[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Việt Nam đạt nhiều tiến bộ về bình đẳng giới

Việt Nam đạt nhiều tiến bộ về bình đẳng giới

HDI và GII
“Báo cáo phát triển con người, 2011” do UNDP công bố mới đây cho thấy, Việt Nam xếp thứ 128 trên 187 quốc gia và vùng lãnh thổ, mức trung bình trên thế giới, về chỉ số phát triển con người (HDI-Human Development Index) nhưng lại xếp thứ 48 trên thế giới về chỉ số bất bình đẳng giới (thứ hạng càng gần 0 càng thể hiện sự bình đẳng cao).
GII được tính toán dựa trên các chỉ báo: Tỷ suất chết mẹ, tỷ suất sinh của vị thành niên, tỷ lệ phần trăm phụ nữ trong cơ quan lập pháp, trình độ học vấn tính từ cấp 2 trở lên chia theo giới, tỷ lệ tham gia lao động chia theo giới, các chỉ báo về sức khoẻ sinh sản gồm tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai, tỷ lệ khám thai ít nhất một lần, tỷ lệ các trường hợp sinh có nhân viên y tế chăm sóc và chỉ số về tổng tỷ suất sinh.
Những biến chuyển GII của Việt Nam
Xu hướng GII của Việt Nam giảm liên tục từ 1995-2011. Điều đó cho thấy mức độ bình đẳng giới của Việt Nam tăng lên rõ rệt.
Biểu 1: Xu hướng GII Việt Nam, 1995-2011
Nguồn:UNDP, Báo cáo Phát triển con người 2011

So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 7/11 nếu xét về chỉ số HDI, nhưng nếu xét về chỉ số GII, Việt Nam lại đứng thứ 3, sau Singapore và Malaysia. Như vậy, có thể nói, mặc dù HDI của Việt Nam còn hạn chế so với các nước trong khu vực nhưng mức độ bình đẳng giới của Việt Nam luôn thuộc những nước hàng đầu khu vực.
Bảng 1: Xếp hạng HDI và GII của Việt Nam và các nước ASEAN, 2011


Quốc gia
Xếp hạng


Quốc gia
Xếp hạng
HDI
GII
HDI
GII
Singapore
26
8

Việt Nam
128
48
Brunei
33
(*)

Lào
138
107
Malaysia
61
43

Cambodia
139
99
Thái Lan
103
69

Timor Leste
147
(*)
Philippines
112
75

Myanmar
149
96
Indonesia
124
100

(*)
Không có số liệu

Nguồn: UNDP, Báo cáo phát triển con người, 2011
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
“Báo cáo phát triển con người năm 2011” cho biết tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan lập pháp của Việt Nam là 25,8%. Theo Tổ chức Liên minh Nghị viện thế giới (Inter-Parliamentary Union), Việt Nam đứng thứ 40 trong tổng số 188 nước trên thế giới về tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan lập pháp (số liệu tính đến ngày 30/11/2011 trên cơ sở báo cáo của cơ quan lập pháp các nước). So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 3, sau Timor Leste và Lào.
Trang tin Nhóm Nữ nghị sỹ Việt Nam (thuộc Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) và website Quốc hội cho biết, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội liên tục tăng lên trong thời gian qua và duy trì ở mức cao. Tỷ lệ này đã tăng từ 3% (Quốc hội khoá I từ 1946-1960) đến trên 24% Quốc hội khoá XIII (2011-2016).
Biểu 2: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá I-XIII
Nguồn: Quốc hội Việt Nam, www.na.gov.vn
Không chỉ chiếm tỷ lệ cao trong cơ quan lập pháp, phụ nữ Việt Nam còn tham gia, nắm giữ những vị trí quan trọng và đóng góp tích cực trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp… Phụ nữ Việt Nam cũng có một tổ chức chính trị riêng của mình đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được ra đời (ngày 20/10/1930) từ trước cách mạng Tháng 8 năm 1945 hoạt động vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Tổ chức này với hàng chục triệu hội viên hoạt động rộng khắp trên cả nước từ trung ương đến địa phương và tận các thôn, buôn, sóc, bản, làng.
Bình đẳng giới trong các lĩnh vực xã hội
Theo “Báo cáo phát triển con người, 2011”, trình độ học vấn của phụ nữ Việt Nam (từ 25 tuổi trở lên) đã hoàn thành chương trình giáo dục cấp 2 trở lên là 24,7% so với 28% là của nam giới. Như vậy, mức độ chênh lệch giữa nam và nữ về giáo dục ở nước ta không nhiều. Theo Điều tra biến động DS-KHHGĐ 2011, tỷ lệ biết chữ của nam giới là 96,2% và của nữ giới là 92,2% (từ 15 tuổi trở lên). Cứ 100 cử nhân có 36 nữ, 100 thạc sĩ có 34 nữ, 100 tiến sĩ có 24 nữ. Để tôn vinh các nhà khoa học nữ, 25 năm qua, giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành một giải uy tín lớn trong giới khoa học Việt Nam được trao cho hàng chục cá nhân, tập thể. Từ năm 2002, Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ “Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam” nhằm khuyến khích và tôn vinh phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực. Việc phụ nữ có học vấn sẽ mở ra các cơ hội cho họ về việc làm, thu nhập, tiếp cận y tế, KHHGĐ, tham gia lĩnh vực chính trị…
Theo UNDP, tỷ lệ nữ tham gia lao động của Việt Nam là 68% và nam giới là 76%. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2009, tỷ lệ nữ tham gia lao động là 46,6% trong tổng số lao động, gần bằng nam giới. Đáng chú ý là báo cáo “Bình đẳng giới và Phát triển” của Ngân hàng Thế giới được công bố mới đây thì tỷ lệ phụ nữ (30%) tham gia lao động trong lĩnh vực dịch vụ lại cao hơn nam giới (26%). Có trên 20% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam do phụ nữ làm chủ, chủ yếu thuộc về khu vực thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản. Nhiều tấm gương phụ nữ trẻ làm kinh tế giỏi không những chỉ làm giàu cho bản thân mà còn đóng góp được nhiều cho xã hội. Theo UNDP thì tại Việt Nam nếu nam giới kiếm được 1$ thì nữ giới sẽ kiếm được 0,69$ (số liệu năm 2007). Điều này khác xa so với nhiều nước trên thế giới. Khi phụ nữ có việc làm, họ sẽ có thu nhập và mang đến sự tự chủ về kinh tế, sự chia sẻ các quyết định trong gia đình và các cơ hội bình đẳng hơn đối với phụ nữ.
Điều tra Dân số-KHHGĐ 1/4/2011 của TCTK cho thấy tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của phụ nữ 15-49 tuổi năm 2011 là 78,2%, trong đó các biện pháp tránh thai hiện đại là 68,6%; tổng tỷ suất sinh là 1,99 con. Tỷ lệ các bà mẹ khám thai từ 3 lần trở lên trong thời kỳ mang thai là 76%. Nếu theo tiêu chí của UNDP (ít nhất 1 lần khám thai) thì tỷ lệ này của Việt Nam là 93,8%. Thành công của chương trình DS-KHHGĐ trong thời gian qua đã mang đến nhiều cơ hội lớn cho phụ nữ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các quyền, dịch vụ về y tế-dân số-KHHGĐ. Cũng theo TCTK, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi năm 2011 của Việt Nam là 15,%o. Theo WHO và UNDP thì tỷ suất chết bà mẹ của Việt Nam là 56 (trên 100,000 trẻ sinh ra sống). Số trường hợp sinh có sự giúp đỡ của cán bộ y tế là 88%. Mức chết giảm cùng với việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế và điều kiện kinh tế xã hội của đất nước tốt hơn đã làm tuổi thọ của người dân ngày một tăng, trong đó, tuổi thọ của phụ nữ luôn cao hơn nam giới. Năm 2011 thì tuổi thọ của phụ nữ Việt Nam hiện nay là 76 và nam giới là 70 tuổi [PRB, World population data sheet 2011].
Với truyền thống tốt đẹp và những phẩm chất quý báu của phụ nữ Việt Nam, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế người phụ nữ.
ThS. Lương Quang Đảng-Tổng cục Dân số-KHHGĐ