[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , , Nghệ thuật nói trước công chúng

Nghệ thuật nói trước công chúng

Trong thời đại  bùng nổ của công nghệ thông tin, cùng với các loại hình truyền thông khác, "Môn nói" ngày càng đóng vai trò tích cực. Muốn thuyết phục người khác hay công chúng, muốn truyền đạt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương chính sách về công tác Dân số, bên cạnh việc biết viết và biết tổ chức các hoạt động, cần phải biết nói, hơn nữa cần phải biết nói hay, nói giỏi.
Nói trước công chúng là một nghệ thuật có những nguyên tắc riêng. Biết tuân thủ những quy tắc ấy và kiên trì tập luyện thì ai cũng có thể thu được kết quả mong muốn.
Nói trước công chúng có nhiều hình thức khác nhau:
- Phát biểu ý kiến ngắn trước tập thể
- Tranh luận, thảo luận
- Phát biểu khai mạc, MC
- Trình bày nội dung của một văn kiện, một báo cáo, một chủ trương công tác.
- Nói chuyện thời sự, nói chuyện chuyên đề
- Giảng bài, thuyết trình trước đám đông,...
Tuy nhiên, về mục đích đều thống nhất. Ai cũng muốn làm cho người khác hiểu ý mình, đồng tình tán thành ý kiến của mình, chăm chú lắng nghe và khen ngợi mình về sự sâu sắc về nội dung, về tài diễn thuyết , hùng biện,..Để nói nói tốt cần tuân thủ các quy tắc sau:
Quy tắc 1: Rèn luyện sự tư tin vào bản thân:
Tập nói thường xuyên, lúc đầu nói ít, nói ngắn, sau quen dần sẽ nói nhiều hơn trong khoảng thời gian dài hơn. Nhớ kỹ câu nói: “Tập đi rồi hãy tập chạy”. Tìm thêm động lực bằng sự khích lệ của bạn bè.  Luôn luôn yêu cái thật, cái tốt, cái đẹp. Người nghe luôn có thiện cảm với diễn giả. Đừng để ý quá nhiều đến dư luận, những tác động tiêu cực bên ngoài.
Đ/c Cao Thị Nhung (TTDS-KHHGĐ) đang truyền thông SKSSVTN,TN tại Hưng Long - Ảnh KB
      Quy tắc 2: Cần tuân thủ các bước khi chuẩn bị bài nói
Chọn đề tài mà bạn cho là tâm đắc,phù hợp yêu cầu nhiệm vụ
Luôn nhớ tính nhất quán của vấn đề định trình bày, tìm mọi cách để đạt tới mục tiêu chính của đề tài. Lập đề cương sơ bộ bao gồm những ý chính cần nói (Có mở bài, thân bài, kết luận). Tìm ý phụ và các tư liệu bằng cách trả lời 7 câu hỏi sau: Ai? Cái gì? ở đâu? Bằng cách nào? Tại sao? Ra sao? Khi nào? Ghi chép ngay những ý mới xuất hiện trong đầu bạn. Thiết lập  bài nói có hệ thống, logíc, sắp xếp các ý rõ ràng, mạch lạc. Lựa chọn ví dụ để minh hoạ cho sinh động. Phải tự biết hạn chế, giới hạn vấn đề. Khi nào bỏ ý mà bạn không thấy tiếc thì bài nói của bạn mới có hy vọng hấp dẫn người nghe.
Quy tắc 3: Rèn luyện trí nhớ
Soạn xong đề cương bài nói chuyện, bạn cần nhẩm lại, tốt nhất là trong khung cảnh thiên nhiên , không bị chi phối. Cố gắng tập dượt vài lần. Cố gắng không viết lại những ý chính của nội dung nhiều lần, không học thuộc lòng, tránh nhớ một cách máy móc. Khắc sâu trăn trở, lật đi lật lại vấn đề. Dùng sơ đồ bảng biểu, cách so sánh để nhớ. Phải tự biết hạn chế, giới hạn vấn đề. Khi nào bỏ ý mà bạn không thấy tiếc thì bài nói của bạn mới có hy vọng hấp dẫn người nghe.
Quy tắc 4: Vạn sự khởi đầu nan.
Khúc dạo đầu là hết sức quan trọng. Bạn phải làm cho người nghe chú ý tới bạn, có thiện cảm với bạn ngay từ đầu buổi nói chuyện qua phong thái tự tin, cởi mở ,chân thành; trang phục phù hợp,.. Hết sức tránh thái độ trịnh trọng, đạo mạo giả tạo và suồng sã quá mức.
 Những điều nên tránh:
   + Tránh mở đầu bằng từ xin lỗi giả dối...
   + Không dùng lời lẽ sáo rỗng để vào đề
   + Đừng cố làm người nghe cười nếu không có khiếu hài hước,..
    Những phương pháp vào đề cụ thể cần áp dụng:
   + Mở đầu bằng một câu chuyện (Chuyện cổ tích hoặc chuyện đời thường...)
   + Dẫn lời một danh nhân nào đó, câu tục ngữ, ca dao ,..
   + Có thể đặt một số câu hỏi xoay quanh đề tài.
   + Gợi tính tò mò của người nghe để gây sự chú ý.
   + Tự giới thiệu về mình đối với người nghe chưa quen biết.
Quy tắc 5: Diễn giải làm sống dậy một đề tài
Lời lẽ rõ ràng, sáng ý, giữa các ý có mối liên hệ tự nhiên với nhau. Đừng lý thuyết nhiều quá.
 Có nhiều phép lập luận ( quy nạp, so sánh, phân tích tổng hợp, nhân hoá,...).
 Tránh:
    + Định nghĩa sai
    + Lấy vấn đề cá biệt để khái quát thành phổ biến
    + Đưa số liệu không đúng để minh hoạ
    + Tránh mâu thuẫn trong lập luận vấn đề
Quy tắc 6: Không nên coi thường đoạn kết
Nên chuẩn bị trước 2-3 lối kết để có thể tuỳ cảm xúc tâm lý của người nghe mà dùng cho phù hợp.
 Những lối kết thông dụng:
    + Tóm tắt ý trong bài nói chuyện, gọn nhưng không thiếu
    + Kết thông qua những lời khuyên, bằng triết lý của cuộc sống đời thường, dễ gây ấn tượng.
    + Khuyến khích người nghe hành động.
    + Đặt một vài câu hỏi, nếu một số vấn đề để người nghe tiếp tục suy nghĩ, tự tìm ra câu trả lời.
Quy tắc 7: Ý tứ rõ ràng, lời lẽ khúc chiết là tiền đề của thành công.
Muốn cho ý tứ được rõ ràng, sáng rõ bạn phải:
+ Thấu hiểu vấn đề.
+ Không bao giờ xa đề.
+ Biết tự kiềm chế, chỉ nói những điều quan trọng nhất.
+ Không lý thuyết viễn vông mà nên đưa ra nhiều ví dụ, dẫn chứng minh hoạ
+ Tránh thói mơ hồ.
 Muốn cho lời lẽ được khúc chiết, bạn phải:
+ Không dùng những câu quá dài.
+ Không dùng những điển tích, thuật ngữ mà nhiều người chưa quen
+ Tránh những từ chuyên môn quá hẹp và những từ mới chưa thông dụng ( nếu bắt buộc phải dùng thì phải giải thích cho người nghe).
+ Giản dị và tự nhiên trong lời nói (không cầu kỳ,hoa mỹ song cũng không được thô lỗ,...).
+ Không dùng những câu tối nghĩa “tu từ, chọn ngữ, chỉnh văn chương”.
Quy tắc 8: Nói gây ấn tượng
Trình bày mạch lạc, sáng ý chưa đủ , phải làm cho bài nói thực sự thú vị, hấp dẫn, gây ấn tượng khó quên vào đầu óc, tâm trí người nghe. Trước hết, bạn phải:
- Hãy nói những điều bạn hiểu biết nhất và nắm chắc (Có thể kể về những bài học kinh nghiệm quý báu của mình: khi còn bé, khi đi học, đi làm,...)
- Tin vào điều mình nói, tin chắc không ai hiểu thấu đáo bài nói bằng mình
- Thiết tha muốn chia sẻ với mọi người , tạo khoảng cách gần gũi, thân thiện với người nghe.
- Nắm vững tâm lý người nghe, gắn bó chặt chẽ với người nghe.
Quy tắc 9: Những điều cần làm trước khi bước lên diễn đàn
- Cử chỉ tự tin: Đi đứng dáng thẳng, tác phong  chững chạc đàng hoàng; Mỉm cười, khoan thai, đầu hơi ngửng lên, ngực hướng về phía trước
- Nếu còn hồi hộp thì hít một hơi thật sâu và thở mạnh, đưa mắt nhìn một luợt bao quát quanh phong và tìm người quen.
- Khẩu ngữ và âm điệu phù hợp với nội dung trình bày, tránh nói đều đều. Luyện giọng nói sao cho vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, Khi nói phải thả hồn vào bài nói, không chú ý quá nhiều đến ngữ điệu.
- Nhìn vào người nghe để nói, không nhìn lên trần nhà hay dưới đất.
- Điệu bộ tự nhiên, có thể vung tay nếu cần thiết, không bắt chước người khác, hãy là chính mình, tạo cho mình một phong cách riêng.
- Bỏ những tật xấu...
Nói trước công chúng là cả một nghệ thuật, 9 quy tắc nói trên là bước then chốt cần thiết trước khi chuẩn bị cho một bài nói trước công chúng, nếu chuẩn bị tốt sẽ nắm chắc thành công trong tay. Chúc các bạn thành công!

Cao Thị Nhung
TT Dân số-KHHGĐ