[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , , MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ-KHHGĐ

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ-KHHGĐ

Để giúp mọi người, mọi gia đình hiểu rõ hơn những kiến thức chung nhất về việc thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ của Đảng và Nhà nước ta;  Chúng tôi trân trọng xin gửi đến nội dung bài viết sau đây:
 1. Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị đưa ra những mục tiêu gì?
Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị đã đưa ra hai mục tiêu quan trọng, bao gồm:
a) Nhanh chóng đạt mức sinh thay thế (trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hai con), tiến tới ổn định quy mô dân số nước ta ở mức 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI.
b) Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam về thể chất, trí tuệ, tinh thần, cơ cấu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


2. Công dân có quyền gì đối trong công tác dân số?
Điều 4 của Pháp lệnh dân số ban hành ngày 9/1/2003 quy định rõ Công dân có những quyền cơ bản sau đây:
a) Được cung cấp thông tin về dân số;
b) Được cung cấp các dịch vụ dân số có chất lượng, thuận tiện, an toàn và được giữ bí mật theo quy định của pháp luật;
c) Lựa chọn các biện pháp CSSKSS, KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số;
d) Lựa chọn nơi cư trú phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Công dân cần có nghĩa vụ gì đối với công tác dân số?
Điều 4 của Pháp lệnh dân số ban hành ngày 9/1/2003 quy định công dân có những nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện KHHGĐ; xây dựng quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững;
b) Thực hiện các biện pháp phù hợp để nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần của bản thân và các thành viên trong gia đình;
c) Tôn trọng lợi ích của Nhà nước, xã hội, cộng đồng trong việc điều chỉnh quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân cư, nâng cao chất lượng dân số;
d) Thực hiện các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến công tác dân số.
4. Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong công tác DS- KHHGĐ
Điều 7 của Pháp lệnh dân số ban hành ngày 9/1/2003 quy định các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:
a) Cản trở, cưỡng bức việc thực hiện KHHGĐ;
b) Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức;
c) Sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp phương tiện tránh thai giả, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, quá hạn sử dụng, chưa được phép lưu hành;
d) Di cư và cư trú trái pháp luật;
e) Tuyên truyền, phổ biến hoặc đưa ra những thông tin có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có ảnh hưởng xấu đến công tác dân số và đời sống xã hội;
f) Nhân bản vô tính người.
5. Các cặp vợ chồng, cá nhân có những quyền và nghĩa vụ gì trong việc thực hiện KHHGĐ?
Điều 10 của Pháp lệnh dân số ban hành ngày 9/1/2003, sau đó được sửa đổi tại Điều 1 “ Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số của Uỷ ban thường vụ Quốc hội số 15/2008/PL-UBTVQH12 ngày 27 tháng 12 năm 2008”. Qui định cụ thể như sau:
Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản:
1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con;
2. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định;
3. Bảo vệ sức khoẻ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.”
6. Những trường hợp nào không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con?
Ngày 17/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 18/2011/NĐ-CP về “Sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP”  hướng dẫn chi tiết việc thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số. Cụ thể như sau: “Đối với Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống”
Như vậy, sau khi sửa đổi, sẽ có 7 trường hợp được sinh con thứ ba (không vi phạm qui định sinh 1 hoặc 2 con) sẽ bao gồm:
a) Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
b) Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
c) Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
d) Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
e) Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
f) Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
•  Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);
•  Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.”
g) Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
7. Những hành vi nào sẽ bị xử phạt hành chính về dân số và trẻ em?
Nghị định số 114/2006/NĐ-CP quy định trong lĩnh vực về dân số và trẻ em, những hành vi sau đây sẽ bị xử phạt hành chính:
a) Hành vi cản trở, cưỡng bức thực hiện KHHGĐ;
b) Hành vi lựa chọn giới tính thai nhi;
c) Sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và cung cấp phương tiện tránh thai trái với quy định của pháp luật
d) Hành vi tuyên truyền, phổ biến thông tin về dân số trái quy định của pháp luật
e) Hành vi cản trở, không khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em
f) Hành vi cha, mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ
g) Hành vi dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi
h) Hành vi kích động tình dục trẻ em
i)  Hành vi lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hoá phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em
j)  Hành vi hành hạ, ngược đãi, làm nhục trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi
k) Hành vi xúi giục trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác
l)  Hành vi lạm dụng sức lao động trẻ em, sử dụng sức lao động trẻ em vào công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động
m)Hành vi cản trở việc học tập của trẻ em
n) Hành vi áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật
o) Hành vi đặt cơ sở sản xuất, kho chứa thuốc trừ sâu, hoá chất độc hại, chất dễ gây cháy nổ gần cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc ngược lại
p) Hành vi sử dụng cơ sở vật chất dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của trẻ em
q) Hành vi không thông báo hoặc không ghi tuổi của trẻ em không được sử dụng trên xuất bản phẩm, đồ chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh nếu có nội dung không phù hợp với trẻ em
r) Hành vi vi phạm hành chính của cơ sở trợ giúp trẻ em
Trên đây là một số kiến thức cơ bản nhất về chính sách Dân số-KHHGĐ ở nước ta. Chúng tôi cung cấp thông tin để mọi người biết và đồng thuận tự giác thực hiện vì tương lai của đất nước và mọi gia đình, mỗi người dân đất Việt./.

Kim Bảng(TTDS)