[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , HƯNG NGUYÊN: Nỗ lực phối hợp trong công tác truyền thông và giáo dục về Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình

HƯNG NGUYÊN: Nỗ lực phối hợp trong công tác truyền thông và giáo dục về Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình

Xác định công tác Dân số-KHHGĐ là một hoạt động mang tính xã hội hóa rất cao, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, những người có uy tín trong cộng đồng... Để từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp, góp phần hoàn thành các mục tiêu về Dân số - KHHGĐ. Trung tâm Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành trên cơ sở thống nhất các hoạt động vì mục tiêu chung là xây dựng một xã hội có quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, chất lượng dân số ngày càng cao.
Thực tế công tác truyền thông giáo dục về Dân số - KHHGĐ trong những năm qua đã có sự đóng góp rất lớn của lực lượng cộng tác viên, tuyên truyền viên của các ban, ngành, đoàn thể. Phát huy lợi thế của các phương tiện truyền thông đại chúng, thời gian qua Trung tâm Dân số - KHHGĐ đã chủ động phối hợp với Đài Phát thanh - truyền hình huyện, đăng tải tin, bài, phóng sự, chuyên mục “Dân số & KHHGĐ”, chuyển tải nhiều thông tin, thông điệp, gương người tốt việc tốt, các hoạt động về Dân số - KHHGĐ đến người dân một cách bài bản, hấp dẫn và có tính thuyết phục cao. Đồng thời ở tuyến xã, hệ thống truyền thanh tuyên truyền định kỳ vào sáng và chiều thứ 5 hàng tuần các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về Dân số - KHHGĐ, các nội dung chuyển đổi hành vi khác bằng các bài viết truyền thông được phổ biến đến tận mỗi người dân, ở tất cả các khối xóm.
Để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho từng đối tượng về dân số/SKSS/KHHGĐ, hàng năm Trung tâm Dân số-KHHGĐ đã chú trọng phối hợp truyền thông giáo dục trực tiếp thông qua việc phối hợp, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số vào các hoạt động thường xuyên của các ban, ngành, đoàn thể. Điển hình, thông qua các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội phụ nữ, Hội nông dân các chuyên đề về Dân số - KHHGĐ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các cấp lãnh đạo trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động dân số tại địa phương, huy động được nguồn lực đáng kể để đầu tư cho công tác Dân số - KHHGĐ. Trung tâm Dân số - KHHGĐ đã phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đưa công tác truyền thông giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên vào các chương trình hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động này đã tạo được sân chơi bổ ích cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, góp phần nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về công tác CSSKSS/KHHGĐ, đồng thời là chỗ dựa về mặt tâm lý cho học sinh, giúp các em có kiến thức về SKSS, có lối sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội đang thâm nhập mạnh mẽ trong học đường.
Một buổi truyền thông ngoại khóa về SKSS VTN tại trường THPT Lê Hồng Phong
Bên cạnh đó, ngành dân số huyện nhà đã phối hợp với Hội LHPN, Hội Nông dân tổ chức thành lâp nhiều CLB “Dân số & Phát triển”, CLB “ Nông dân với công tác dân số”, CLB “Gia đình không sinh con thứ 3 trở lên”,... ở các xã, thị trấn với hàng trăm hội viên là nông dân, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tham gia. Trong đó, Hội LHPN đưa chỉ tiêu chi hội phụ nữ không có người sinh con thứ 3 vào tiêu chuẩn xét thi đua hàng năm; Hội Nông dân thì chú trọng việc tư vấn về SKSS/KHHGĐ cho hội viên, góp phần lớn trong việc nâng cao nhận thức cho đối tượng. Đối với phụ nữ, họ hiểu rõ được các kiến thức về CSSKSS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, nuôi con bằng sửa mẹ,...; nam giới hiểu và cùng tham gia chia sẽ trách nhiệm với phụ nữ trong việc thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ.
Một tiểu phẩm được diễn tại hội nghị truyền thông
vì mục tiêu nâng cao chất lượng dân số tại xã Hưng Tiến
Hiện nay trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đã và đang triển khai hai đề án là “giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” và “sàng lọc trước và sau sinh”. Thông qua các hoạt động truyền thông các đề án này, đã nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi về Dân số - KHHGĐ của người thân, gia đình và cộng đồng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Dân số - KHHGĐ với các ban, ngành, đoàn thể trong thời gian qua đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các chương trình, mục tiêu dân số; tạo môi trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực và dư luận xã hội thúc đẩy mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng chủ động thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ./.
Bài và ảnh: Cao Thị Nhung
TT Dân số-KHHGĐ