[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Đảm bảo bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Vấn đề cần quan tâm

Đảm bảo bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Vấn đề cần quan tâm

Thành quả của bình đẳng giới đã góp phần rất quan trọng vào sự tiến bộ chung của nhân loại. Việt Nam là một trong những quốc gia quan tâm nhiều đến đến vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình.  Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn  2011-2020 chú trọng vấn đề bình đẳng giới: " Mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản, bao gồm cả giáo dục về bình đẳng giới", " Thực hiện toàn diện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ cho mọi đối  tượng". Các chương trình Dân số, Sức khỏe sinh sản/KHHGĐ hiện nay đều hướng đến đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ.
 Thực hiện bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình mang lại những lợi ích vô cùng thiết thực đối với bản thân, gia đình và xã hội. Cả nam và nữ đều được chăm sóc đồng bộ và toàn diện các vấn đề sức khỏe sinh sản. Được cung cấp kiến thức về dịch vụ trong lĩnh vực Dân số, Sức khỏe sinh sản/ KHHGĐ để nâng cao nhận thức và chủ động tham gia.
Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ góp phần đảm bảo
bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ. ảnh Kim Bảng
Trong các văn bản, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước ta đã quy định cụ thể những vấn đề về bình đẳng giới. Tại Pháp lệnh sửa đổi  Ðiều 10 của Pháp lệnh Dân số quy định, mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền: Quyết định về thời gian sinh con, và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng; Lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình; Ðồng thời mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ: Sử dụng các biện pháp tránh thai; Bảo vệ sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS; Thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.
Mặc dù, việc thực hiện bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản  bước đầu đã đạt những kết quả khả quan vẫn còn những thách thức đặt ra: Do quan niệm sai lệch về vai trò giới của mình, nam giới thường ít quan tâm về sinh lý và sức khỏe của bản thân bao gồm cả những vấn đề SKSS và tình dục. Phần lớn nam giới quan niệm rằng chăm sóc sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ đó là việc của phái nữ. Người phụ nữ vẫn phải chịu áp lực sinh  bằng được con trai dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.
Để bình đẳng giới thực sự phát huy hiệu quả sâu rộng đòi hỏi sự chuyển đổi nhận thức và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả xã hội và gia đình.
Các cấp, các ban ngành đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…. phối hợp chặt chẽ trong công tác Dân số- KHHGĐ. Mở rộng hoạt động truyền thông Dân số - KHHGĐ về các vấn đề về giới, giới tính, bình đẳng giới, bất bình đẳng giới nhằm thu hút sự quan tâm của nam giới và nữ giới trong việc thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ… để từ đó mỗi người có ý thức, trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới. Là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc". Thực hiện bình đẳng giới nên được đưa thành tiêu chí quan trọng trong xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khối, xóm văn hóa.
             Nam giới và nữ giới cần tham gia tích cực vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đây là một yếu tố quan trọng để đảm bảo thực hiện bình đẳng giới, tiến bộ với công bằng xã hội. Cần thu hút và khuyến khích nam giới tham gia một cách chủ động hơn nữa vào chăm sóc SKSS, có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng các BPTT. Tăng cường kỹ năng tự bảo vệ của nữ giới và trẻ em gái, giáo dục kỹ năng sống và giáo dục về giới . Chống mọi hình thức bạo hành, đặc biệt là bạo hành tình dục đối với nữ giới.
          Trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ là của mỗi cá nhân mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, các cơ quan, tổ chức, các ban ngành đoàn thể và cộng đồng xã hội. Thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giới góp phần xây dựng gia đình, quê hương no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc,  xây dựng sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ , công bằng và văn minh”. 
                                                                                       Lương Quỳnh
                                                                                                  Trung tâm Dân số- KHHGĐ Hưng Nguyên