Mừng Đảng ta sắp tròn 85 tuổi, mừng Xuân Ất Mùi 2015 sắp đến, nhưng vẫn còn đó canh cánh 4 nỗi lo lớn là tâm tư của không chỉ riêng ai.
Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2015), phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng để đánh giá về những thành tựu đã đạt được của Đảng ta qua việc thực hiện các các nghị quyết Trung ương trong suốt những năm qua và những tồn tại, hạn chế chúng ta còn phải băn khoăn, trăn trở.
Nói về những thực trạng còn tồn tại nhiều mặt hạn chế hiện nay, ông Hùng cho biết, tại các diễn đàn của Quốc hội, các cuộc họp của Trung ương hay trong các báo cáo của Chính phủ đều đã đề cập tới vấn nạn tham nhũng và thực tế cho thấy tham nhũng đủ loại vẫn còn tràn lan, chưa thể dẹp bỏ, đẩy lùi được.
“Lãng phí, báo chí cũng đã đề cập tới nhiều. Từ hội hè cho tới các công trình treo, những dự án họ làm không có tính toán,
Tội phạm, nghiện hút ngày càng lộng hành, đặc biệt ở TP. HCM. Cùng với đó là nạn cướp của, giết người, tai nạn giao thông ngày càng tăng…
Tiêu cực dễ nhận thấy ở việc nhiều người không chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, sống mất trật tự, quan chức tiêu cực, quan liêu, xa dân, không chịu giải quyết khiếu nại của dân…Ngoài ra, trong số các cán bộ, đảng viên có không ít người làm việc hời hợt, lười biếng, hiệu quả thấp, lại có thái độ hững hờ với dân”, ông Hùng quan ngại.
Theo đánh giá của ông, trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, việc triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết của Trung ương đã mang lại những kết quả gì?
Sau đại hội này, về mọi mặt, chúng ta vẫn giữ được ổn định. Chẳng hạn, giá cả thị trường đã có phần bình ổn, lạm phát không còn quá nặng nề, công ăn việc làm của người dân cũng dần ổn định hơn, giáo dục cũng đang triển khai nghị quyết cải cách, đổi mới cơ bản và toàn diện…
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ thế giới nên kinh tế của ta còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù chúng ta đã chỉ rõ các yếu kém và quyết tâm xóa bỏ chúng, nhưng từ quyết tâm đến hành động còn có khoảng cách, có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào mọi đảng viên, mọi cán bộ chứ không chỉ phụ thuộc vào các nghị quyết của Trung ương. Đảng cũng đã thấy rõ điều đó và quyết tâm sửa chữa nó.
Ngoài ra, nhìn lại 85 năm qua kể từ ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2015), ông còn băn khoăn, trăn trở nào không?
85 năm qua, trong suốt quá trình hoạt động của mình, Đảng đã chứng tỏ sự trung thành với Tổ quốc, dân tộc, khẳng định Đảng là của Nhân dân. Không chỉ lãnh đạo Nhân dân đứng lên đấu tranh giành thắng lợi vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ, Pháp, Đảng còn phát huy tốt vai trò lãnh đạo của mình trong thời bình.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã tự giải phóng cho mình, từ một nước thuộc địa trở thành nước độc lập và ngày càng trở lên giàu mạnh.
Thế nhưng, bên cạnh các nghị quyết về kinh tế, xã hội, Đảng cũng đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết TW 4 nhiệm kỳ đại hội lần thứ XI – chỉ ra những yếu kém trong nội bộ Đảng và Nghị quyết 6 lần 2 của nhiệm kỳ đại hội VIII – về đổi mới, chỉnh đốn, củng cố Đảng. Điều tôi lo ngại hơn cả là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, biến chất.
Theo ông, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã mang lại kết quả như mong muốn chưa?
Nghị quyết này khi triển khai đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng chưa được như mong đợi. Cụ thể, chúng ta chưa chỉ rõ được một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất là những ai để công khai cho dân biết. Những tệ nạn như quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra hàng ngày. Đáng buồn là trong các hội nghị cũng đã đề cập tới vấn đề đó chứ không còn là ý kiến, quan điểm của một cá nhân nào nữa.
Tự phê bình và phê bình là một quy luật để phát triển Đảng, nhưng việc đó chưa được thực hiện nghiêm túc. Nếu cứ tiến hành theo kiểu cũ thì sẽ mang lại hiệu quả thấp. Nên nhớ tự phê bình, phê bình không phải là hình thức kỷ luật mà đó là cách làm rõ đúng sai trong nội bộ. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của việc này, cùng với phê bình, tự phê bình, phải có ý kiến của nhân dân chứ không nên chỉ xử lý nội bộ. Nói cách khác, cần công khai công việc của cán bộ, đảng viên cho dân biết.
Các cơ quan trong sạch, vững mạnh như Ủy ban kiểm tra các cấp cũng phải thường xuyên giám sát, nhận xét cán bộ, chỉ cho cán bộ thấy những sai sót của mình để họ khắc phục.
Năm 2015 có ý nghĩa quyết định hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Tuy nhiên, Đảng ta đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào thưa ông?
Trước hết là các thách thức trong mối quan hệ với Trung Quốc. Đảng ta luôn có chủ trương hòa hiếu với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của mỗi dân tộc. Trung Quốc là đất nước núi liền núi, sông liền sông với chúng ta, ta cũng luôn có chủ trương hữu nghị với Trung Quốc, nhưng không bao giờ chúng ta để Trung Quốc lấn tới, xâm phạm chủ quyền hay có những hành động làm hại đất nước ta.
Ngoài ra, có một khó khăn khác nữa là phải làm thế nào để phát triển nền kinh tế của ta hơn nữa. Cùng với đó, cũng phải phấn đấu để ta mạnh hơn về quân sự…
Khó khăn lớn nhất có lẽ là làm thế nào để xây dựng, giữ vững được khối đoàn kết toàn dân tộc; làm cho việc an sinh xã hội, an ninh chính trị – xã hội tốt hơn nữa.
Thời gian tới, Đảng cần làm gì để ngày càng trong sạch vững mạnh, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc thưa ông?
Tôi nghĩ các nghị quyết của Đảng đã chỉ ra rồi. Các nghị quyết đó cũng đã được cụ thể hóa. Nhưng nên nhớ quá trình chuẩn bị cho đại hội là quá trình hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Do vậy, mọi đảng viên phải làm việc tốt hơn, phải đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí…và phải tích cực tham gia vào việc thảo luận mọi nghị quyết của Đảng để phát huy trí tuệ của toàn Đảng.
Hơn nữa, Đảng cần chọn được những cán bộ tiêu biểu, những con người trong sạch, liêm khiết, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân và có đủ tầm để lãnh đạo nhân dân từ cơ sở đến trung ương.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Giáo Dục)