[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , “BỮA CƠM GIA ĐÌNH ẤM ÁP YÊU THƯƠNG” Thông điệp sâu sắc về giá trị truyền thống gia đình Việt Nam

“BỮA CƠM GIA ĐÌNH ẤM ÁP YÊU THƯƠNG” Thông điệp sâu sắc về giá trị truyền thống gia đình Việt Nam

Chủ đề năm 2014 “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là thông điệp gửi đến những thành viên trong gia đình: hãy trân trọng hơn những giây phút sum họp bên bữa cơm đầm ấm và hạnh phúc của gia đình; đồng thời đề cao các giá trị văn hóa tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng và anh em; tôn kính các bậc sinh thành; yêu thương, chăm sóc cho nhau giữa các thành viên trong gia đình...
 
Gia đình vui vầy chuẩn bị bữa cơm quê. Ảnh: Vinh Hiển

Đó là truyền thống lâu đời và quý giá của ông cha ta muôn đời nay để lại. Trong giai đoạn công nghiệp hóa- hiện đại hóa ngày nay, so với thuở cha ông ta trước đây có rất nhiều sự khác biệt, nhất là áp lực của cuộc sống, việc làm... cho nên trách nhiệm, giải pháp, tổ chức thực hiện... để lưu giữ, phát huy truyền thống quý giá của cha ông ta để lại rất cần được chú trọng quan tâm đúng mức nhằm duy trì được bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương.
Từ bữa cơm đong đầy yêu thương...
Gia đình là “tế bào” của xã hội. Gia đình như thế nào thì xã hội như thế ấy, cũng như “muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa, phải có con người chủ nghĩa xã hội”. Xây dựng gia đình hạnh phúc là xây dựng xã hội hạnh phúc.
Hạnh phúc mỗi gia đình có được, phải bằng cả sức lực, trí tuệ, thời gian... của các thành viên trong gia đình góp phần vun đắp. Thông qua nhận thức đúng, hành động đúng, cùng với truyền thống quý báu của ông cha, của dân tộc; kết hợp hài hòa với văn hóa tiên tiến của các dân tộc khác trên thế giới và thành tựu về khoa học của nhân loại để tạo nên giá trị cao đẹp hướng đến chân- thiện- mỹ trong từng gia đình.
Hạnh phúc gia đình được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng được trân trọng như tình yêu, lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng; lòng yêu thương, chăm lo, hỗ trợ, chia sẻ và vì con cái; sự quý trọng và hiếu đạo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà.
Hạnh phúc gia đình được hình thành qua những hành động, việc làm hàng ngày trong đời thường như: cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, các hoạt động ăn uống, nghỉ ngơi, tâm sự, chuyện trò, vui chơi, gánh vác hỗ trợ... với nhau giữa các thành viên trong gia đình và bữa cơm gia đình chính là thời gian, không gian quý để mọi thành viên trong gia đình cùng vun đắp cho hạnh phúc gia đình.
Từng gia đình được như thế sẽ là động lực rất quan trọng tác động đến những thành viên trong gia đình vươn lên làm người hữu ích cho gia đình và cho xã hội.
Có những gia đình mà ở đó bữa cơm gia đình tuy đơn sơ, đạm bạc nhưng rất đầm ấm và đầy nghĩa tình. Bởi lẽ, trong bữa cơm đó đong đầy yêu thương của người mẹ, người vợ, người con... đối với các thành viên trong gia đình.
Dù sở thích, khẩu vị, thói quen,... của từng người có khác nhau, nhưng với tài nội trợ tháo vát của người mẹ, người vợ luôn quan tâm đến sở thích của từng thành viên; luôn nghĩ đến việc có bữa ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng; cũng sẽ có những món ăn có tính chất ưu tiên cho người cần được bồi dưỡng như trẻ em, người bệnh mới khỏi hoặc người đang bị bệnh, người vừa phải lao động nặng mất nhiều sức lực...
Thỉnh thoảng, vào những ngày nghỉ sẽ có những bữa ăn thịnh soạn, có thể đáp ứng khoái khẩu cho từng thành viên trong gia đình. Mỗi bữa cơm, mỗi người được thỏa mãn nhu cầu về vật chất của mình thì nhất định sẽ ăn ngon, ăn no, thấy vui vẻ, thoải mái, phấn chấn...
Sự chăm chút bữa ăn làm cho các thành viên trong gia đình có cái nhìn đầy yêu thương đối với người biết tạo nên bữa ăn ngon; thiện cảm và yêu thương, đó là mầm mống của hạnh phúc gia đình.
... Đến bữa cơm dạy thành người
Qua bữa cơm, tính giáo dục có thể phát triển bền vững và có hiệu quả rất cao cho mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em bằng những đức tính: biết nhường nhịn, biết dành miếng ngon cho người khác, biết vì người khác; biết tập những thói quen tốt trong khi ăn...
Riêng với người lớn, biết chia sẻ với nhau những khó khăn, vướng mắc sau một ngày làm việc; biết đóng góp cho nhau để cùng nhau ngày một hoàn thiện hơn; biết chia sẻ cho nhau những thông tin mới, thành tựu mới của cộng đồng của đất nước; giới thiệu cho nhau để khắc phục những gì không nên làm và khuyến khích, tạo điều kiện cho nhau thực hiện những điều nên làm cho gia đình, cho cộng đồng và cho quê hương đất nước...
Đây là cách giáo dục cụ thể, thiết thực giữa các thành viên trong gia đình. Từ các thành viên trong gia đình sẽ tỏa rộng ra ngoài cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, đối với những gia đình có 3 thế hệ trở lên cùng chung sống và cùng có những bữa cơm gia đình thì sức mạnh của giáo dục từ gia đình sẽ đạt hiệu quả rất cao, nhất là những gia đình luôn phấn đấu thực hiện “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”.
Sau một ngày, ông bà trông nom và làm việc nhà, cha mẹ đi làm, các con đi học... bữa cơm là dịp cho cả gia đình đoàn tụ, vui vẻ bên nhau.
Trong hoàn cảnh hiện nay, ai ai cũng tất bật vì công việc, người công tác, người sản xuất kinh doanh... có khi phải ăn cơm ngoài, con cháu đi học thì có thể ăn, nghỉ trưa tại trường thì bữa cơm gia đình vào buổi tối đa số gia đình đều có thể thực hiện được.
Những giây phút gặp nhau trong bữa cơm là hạnh phúc keo sơn gắn kết các thành viên trong gia đình, gợi mở cho những suy nghĩ và hành động cho ngày mai, cho tương lai của từng thành viên trong gia đình. Điều đó chắc hẳn mang lại những niềm vui và hạnh phúc cho bản thân từng thành viên, cho từng gia đình và cho cả xã hội mai sau.
Chúng ta cũng thấy rõ rằng bữa cơm gia đình ăn tại gia đình khác hẳn ăn tại quán, nhà hàng. Ở quán, nhà hàng các món ăn không thể hiện rõ tinh thần của người nội trợ thân yêu, không ấm cúng thân mật, tình yêu thương như ở nhà.
Ở nhà- nơi đó các thành viên trong gia đình thân quen, hương vị của các món ăn luôn gần gũi và đậm ân tình của người thân. Bữa cơm ở nhà sẽ tạo nên sự ấm cúng rất đặc biệt không nơi nào sánh được.
Để có hạnh phúc đơn giản ấy qua bữa cơm gia đình, người phụ nữ đóng vai trò người nội trợ cho bữa cơm gia đình cần chăm lo cho bữa ăn có ý nghĩa thật sự, vừa ngon vừa bổ khỏe, vừa tạo được không khí vui vẻ, thoải mái cho từng thành viên trong gia đình.
Không vì áp lực của công việc trong ngày, hay sự mâu thuẫn tạm thời giữa các thành viên trong gia đình mà làm ảnh hưởng đến chất lượng và không khí không vui cho bữa cơm gia đình.
 
Bữa cơm đồng cam cộng khổ. Ảnh: VINH HIỂN

Những gia đình giữ và tổ chức tốt bữa ăn gia đình không chỉ cung cấp năng lượng vật chất cần thiết hiệu quả cho sự sinh tồn và phát triển thể chất cho từng thành viên mà còn hun đúc những giá trị tinh thần, tâm lý, tình cảm gắn bó sâu sắc giữa các thành viên.
Những giá trị vật chất và tinh thần hình thành sau những bữa cơm gia đình không khác gì những viên gạch cùng những chất keo vô hình tạo nên lâu đài hạnh phúc vĩnh cữu mà mỗi người chúng ta ai ai cũng cần, ai ai cũng muốn vươn tới và ai ai cũng cần có nó.
Hãy tạo những bữa cơm gia đình ý nghĩa!
Với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhân ngày Gia đình Việt Nam năm nay, từng gia đình nên duy trì những bữa cơm gia đình như đã làm và đặc biệt quan tâm đến giá trị tinh thần của nó; những gia đình vì lý do nào đó chưa duy trì được hãy gắng phục hồi những bữa cơm gia đình hữu ích.
Người người, nhà nhà chú tâm và thực hiện những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương, nhất định sẽ góp phần mang lại hiệu quả trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, sẽ góp phần xây dựng xã hội chúng ta đang sống là một xã hội hạnh phúc.
Hạnh phúc gia đình qua bữa cơm gia đình tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng rất cần và rất quý. Nếu còn có những gia đình với lý do gì đó lại lãng quên, không quan tâm đến, không hiểu được giá trị cả vật chất lẫn tinh thần của bữa cơm gia đình là điều đáng tiếc vô cùng, cần nên khắc phục duy trì những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh... mỗi người, mỗi gia đình quan tâm thực hiện bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên. “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền..., quyết chí ắt làm nên”!
Việc thực hiện bữa cơm gia đình đạt ý nghĩa như đã nêu trên trong điều kiện hiện nay là khó nhưng không phải là nan giải.
Từng thành viên trong gia đình cần nhận thức rõ lợi ích của bữa cơm gia đình mà tranh thủ thời gian, việc chung, cho riêng, thói quen không có lợi... để đảm bảo bữa cơm gia đình được thực hiện và đạt được ý nghĩa cần thiết của nó.
Hệ thống chính trị của chúng ta, các đoàn thể cần quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc ngày Gia đình Việt Nam, để tăng cường phổ biến tuyên truyền sâu rộng ra toàn dân; đồng thời vận động, tổ chức hướng dẫn cho mọi người, mọi nhà cùng thực hiện bữa cơm gia đình.
Thực hiện bữa cơm gia đình trước hết tốt cho bản thân từng người, tốt cho từng gia đình, tốt cho con cháu chúng ta mai sau, góp phần tích cực cho việc xây dựng gia đình, xã hội chúng ta ngày càng ấm no, văn minh và hạnh phúc, đó là ý Đảng lòng dân.
Từ Chỉ thị số 55 của Bộ Chính trị và Quyết định số 72 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/6 được chọn làm ngày Gia đình Việt Nam. Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn những chủ đề gần gũi, thiết thực để tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam.

NGUYỄN LƯỢNG
Nguồn:http://vtvcantho.vn