[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Chuẩn bị cho con lần đầu đến trường

Chuẩn bị cho con lần đầu đến trường

Một số kỹ năng cho con trước khi đi mẫu giáo

Dù đã đến tuổi được nhận vào trường mẫu giáo, các bậc cha mẹ cũng nên nhận biết liệu con mình đã thực sự sẵn sàng đến trường mẫu giáo hay chưa. Vì nếu chưa chuẩn bị được tâm lý và thể chất cho con, trẻ sẽ không thể nắm bắt được tối đa những gì cô giáo dạy ở trường cũng như sẽ thiếu kỹ năng giao tiếp, sống tập thể.
Trong số các vấn đề mà bố mẹ phải nhận biết cho trẻ trước tuổi đi học đó là: trẻ có bị suy dinh dưỡng (do chế độ ăn uống sai hay nghèo nàn của bố mẹ ở nhà) hay không, có hiếu động thái quá, có bị nhẹ cân, chậm nói, hoặc thiếu sự giáo dục của cha mẹ về kỹ năng hay không... 
Tuy nhiên, nếu bạn không trải qua một số vấn đề như được đề cập ở trên, hãy chuẩn bị để giúp đỡ trẻ trước khi bé đi học. Là bố mẹ, hãy thực hiện các bước chuẩn bị từ trước đó khá lâu để hỗ trợ con bạn. 
Khuyến khích phát triển các kỹ năng cơ bản của con bạn. Cách phát triển các kỹ năng cơ bản này là giúp trẻ nhận biết các chữ cái, chữ số và màu sắc. Bạn có thể sử dụng các đạo cụ đơn giản và hấp dẫn để dạy con. Sau đó, hãy dạy cho con tự giới thiệu mình bằng cách nói tên, địa chỉ, tên bố mẹ và số điện thoại liên lạc... 
Xây dựng thói quen đọc sách, ca hát, và chơi của con. Hãy bắt đầu thói quen đọc chuyện cổ tích từ khi con mới biết đi. Khi đi ngủ là thời điểm thích hợp để bạn thiết lập thói quen tốt này cho con, tất nhiên bạn là người đọc và truyền đạt tình cảm của câu chuyện cho con. Ngoài ra, bày cho trẻ hát theo khi bạn sử dụng các thiết bị âm thanh... Phương pháp này giúp con bạn phát triển khả năng ngôn ngữ. 
Hạn chế thời gian xem truyền hình. Bằng cách giảm thời gian xem truyền hình, con bạn có thể dành thời gian vừa học vừa chơi ở nhà để chuẩn bị bước vào thế giới học đường. 
Khuyến khích con học hỏi từ môi trường xung quanh. Kinh nghiệm tốt nhất là đưa ra các bài học, kể cả đối với trẻ em tuổi mầm non. Mở rộng chân trời hiểu biết của con thông qua các hoạt động liên quan đến thế giới mầm non. Hoặc, mời con bạn tới thăm bảo tàng hoặc các hoạt động khác có thể cho con những kinh nghiệm mới và gặp gỡ với những người bạn cùng trang lứa với con. 
Trợ giúp con khả năng giao tiếp. Kỹ năng xã hội cần được phải đào tạo. Con bạn cũng vậy, hãy hỗ trợ và khuyến khích trẻ giao tiếp với bạn bè, người lớn tuổi. Khuyến khích con chơi với cả bạn bè nam và bạn bè nữ.


"Đào tạo kỹ năng đi vệ sinh- Toilet training". Đừng chỉ dựa vào quần tã hay bỉm, hãy bày cho con biết cách đi vệ sinh. Dạy con cách đi tiểu hoặc đi vệ sinh trong nhà vệ sinh như thế nào. Càng quen với việc này, trẻ càng có thể tự lập và vững vàng hơn khi đi vệ sinh mà không có sự trợ giúp của giáo viên. 
Tạo thói quen. Thế giới sẽ thay đổi một đứa trẻ nhập trường. Nếu thông thường, khi ở nhà trẻ thường tự do chơi đồ chơi của mình mà không ai tranh giành, không bị giới hạn thời gian thì đây là lúc thói quen mới được thực hiện. Hãy bắt đầu bằng cách tạo ra 1 thời gian biểu để luyện thói quen hàng ngày cho con, chẳng hạn như việc ăn, chơi và ngủ. Tuân thủ thời gian biểu như này, trẻ sẽ học được cách thích nghi với các thói quen mới. 
Giữ sức khỏe của con bạn. Hãy chắc chắn rằng con bạn ăn uống đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, vệ sinh sạch sẽ, vì trường học là nơi lây lan các mầm bệnh ở trẻ em nhanh hơn môi trường ở nhà. Ngoài ra, hãy kiểm tra sức khỏe định kỳ để tạo thói quen kiểm soát sức khỏe của con em bạn.

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ đi mẫu giáo

Các bà mẹ đều than phiền về việc con khóc quá nhiều, biếng ăn, hay ốm khi bắt đầu đi học mẫu giáo. Việc làm quen với môi trường mới là thử thách rất lớn với bé. 
Con gái tròn 30 tháng tuổi, chị Hiền ở quận Cầu Giấy, bắt đầu cho đi học. Những tuần đầu, bé khóc rất  nhiều, khi về nhà cũng hay quấy khóc, dỗi hờn. Trước đó, bé ngủ riêng, nay nhất định đòi nằm cùng bố mẹ. Buổi sáng lúc tỉnh dậy, câu đầu tiên bé nói là "con không đi học đâu". Do khóc nhiều, bé bị ốm, lại phải nghỉ học. 
Còn con chị Hoa buổi sáng đầu tiên đến lớp không khóc. Lúc sang tay cô, bé còn vui vẻ chào cô, tạm biệt mẹ, sau đó ngồi im quan sát các bạn. Nhưng đến chiều khi mẹ đón, bé lại òa khóc tức tưởi, và liên tiếp những ngày sau đó bé thường xuyên khóc mỗi khi đến lớp. 
Cô Nguyễn Thúy Lan, giáo viên Trường mầm non thực hành Hoa Hồng, Hà Nội, cho biết, việc rời ngôi nhà quen thuộc, nơi được mọi người cưng chiều để đến hòa mình với môi trường tập thể toàn người lạ là điều khó khăn đối với một đứa bé. Vì vậy đa số các bé thời gian đầu đi học đều không ổn định về tâm lý. 
Nhiều cháu vì chưa quen với môi trường mới nên khóc nhiều, không chịu ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy có trẻ chỉ đi học được vài buổi rồi ốm, nghỉ. Thời gian làm quen với lớp bị gián đoạn nên trẻ càng chậm thích nghi. Nhưng phần lớn các cháu chỉ qua một vài ngày là bình tĩnh trở lại, tin tưởng ở cô giáo và ít khóc hơn. 
Cô Lan khuyên, khi đón, thấy con khóc, các mẹ không nên quá xuýt xoa, chỉ cần ôm con vào lòng để trẻ có cảm giác yên tâm. Nói  những câu khích lệ hướng về lớp như: "Đến lớp rất vui, có cô giáo yêu thương và nhiều bạn chơi cùng, chỉ vài ngày là con quen thôi", hoặc "Hãy khoác ba lô vào đi. Mẹ thấy con đã lớn rồi đấy".  Buổi tối bố mẹ nên dành thời gian chơi với con nhiều hơn.   
Việc ăn uống ở trường cũng là một vấn đề. Phần lớn trẻ em giai đoạn đầu đến lớp thường không chịu ăn hoặc ăn ít vì có nhiều thay đổi từ thực đơn đến cách cho ăn, thời gian và môi trường xung quanh. Để bé không sút cân hoặc ốm bệnh trong thời điểm "vượt khó" này, cha mẹ nên tìm hiểu thực đơn trong ngày của nhà trường, hỏi cô giáo về tình hình ăn uống của con để có chế độ bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc bé hợp lý. 
Thời gian trẻ mới đi học, buổi sáng bạn nên cho con dậy sớm ăn đầy đủ, uống thêm một ly sữa. Buổi chiều đón trẻ sớm hơn thường lệ vì cần thêm thời gian bù lại bữa ăn bị bỏ ở lớp. 
Nhiều chuyên gia tâm lý khuyên rằng khi trẻ mới bắt đầu  đi  mẫu giáo, nên đăng ký cho con học cùng với một người bạn quen biết hoặc ở gần nhà. Có thể  sắp sếp cho con một vài ngày vui chơi cùng bạn trước khi đi học. Điều đó sẽ giúp trẻ ổn định tâm lý hơn, không có cảm giác cô đơn giữa  biển người xa lạ.  Cha mẹ cũng nên cho con tham quan lớp học. Bé sẽ cảm thấy thoải mái khi được làm quen với không gian của lớp và gặp gỡ cô giáo. 
Trẻ mới đi học thường có cảm giác nhút nhát, bạn nên sắp đặt trò chơi đón khách đến nhà cùng bé, nhằm giúp bé chủ động giao tiếp hơn. "Khách" có thể là các con thú cưng, còn trẻ là chủ nhà. Bạn hãy tạo các tình huống để trẻ đối thoại cùng "khách".  
Khi đưa con đến trường, thay vì  trốn bé hoặc đứng ngoài cửa sổ trông vào, hãy ôm hôn tạm biệt  và cho trẻ biết khi nào bạn đón. Ví dụ, bạn nói với trẻ: "Con ăn trưa với các bạn và ngủ một giấc, khi tỉnh dậy là mẹ sẽ đến đón ngay". 


Chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi vào lớp một

Để bé thích nghi với môi trường mới, cha mẹ phải chuẩn bị tốt về thể chất cũng như tâm lý cho con, khiến bé thấy hứng thú và vui vẻ khi đến trường.
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna (Hà Nội) cho biết, ngày đầu tiên đi học trẻ có thể gặp khó khăn với việc đi vệ sinh. Chẳng hạn, có bé thì không biết nhà vệ sinh ở đâu, bé thì lại sợ cô không dám xin đi vệ sinh, có trẻ vì thấy nhà vệ sinh bẩn quá cũng sợ không dám đi. Cũng có trẻ vì ở mẫu giáo quen được cô xúc cho ăn nên khi đi học phải tự xúc thì thường ăn chậm hơn các bạn hoặc bị đói.
Khi đi học, trẻ phải tự mình làm rất nhiều việc mà không có sự giúp đỡ của cô giáo như khi còn học mẫu giáo. Bé bắt đầu ăn uống theo giờ giấc quy định và học thói quen đi vệ sinh cũng như đi ngủ đúng giờ. Cha mẹ cũng cần tập cho bé quen với việc xa người thân, tiếp xúc với người lạ.
Theo tiến sĩ Bưởi, cha mẹ cần lưu ý một số việc sau để chuẩn bị tâm lý cho con trước khi vào lớp một:
tredihoc-jpg-1366467859_500x0.jpg
Ảnh minh họa: Ehow
- Trước hết, cha mẹ cần phải làm cho bé cảm thấy thích thú khi được đi học. Cha mẹ nên kể cho bé nghe những điều hay về trường lớp và thầy cô. Hãy kể cho con nghe một ngày đến trường của trẻ sẽ diễn ra như thế nào bằng những câu chuyện vui mà bạn có thể nghĩ ra.
- Bạn có thể đưa con đi thăm trường, lớp trước khi con chuẩn bị đi học. Giới thiệu lớp học của bé, có những lối đi nào để bào lớp, bàn ghế được sắp xếp như thế nào.
- Nói cho con biết trước những thay đổi có thể xảy ra khi trẻ chuyển từ mẫu giáo lên tiểu học. Chẳng hạn bé phải dậy sớm để đi học đúng giờ, phải làm bài tập về nhà, tự xúc lấy ăn mà cô giáo không giúp, khi đi vệ sinh cần xin phép cô như thế nào...
- Khi bé lần đầu tiên đi học, bạn nên cho trẻ làm quen với trường lớp và cô giáo một cách từ từ. Bạn hãy ở bên con một vài tiếng đầu trong lớp vào. Trong những tuần đầu đi học, bạn nên cho trẻ đi học buổi sáng và đến trưa đón con về.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý đến đón con đúng giờ. Vì khi đã hết giờ học bé thấy các bạn được bố mẹ đón về trước sẽ thấy lo lắng. Nếu điều kiện không cho phép bạn nên giải thích để bé hiểu.
- Tạo không khí vui vẻ trong gia đình và mong chờ đến ngày đầu tiên đi học bằng cách tất cả các thành viên trong gia đình đều hết sức quan tâm đến ngày khai trường của bé


.