GiadinhNet - Để chọn được món quà Tết biếu bố mẹ hai bên gia đình
không hề dễ dàng chút nào. Điều đó đã làm không ít các cặp vợ chồng nảy sinh
mâu thuẫn trầm trọng. Nếu gia đình bạn ở trong tình cảnh này, bạn có thể tham
khảo một số mẹo dưới đây để tránh xung đột
Vợ chồng nên bàn bạc trước khi mua quà biếu hai bên nội - ngoại (ảnh chỉ mang tính minh họa không liên quan đến bài viết). Ảnh: T.L |
Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết nhưng vợ chồng chị Lan (ở Đông Anh, Hà Nội) đã lên danh sách mua quà biếu nội – ngoại. Thậm chí, Chủ nhật tuần trước, hai vợ chồng chị Lan còn vào thành phố chọn quà cả ngày, hy vọng mua trước vừa rẻ, vừa chọn được đồ ưng ý chứ không chờ cận Tết mới mua ào ào. Nhưng thứ thích thì quá đắt, thứ rẻ tiền thì không muốn mua nên vợ chồng lại về không. Chị Lan cứ than thở chuyện tiền nong eo hẹp, không đủ mua quà Tết. Anh chồng đang bù đầu chạy việc cuối năm nên nhăn nhó bảo nghèo thì biếu quà ít tiền, sao cứ tự làm khổ mình thế! Hôm trước đã đi cả ngày rồi, để thời gian làm việc kiếm tiền tiêu Tết. Thế là chị Lan giận dỗi: “Việc ai người ấy lo, nội - ngoại kệ…", rồi vứt tiền dự định mua quà biếu hai bên trước mặt chồng.
Nhà anh Cường (ở đường Bưởi, Hà Nội) cũng xảy ra chiến tranh lạnh vì vợ khéo tay, muốn tiết kiệm làm bánh, mứt để chồng đi biếu nội - ngoại và cả bạn bè. Anh ngỡ chị bán trên mạng, nên khuyến khích chị làm nhiều. Tới khi chị đóng gói đùm, gói bọc bảo để dành Tết anh mang đi biếu thì anh giãy nảy, quà biếu giờ tràn ngập, mẫu mã đẹp, ngon mắt mấy ai thích đồ tự làm! Thế là vợ đùng đùng ném tất cả vào thùng rác. Cả nhà náo loạn, con cái khiếp vía vì bố mẹ giận dữ.
Nhà Thảo – Việt (ở Long Biên, Hà Nội) năm ngoái cãi nhau suýt ly dị vì quà Tết, do Việt mua giỏ quà gần 1 triệu đồng đi Tết… bố mẹ người yêu cũ mà không bàn với vợ. Anh lại còn chối khi bị phát hiện, tới khi chị dọa làm cho ra nhẽ anh mới nhận lỗi. Chị Thảo bớt hậm hực, nhưng sau đó động một chút là chị móc máy chồng biếu quà Tết bố mẹ vợ hụt, rồi cãi nhau vặt liên tục, đỉnh điểm là chị ném cả cái laptop vào chồng vỡ tan… Và họ đâm đơn ly dị.
Nhiều mẹo “tàu ngầm”
Về kinh nghiệm “quà Tết nội- ngoại”, anh Minh (ở Đặng Tiến Đông, Hà Nội) chia sẻ, anh thường mua đủ quà Tết theo danh sách chi tiết của vợ, rồi mới mua quà riêng. Như năm nay anh sẽ mua tivi Plasma, đính kèm phong bì thư với nội dung: “Con biếu riêng cho bố xem Tết. Cái này của con chứ không phải vợ chồng con!”. Anh chia sẻ, năm nào ngoài quà công khai anh đều lén bổ sung và dặn kỹ các cụ đừng khoe, kẻo dâu tuy hiền, nhưng biết chuyện thì cũng… không hay. Anh có kinh nghiệm đó là vì… sự cố năm kia về quê vợ, khi sang chúc Tết thì bà dì vui miệng cảm ơn: “Cái nệm của vợ chồng bây nằm thích lắm”. Mà cái nệm đó thì… không có trong danh sách "công khai". Lúc đó anh nhìn vợ… cười, còn vợ anh thì đỏ cả mặt… đến tội.
Chị Trang (ở Hà Đông, Hà Nội) cũng đã nổi giận vì phát hiện chồng lén đưa thêm tiền cho mẹ đẻ. Tết nào nhà chị cũng về nhà chồng vì có gia đình chị gái chồng ở nước ngoài về sum họp. Chị “biết điều”, nên luôn mua thêm đồ ăn và tiền mừng Tết cao hơn vài triệu so với nhà ngoại. Nhưng năm nay biếu bố mẹ chồng buổi sáng, thì buổi tối mẹ chồng vui vẻ cảm ơn vì “hai con cho mẹ thêm 5 triệu đồng”, rồi tấm tắc vui vẻ vì hai con năm nay làm ăn tốt. Chị cười trừ, tối đó cố tình hỏi xem anh có chi thêm khoản nào không thì anh giấu nhẹm chuyện đưa thêm tiền cho mẹ. Thế là chị làm um lên, bởi đã biếu ông bà nội nhiều hơn bên ngoại, còn biếu thêm. Không phải chị so đo tính toán chồng báo hiếu, quan tâm tới bố mẹ đẻ, nhưng ấm ức vì chồng biếu riêng nhỡ bố mẹ chồng biết sẽ hiểu lầm con dâu thế nào?
Nhà chị Cẩm Hà (ở Đội Cấn – Hà Nội) tâm sự, nhà chồng ở xa, mỗi lần cả nhà về quê nội “mất” cả chiếc xe máy. Năm nay khó khăn nên Tết này chồng “đại diện” về quê nội. Nhưng nước mắt chảy xuôi. Hồi giữa năm đi công tác chị ghé quê ngoại, thấy chị nhặt rau, bỏ cả những lá già vào rổ, mẹ đẻ tinh ý nhận ra ngay là gia đình chị đang gặp khó khăn… Mẹ lẳng lặng làm quà những thứ “cây nhà lá vườn” cho con mang đi, còn dặn Tết này đừng gửi tiền và quà Tết về nữa, mẹ có con dâu lo rồi. Nghe mẹ nói mà thương mẹ đứt ruột.
Theo Chuyên gia tư vấn Trung Kiên (Trung tâm Tư vấn hôn nhân gia đình), Trung tâm đã tư vấn nhiều ca dở khóc dở cười về chuyện đi biếu quà Tết nội - ngoại, có cặp giận nhau cả tháng Tết. Để tránh mâu thuẫn, ấm ức, cãi nhau dịp Tết, hai vợ chồng nên bàn bạc rõ ràng, đừng tự ý quyết định một mình vì ai cũng muốn thể hiện với bố mẹ hai bên. Quà không cần đắt tiền mới quý, mà quan trọng là quà có giá trị sử dụng đối với người được tặng. Đầu tiên phải cân nhắc tài chính, rồi tới sở thích của người được tặng quà. Ngoài ra cũng tùy điều kiện kinh tế của hai bên cha mẹ mà cân nhắc. Chẳng hạn cha mẹ bên nào kinh tế khá hơn thì có thể biếu ít hơn và ngược lại.
Biếu bố mẹ quà Tết nhằm thắt chặt tình thân cha mẹ với dâu, rể, con, cháu, mong năm mới an nhiên hạnh phúc, còn có ý nghĩa nhân văn là thể hiện lòng thành kính, sự tôn trọng và biết ơn đấng sinh thành, dưỡng dục. Không nên vì “quà biếu” mà gây áp lực hoặc làm mất đi tình cảm vợ chồng. Nếu lỡ xảy ra chuyện thì Tết đến, xuân về hai người hãy nhanh chóng tha thứ và bỏ qua cho nhau, đừng nâng cao quan điểm biếu gia đình mình ít hơn là do chồng, vợ không coi trọng bên nhà mình sẽ khiến cả hai đều thấy tổn thương và áp lực.
Hà Dương
Nguồn:http://giadinh.net.vn/