Nắm quyền "sinh sát" trong tay nhưng không ít người quản lý hàng ngày vẫn phải đau đầu "đối phó" với sự lười biếng của nhân viên dưới quyền.
"Điên đầu" vì cấp dưới “lắm tật”
Hai năm giữ chức trưởng phòng, song đây là lần đầu tiên Hà Minh gặp phải trường hợp khiến cô điên đầu. Số là cơ quan Minh vừa tuyển vào một em chân dài tên Thu. Đồng nghiệp cùng cơ quan rỉ tai nhau, Thu là chỗ quen biết của lãnh đạo cấp cao, nghe nói là ông nào to lắm.
Hôm đến nhận công tác, Thu mặt mày tỉnh bơ, chả thèm mở miệng chào ai lấy một câu. Chỗ làm trong mắt Thu chẳng khác gì sàn diễn thời trang. Suốt ngày cô chỉ lo váy áo, trang điểm, còn công việc thì bỏ bê. Về phòng được gần 3 tháng mà cô vẫn như người mới. Minh giao việc gì Thu cũng không hoàn thành đến nơi đến chốn. Nếu có ai bảo đi ra ngoài theo các anh chị để học việc thì cô la váng trời vì sợ…đen da.
Đến lúc không thể chịu đựng cô nàng đỏng đảnh thêm được nữa, Minh kiến nghị lên cấp trên. Nhưng không hiểu Thu “thủ thỉ” gì mà ngay ngày hôm sau, sếp trưởng gọi cô lên nói nhỏ: "Cái Thu sức khỏe yếu, giao cho nó những việc nhẹ nhàng thôi, không nó lăn đùng ra đấy thì rách việc". Sếp trưởng đã nói vậy, Minh cũng chẳng biết nói sao nữa, thôi thì đành "sống chung với lũ" vậy.
Còn Thu Hằng (trưởng phòng một công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội) thì không giấu được bực mình khi nhắc đến nhân viên dưới quyền. Quá nửa trong số các nhân viên của Hằng thuộc hàng “hot boy, hot girl”. Khốn nỗi, khả năng và kinh nghiệm chuyên môn của các em này lại gần như tỉ lệ nghịch với vẻ ngoài xinh đẹp.
Hằng thực sự phát ốm vì đội ngũ nhân viên “thích làm thì ít, thích buôn thì nhiều”. Công việc thì đùn đẩy qua lại, nếu có làm cũng chỉ là đại khái, qua quít. Không ít lần Hằng phải chạy theo làm lại cho được việc. Cô than thở: “Nhiều khi tức không chịu nổi. Mình đã bao nhiêu việc, mệt phờ người, vậy mà còn phải chạy theo đám nhân viên đến gần chục người để nhắc từng việc một".
(ảnh minh họa)
|
Thỉnh thoảng, mọi người lại đọc được trên trang cá nhân của Phương Nga (trưởng phòng một công ty có trụ sở ở Hoàng Mai, Hà Nội) những status đầy bực bội. Mỗi lần như vậy, không cần nói thì mọi người cũng đoán được là Nga đang phát điên vì Lan Hương, cô phó phòng dưới quyền. Khả năng chuyên môn kém, thiếu trách nhiệm với công việc, nhưng Lan Hương lại rất giỏi khoản ngụy biện, đổ lỗi cho người khác mỗi khi có rắc rối xảy ra. Một phần lỗi cũng là do Nga. Hồi đầu, cô cứ hay đứng ra bênh vực, nói hộ khi Hương làm sai. Rồi thay vì chỉ bảo để Hương biết cách làm lần sau, cô lại "ôm" cả việc của cấp dưới.
Biết tính Nga, cô phó phòng “được đằng chân lân đằng đầu”, ngày càng ỷ lại. Thậm chí chính bản thân Nga cũng đã vài lần phải đứng ra chịu trách nhiệm vì sai sót của Hương. Giờ đây, khi đã thấm thía bản chất con người Hương, Nga uất ức: "Đúng là làm ơn mắc oán".
Còn Giang (trưởng phòng một công ty truyền thông ở Hà Nội) lại gặp trường hợp dở khóc dở cười. Khi Giang nhận chức trưởng phòng, thấy Mai - cô bạn thân cấp 3 vẫn long đong tìm việc, cô giới thiệu Mai ngay mà không nghĩ ngợi gì. Nhưng chỉ được một tuần, Giang đã phải ngã ngửa vì cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của cô bạn thân. Đi cùng Giang đến gặp mặt đối tác mà Mai lại ăn mặc diêm dúa không khác gì một bà đồng, xức nước hoa nồng nặc. Cuộc hẹn được ấn định lúc 10h, nhưng mãi gần 11h Mai mới lò dò tới. Trong khi đó, đối tác lại là người nước ngoài, rất ghét ai đi muộn. Hôm ấy, công ty suýt mất một hợp đồng lớn vì khách hàng không hài lòng về cung cách thiếu chuyên nghiệp của Mai. Khi Giang góp ý về cách ăn mặc thì Mai bảo đó là gu thời trang của mỗi người, hơn nữa công ty cũng không có đồng phục quy định. Ít tuần sau đó, Mai nhận được quyết định cho nghỉ việc của công ty. Lúc dọn đồ ra đi, Mai vẫn ấm ức vì Giang không chịu nâng đỡ, nói hộ bạn bè.
Độc chiêu trị “bệnh” cho nhân viên của các sếp
Quyết "diệt" căn bệnh chây lười và ỷ lại của nhân viên, Thu Hằng bắt đầu thiết lập “kỉ luật thép” ở cơ quan. Cả nhân viên lẫn sếp, hễ đi làm muộn là trừ thẳng vào lương, không giải thích cũng miễn xin xỏ. Không hoàn thành công việc thì phạt nặng, bù lại, ai làm tốt thì có chế độ khen thưởng rõ ràng. Từ ngày đưa ra nội quy mới đánh mạnh vào kinh tế, toàn bộ nhân viên phòng Thu Hằng làm việc hiệu quả hẳn. Thỉnh thoảng Hằng còn bỏ tiền túi chiêu đãi cả phòng để tạo cơ hội cho mọi người chuyện trò, chia sẻ nguyện vọng. Nhờ thế mà quan hệ giữa cô và cấp dưới cải thiện rõ rệt. Công việc cũng "thuận chèo mát mái" hơn.
Còn Nga cũng chịu hết nổi cô phó phòng xấu tính. Giờ đây, mỗi lần Lan Hương mắc lỗi, cô thẳng thắn nhắc nhở, chỉ ra lỗi sai. Nếu Hương không chịu sửa chữa hoặc tìm cách thoái thác trách nhiệm, Nga không ngần ngại báo cáo cấp trên để có cách xử trí. Sau vài lần bị phê bình trong các cuộc họp công ty, Hương thay đổi hẳn. Cô làm việc cẩn trọng hơn và không còn đùn việc cho người khác nữa. Còn Nga thì như trút được một gánh nặng về nhân viên cấp dưới của mình.
Theo Afamily
Nguồn:http://m.vanhoa.evn.com.vn/