“Đáng buồn thay cho bố mẹ các chị, có con gái mà không biết dạy dỗ cái gọi là nữ công gia chánh của đàn bà. Để về nhà chồng quen kiểu “sướng mãi quen rồi khổ chẳng chịu được”.
Các nàng dâu thời nay luôn tự hào vỗ ngực mình có học, hiểu chuyện. Nhưng mọi hành động của các nàng chỉ thể hiện cái lỗ hổng văn hóa, sự thiếu hụt về ý thức trầm trọng của mình.
Ảnh minh họa |
Tết nhất là dịp mà cả năm mới có một lần để cả gia đình đoàn tụ. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, lấy chồng phải sắm sang lo toan cho gia đình chồng là chyện đương nhiên. Có vậy thôi mà mở miệng ra là các nàng cứ phải kể khổ kể nhục. Tôi là phụ nữ và tôi thấy xấu hổ thay cho những người cùng cảnh làm dâu.
Các nàng kêu phải làm việc quần quật đầu tắt mặt tối lo nấu nướng dọn dẹp rồi thế nọ thế kia. Thế không lẽ khi chưa lấy chồng, tết nhất các chị không phải lo toan giúp bố mẹ đẻ mình? Nếu sự thật là thế thì đáng buồn thay cho bố mẹ các chị, có con gái mà không biết dạy dỗ cái gọi là nữ công gia chánh của đàn bà. Để về nhà chồng quen kiểu “sướng mãi quen rồi khổ chẳng chịu được”. Nào là sợ tết, ghét tết, nhục vì tết. Không lẽ phục vụ chồng con, làm vui lòng nhà chồng là điều nhục nhã?
Tôi nghĩ bố mẹ chồng nào cũng thế, hi sinh nuôi nấng con nên người rồi lo chuyện vợ con cho nó. Cũng chẳng mong mỏi đền đáp gì, nhưng cụ nào chả muốn có con trai hiếu thảo, con dâu tốt nết. Chỉ cần con dâu có tấm lòng thì các cụ cũng đủ mát lòng mát dạ. Không có các cụ sao có chồng mình, sao có con cho mình bồng ẵm. Ấy thế mà cái đạo đức đơn giản đó có mấy người làm dâu thời nay suy ngẫm và hiểu được.
Chồng các chị xa bố mẹ cả năm trời, chỉ có dịp tết để tỏ lòng báo hiếu. Lẽ ra phận làm vợ phải hiểu điều đó mà thay chồng gánh vác lo toan, lấy đó làm dịp để thể hiện bổn phận dâu con của mình. Thể hiện rằng mình là phụ nữ được giáo dục đàng hoàng, biết đối nhân xử thế. Gia đình họ hàng nhà chồng cũng chẳng mong gì nhiều ở các chị đâu. “Không cô thì chợ vẫn đông”, cứ làm như “không có một tay bà đây lo toan thì cả họ nhà chồng nhin đói” không bằng.
Thử hỏi trước các chị chưa về làm dâu thì nhà chồng chắc không có tết. Cái mà họ muốn là để xem con trai họ, cháu trai họ đã lấy được người vợ tốt như thế nào.
Đừng có mạnh miệng mà bảo rằng 100% phận làm dâu đều kêu khổ vì tết nhà chồng. Vì ít nhất nhà tôi có mẹ và hai chị em tôi đều cảnh làm dâu mà chưa bao giờ kêu ca phàn nàn. Chúng tôi được mẹ giáo dục dạy dỗ tử tế, đủ để hiểu người con dâu có giáo dục là người như thế nào. Chỉ vì những “con sâu làm rầu nồi canh” như mấy nàng dâu sợ tết các nàng khiến phẩm chất phụ nữ truyền thống chúng tôi hoen ố.
Nếu không hiểu được dạy dỗ để hiểu bốn chữ “công_dung_ngôn_hạnh” thì các nàng hãy nhớ một điều đơn giản: Làm việc gì con người ta cũng cần có cái tâm. Được tề gia nội trợ lo toan việc nhà chồng là hạnh phúc với phụ nữ chúng ta rồi. Đừng nghĩ thế là khổ, nhà chồng ngồi đấy đợi các chị bưng mâm cỗ lên mà cái mặt dày như bánh chưng thì có ngon mấy cũng chả xơi được đâu.
Thế nên đừng có kêu nữa, thay vì đó là ghi nhớ câu “việc mình không thích thì đừng làm cho người khác”. Cứ sống thật với bản chất lười biếng, quen hưởng thụ của mình đi. Không việc gì phải gắng gượng giả tạo ra đều dâu tốt, dâu đảm để rồi kêu than. Thiên hạ chẳng ai khen hay thương hại đâu mà chỉ cười vào mặt. Cười vào cái sự giả tạo lố bịch của những nàng dâu thời hiện đại sợ tết: thiếu văn hóa trầm trọng nhưng đang cố chứng tỏ sự có giáo dục của mình.
Thanh Hoa (thanhhoa146@....mail.com)
Nguồn:http://vietnamnet.vn