, hẳn nhiên không thể có cái
"ghen nồng nàn", đáng yêu, đẹp đẽ như một người có sự trao gửi tuyệt
đối về tư tuởng và hành động đối với người mình yêu.
Nếu như cô gái "được" ghen như trong thơ của
Nguyễn Bính thì nàng sẽ chẳng cảm thấy phiền, mà có khi còn hạnh phúc nữa đấy
chứ. Tuy nhiên ghen như thế thì... hết ý kiến. Nó dễ biến thành ích kỉ và sở
hữu (ai cũng muốn sở hữu đến cả suy nghĩ và giấc mơ).
Ảnh: Minh họa |
Mình còn nhớ ngày xưa khi học lớp về kiểm soát tư duy và
phương pháp luận trong kinh doanh, một thầy giáo đã hỏi một câu để tập cho học
viên phương pháp suy luận, câu hỏi là: "Bạn nghĩ sao về Hoạn Thư?".
Nhiều bạn trả lời: "Quá ghen hoá cuồng, không tốt" hoặc "thâm
hiểm quá"... Mình trả lời: "Một phụ nữ khôn ngoan". Mình thấy cả
lớp cười ồ, vì ai cũng nhìn Hoạn Thư với khía cạnh tiêu cực. Nhưng theo mình,
rõ ràng cụ Nguyễn Du vẫn khẳng định đây là một phụ nữ khôn ngoan đấy thôi. Ít
ra thì Hoạn Thư vẫn còn nghĩ được "xấu chàng mà có ai khen chi mình".
Và phải khôn ngoan lắm thì Hoạn Thư mới nắm rõ tâm tính phụ nữ, mới
"đánh" vào yếu điểm của Kiều, để rồi thoát chết trong gang tấc.
Rằng: Tôi chút dạ đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nghĩ cho khi các viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng riêng những kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai!
Mà chính nàng Kiều cũng vì ghen mới cho gọi Hoạn Thư đến để
"trả oán" khi có điều kiện. Khi đã ghen thì chẳng màng đến chính nhân
quân tử, cao thượng hay kẻ xấu xa, cơ hội (là người cao thượng thì đã không nổi
cơn ghen rồi).
Ghen thì cũng có "năm ba bảy kiểu", tóm gọn là 4
kiểu cơ bản sau đây:
- Thứ nhất là kiểu "hạ cẳng tay". Kiểu này thường
xảy ra với đàn ông ghen hơn là phụ nữ. Những người ghen kiểu này, tuy có hơi
"bạo lực" nhưng cũng nguội nhanh và cũng thường không mang chuyện cũ
ra để chì chiết khi có dịp.
- Thứ hai là kiểu "dương đông, kích tây". Kiểu
ghen này thường không bộc phát mà có tính toán đàng hoàng. Thực ra, tình yêu
của chàng, nàng đã được san sẻ đi một nơi khác rồi, nên giả bộ ghen để nhằm
đánh lạc hướng đối phương.
- Thứ ba là kiểu "ăn miếng trả miếng". Kiểu này
thường xảy ra đối với những gia đình có "kết cấu thiếu bền vững" nên
xảy ra "ông ăn chả thì bà xơi nem" và cuối cùng là "cả hai chúng
ta cùng... ăn cháo", còn sức lực, tiền của đâu mà ăn cơm, với phở.
- Thứ tư là kiểu "im lặng là vàng". Đây là kiểu
đáng sợ nhất, biết bị phản bộ mười mươi nhưng họ chẳng nói gì, đôi khi còn
nhếch mép, nên đối phương khó mà biết họ nghĩ gì và hành động như thế nào.
Những người này khi bị phản bội và nổi cơn ghen thì rất khó tha thứ và thường
là "một đi không trở lại".
Mà cái gì làm cho người ta ghen cơ chứ? Chúng ta hãy thử
nhìn nhận dưới góc độ của y khoa nhé.
"Ghen" là gì? Theo từ điển Tiếng Việt, định nghĩa
"Ghen là khó chịu, bực dọc với người được hưởng cái gì đó (thường là về
tinh thần tình cảm) hơn mình, có được cái mình muốn mà không có; khó chịu, tức
tối, thường để biểu lộ ra, vì biết hoặc ngờ sự thiếu chung thủy của vợ, chồng
hay người yêu". Thế còn ghen tuông thì sao? Từ điển giải thích là
"ghen trong tình yêu nam nữ".
Tiếng Anh định nghĩa chữ "jealous" (một tính từ có
gốc từ tiếng La-tin: zelosus) là "trạng thái không khoan dung kình địch
hay sự không chung thủy, căm ghét đối với một kẻ kình địch hay một người nào đó
bị nghi là được hưởng lợi thế, cảnh giác giữ gìn một sự chiếm hữu".
Ghen tuông là một chủ đề làm hao tốn giấy mực của nhiều bác
sĩ và các nhà (nhà văn, nhà thơ, kể cả nhà tâm lí học và toán học). Có khá
nhiều loại ghen, nhưng cái ghen được chú ý nhiều nhất là cái ghen mà tôi tạm
gọi là ghen lãng mạn (romantic jealousy), tức là ghen có dính dáng tới tình cảm
lứa đôi, vợ chồng.
Theo Paul Mullen, một nhà nghiên cứu hàng đầu về... ghen,
trên tờ tạp chí nghiên cứu tâm thần của Anh, "ghen lãng mạn" là những
tư duy, cảm xúc, hành động phức tạp sau sự mất mát hay sự đe dọa về tính cách
hay một quan hệ tình cảm.
Như vậy, ghen không phải chỉ thuần túy là chuyện yêu đâu. Mà
ghen là một tập hợp những suy nghĩ, tình cảm và hành động. Nói nôm na là vừa
đánh đấm bằng tay chân, mà còn vừa có suy nghĩ và yêu thương nữa! Thứ hai, có
hai khía cạnh tâm lí ở đây, là do sự mất đi cái tự chủ (chẳng hạn như người phụ
nữ thấy mình già đi, mất đẹp, không còn hấp dẫn người khác phái), và sự mất mát
(hay bị đe dọa) về một quan hệ mới (như ông chồng bắt đầu đi sớm về khuya, gọi
điện ít khi gặp, tính tình thay đổi, hay giấu diếm)
Đặc tính ghen tuông là gì? Theo một bài báo trên tờ
Psychological Report, những tình huống sau đây thường dẫn đến ghen:
(a) hay dính dáng vào một sở thích nào đó như chơi tenis, đi
thư viện đọc sách, đi dạo phố, đi chơi cuối tuần;
(b) hội họp hàng tuần ở cơ quan làm việc hay các nơi làm
ngoài giờ;
(c) có quen biết, liên lạc với đồng nghiệp trong sở làm;
(d) ngoại tình một cách "lâm thời".
Sau khi nghiên cứu, đánh giá bằng cách cho điểm, thì các nhà
nghiên cứu kết luận rằng: Tình huống (a) (với chỉ số trung bình là 3.5) và (b)
(chỉ số trung bình = 5.6) không dẫn đến ghen bằng tình huống (c) (chỉ số trung
bình = 9.6) và nhất là (d) với chỉ số nguy cơ ghen tuông lên đến 10.6.
Trong tình huống (a), đàn ông ghen hơn đàn bà (chỉ số ghen:
4.1 so với 2.8); người chưa hay không có con ghen hơn người đã có con (3.7 so
với 3.2); người ở thành thị ghen hơn người ở nông thôn (3.7 so với 3.2).
Trong tình huống hội họp, tức tình huống (b), đàn ông cũng
ghen hơn đàn bà (6.2 so với 4.6); người chưa không có con ghen hơn người đã có
con (5.9 so với 5.3); nhưng không có sự khác nhau giữa dân thành thị và nông
thôn.
Khi ở trong tình huống "nguy hiểm" (c) và (d) thì
cả hai phái nam nữ đều ghen như nhau và không có sự ảnh hưởng của có con (hay
không có con), của nơi ở (thành thị hay nông thôn).
Động cơ nào làm cho người ta ghen? Người ghen thường cảm
thấy mình có uy thế thấp hơn đối phương. Nhưng sự hấp dẫn của đối phương là yếu
tố số một làm cho họ ghen. Nhưng ngạc nhiên thay, người ghen không quan tâm gì
tới sự giàu có của đối phương. Có lẽ vì người có sắc đẹp hay hấp dẫn, thường
được chiều chuộng tình cảm hơn người kém hấp dẫn, nên một khi họ cảm thấy mình
không còn hấp dẫn người khác phái, thì chỉ số về ghen lại tăng một cách đáng
kể. (Có lẽ đây là lí do tại sao phụ nữ thường là khách hàng của các thẩm mỹ
viện!)
Chuyện ghen tuông là chuyện nên bàn và nghiên cứu thêm. Nên
nghiên cứu thêm là vì nó là đề tài khoa học rất hấp dẫn. Nhưng quan trọng hơn
nữa là nó có ý nghĩa thực tiễn là làm sao chữa trị tính ghen tuông để đàn ông
con trai (và đàn bà phụ nữ) được sống vui vẻ hơn, an toàn hơn, không phải nơm
nớp lo sợ bị bạo hành một cách không cần thiết.
Với mình thì: cái gì của mình thì sẽ là của mình, không phải
của mình thì của... thiên hạ. Quan trọng là mình chủ động quyết định cái gì là
của mình và nắm giữ nó, chứ đừng để "cái gì còn lại là của tôi" thì
sẽ chẳng bao giờ có cái gì là của mình.
Ghen không phải là một đức tính tốt (dù nó mang ý nghĩa tích
cực trong một hoàn cảnh nào đấy), nhưng khó để loại bỏ cảm xúc này. Tuy nhiên,
không nên xem mức độ ghen bằng mức độ yêu. Ghen có khi hại cả người và hại luôn
cả ta.
Nguồn: http://taythuyanh.org |