Theo thống kê mới đây, tại các đô thị
lớn Việt Nam, có đến 30 - 40% các gia đình lâm vào cảnh cơm hàng cháo chợ. Gia đình
hiện đại, cung cách người "nội tướng" chăm sóc gia đình cũng khác
trước và cách chúng ta cảm nhận hạnh phúc qua bữa cơm gia đình cũng khác.
Đa số các ông chồng ngày nay khi được
hỏi về chuyện bữa cơm gia đình đều rất thoải mái: bữa cơm gia đình quan trọng
nhưng không đến mức... trầm trọng. Nghĩa là một tuần không ăn cơm nhà vài ba
hôm là chuyện bình thường. Nếu vợ bận việc không nấu cơm cũng chẳng sao! Ngay
đầu hẻm ê hề hàng quán, bố con kéo nhau ra đó 15 phút là căng dạ dày!
Có những người vì công việc nên chỉ ăn ở
nhà vào chủ nhật, nghĩa là chỉ 4 ngày một tháng. Việc trụ cột gia đình vắng mặt
trong bữa cơm đồng nghĩa với sự nguội lạnh trong các sinh hoạt khác của gia
đình: chơi và trò chuyện với con, dạy con học hành.
Ngoài việc là lúc sum họp của gia đình,
bữa ăn còn là lúc để hướng con trẻ cách sống, đạo đức. Dạy lớp trẻ về ăn uống
là truyền thụ cho chúng cả một nền văn hóa.
Ảnh minh họa |
Trong cách ăn, người Việt ta ăn tế nhị,
ăn lễ phép. Câu "ăn trông nồi ngồi trông hướng" đã nói lên tất cả
điều đó. Bưng bát cơm lên người dưới phải lễ phép mời người trên, cách ngồi cũng
theo thứ tự trên dưới. Người Việt biết "nhịn miệng đãi khách". Cách
ăn của ta còn là ăn cộng đồng: không phải là cách ăn cá biệt cá nhân, mỗi người
một chén cơm nhưng có một chén canh, chén nước mắm... ở giữa.
Các gia đình người Việt ở nước ngoài đã
thích nghi với fastfood. Khi nói về ẩm thực, nhiều bạn trẻ tỏ ra ngỡ ngàng. Họ
chỉ ăn cho mau chứ không biết ăn ngon, việc nấu nướng tại nhà đã thành xa lạ.
Nếp sống gia đình truyền thống bị phá vỡ và đó là xu hướng chung. Trong khi đó,
có nhiều gia đình giàu có bắt đầu dạy con cách nấu nướng, ăn uống theo truyền
thống. Chẳng phải vì "phú quý sinh lễ nghĩa", mà cần phải cho lớp trẻ
hiểu về sự quan trọng của ẩm thực, của bữa cơm gia đình. Vì đó là truyền thống
văn hóa. Nói cho hiểu, hiểu rồi mới quý, mới biết trân trọng những giá trị
truyền thống văn hóa ông cha để lại. Cũng là cách giữ gìn hạnh phúc cho mái ấm
gia đình".
Chính vì thế, tiếp tục chủ đề “Bữa cơm
gia đình ấm áp yêu thương” Ngày Gia đình
Việt Nam 2014; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch tổ chức các
hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2015.
Chủ đề của chương trình là “Bữa
cơm gia đình ấm áp yêu thương” với ý nghĩa nhằm trân trọng những giây
phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm
và nêu cao những giá trị vô giá của gia đình, đó là tình cảm của ông bà, cha
mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, tôn kính bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc
con trẻ. “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” gắn với chủ đề truyền thông
về công tác Gia đình năm 2015 là “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục
đạo đức, lối sống trong gia đình”.
Các hoạt động sẽ gửi đến các thông điệp
truyền thông: Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Bữa cơm gia đình ấm áp yêu
thương; Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân
tộc; Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia
đình; Gia đình là tế bào của xã hội, thành trì của Tổ quốc; Xây dựng môi trường
văn hóa gia đình – cộng đồng – xã hội lành mạnh.
Thời gian tuyên truyền, vận động các gia
đình tổ chức thực hiện bữa cơm trên toàn
quốc vào ngày chủ nhật 28/6/2015; giờ chung là từ 17h – 19h; tùy vào điều
kiện của từng gia đình, cơ quan, đơn vị để tổ chức phù hợp.
KB-TTDSHN