Trong xã hội cũ từng tồn tại quan niệm
"Trời sinh voi, trời sinh cỏ", "Thêm con, thêm của". Quan
niệm đó đã khiến gia đình đẻ rất nhiều con, làm cho dân số trái đất tăng mạnh,
hiện nay đã đạt tới 6 tỉ người. Người sinh nhưng đất không sinh thêm. Không
những thế đất màu mỡ để trồng cây nông nghiệp còn giảm đi nhanh chóng. Vì con
người không chỉ cần có cái ăn. Xã hội phát triển, con người cần có đủ chỗ để ở,
nhu cầu về chỗ vui chơi giải trí, đường đi, trường học, bệnh viện cũng tăng
lên, do đó cần đến đất cho xây dựng. Xã hội tiến lên con người cần có nhiều
hàng hoá với chất lượng cao hơn. Tiêu thụ trên đầu người tăng mạnh, trong khi
đó nhiều loại tài nguyên khoáng sản không sinh mới được, nên cạn kiệt dần. Dân
số tăng, sản xuất phát triển làm tăng lượng chất thải ra môi trường, làm suy
thoái và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trong mỗi gia đình, khả năng lao động là
có hạn. Nếu mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con và không đẻ quá sớm hoặc quá muộn,
thì dưới mỗi mái nhà thường chỉ có thể có đến ba thế hệ: ông bà, bố mẹ và hai
con. Sản phẩm lao động được chia sẻ cho 6 người. Cuộc sống sẽ đầy đủ, sung túc,
có phần dư dật để xây nhà, mua tivi, tủ lạnh..., đi du lịch, nghỉ mát... Thời
gian bố mẹ dành cho việc học hành, vui chơi của con cái cũng nhiều lên. Những
người con như thế có đầy đủ điều kiện để khoẻ mạnh, học tốt, lớn lên thành
người tài giỏi. Chỉ cần gia đình có thêm một em bé là kinh tế sẽ khó khăn hơn.
Thời gian và những sự âu yếm, ân cần của bố mẹ dành cho các con lớn giảm đi. Sự
vất vả thiếu thốn làm cho người lớn chóng già yếu hơn, trẻ em chịu nhiều thiệt
thòi hơn, môi trường xung quanh ít được quan tâm hơn. Nếu gia đình lại có tới 5
- 7 người con, thì mỗi đứa con không chỉ được hưởng thụ ít hơn, mà còn phải lao
động nhiều hơn may ra mới đủ ăn đủ mặc, học hành.
Trong xã hội cũng như vậy. Người tăng
nhưng đất không tăng, khả năng sản xuất của trái đất là có hạn, khả năng của
môi trường chịu đựng những tác động của con người cũng là có hạn. Nếu ngày hôm
nay chúng ta khai thác đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi
trường, thì không chỉ chúng ta, mà cả các thế hệ con cháu chúng ta trong tương
lai sẽ không còn gì để sống và phát triển.
Theo các nhà khoa học thì chiến tranh,
đói kém, dịch bệnh, suy thoái môi trường, xét cho cùng, đều bắt nguồn từ tăng
dân số. Thật vậy, dân số tăng dễ dẫn đến khai thác tài nguyên cạn kiệt. Và khi
tài nguyên không đủ chi dùng, người ta bắt đầu tìm kiếm chúng ở ngoài phạm vi
sở hữu của mình, dẫn tới tranh giành, đánh nhau. Dân số đông, khó phát triển
dân trí và kinh tế, đời sống đói nghèo, lạc hậu, người ta rất dễ vì cái ăn mà
phá huỷ môi trường, vì một cây mà chặt phá cả rừng. Nghèo đói thường đi liền
với mất vệ sinh, thiếu phòng bệnh, nên dễ ốm đau. Dịch bệnh phát ra mà không có
tiền và biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn thì sẽ lây lan nhanh chóng. Nghèo khó
cũng dẫn đến hạn chế trong việc lựa chọn các công nghệ mang tính bảo vệ môi
trường cao, làm cho môi trường dễ bị ô nhiễm hơn.
Nếu cứ theo đà phát triển hiện nay, dân
số thế giới sẽ nhanh chóng đạt tới 10 tỷ và hơn nữa. Một trái đất nuôi hơn 6 tỷ
người hiện nay còn khó khăn, môi trường còn bị suy thoái, thì làm sao nó có thể
chịu đựng được trên 10 tỷ người với mức tiêu thụ chắc chắn là cao hơn hiện tại.
KB-TTDSHN