Đa số mọi người đều nghĩ rằng chỉ cần đi làm đúng giờ, tan sở đúng giờ,
không đi muộn, không về sớm đã là có trách nhiệm với công việc của mình, mỗi
tháng đã có thể yên tâm đi lĩnh lương. Nhưng thực ra yêu cầu về ý thức trách nhiệm
đối với công việc rất nghiêm khắc. Một người dù làm bất cứ công việc gì, cũng
nên có ý thức trách nhiệm đối với công việc của mình.
Ý thức trách nhiệm và trách nhiệm là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Trách nhiệm là một sự phụ trách và đảm đương một nhiệm vụ nào đó, còn ý thức
trách nhiệm là thái độ của một người với công việc và cơ quan đơn vị của họ.
Mức độ ý thức trách nhiệm của một người quyết định mức độ thái độ của người
làm việc, đồng thời cũng quyết định thành tích công việc của người đó.
Khi có được ý thức trách nhiệm cao trong công việc, con người ta có thể
học được từ công việc nhiều kiến thức mới, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và
cũng từ đó tìm thấy niềm vui.
1. Trách nhiệm của một người là việc người đó phải đảm bảo một kết quả
phải xảy ra trong tương lai một cách chính xác và kịp thời (kể cả có ý thức
hoặc vô ý thức). Nếu không hoàn thành trách nhiệm là mắc lỗi và người đó phải
gánh chịu hậu quả không tốt xảy ra do lỗi đó của mình.
a. Chịu trách nhiệm bao gồm hai yếu tố:
Yếu tố thứ nhất là dám nghĩ, dám làm:Nhận nhiệm vụ và nhận trách nhiệm
với nhiệm vụ của mình, đồng thời nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ,
không tránh né, đùn đẩy nhiệm vụ qua cho hoàn cảnh hay người khác.
Yếu tố thứ hai là dám chịu trách nhiệm: Nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu
hậu quả xấu đến với mình khi mình không hoàn thành nhiệm vụ, không đổ thừa cho
hoàn cảnh hay người khác.
Người chịu trách nhiệm hay là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách
nhiệm. Đây là mẫu của những người chủ, những người Lãnh đạo trong tổ chức.
Tuy vậy cũng cần lưu ý rằng: cần phân biệt người dám làm dám chịu thực sự
và người dám làm dám chịu giả tạo trong một cơ quan đơn vị.
Trong khi người dám làm dám chịu thực sự luôn luôn giữ đúng các cam kết
của mình khi ứng tuyển và trong hợp đồng lao động. Họ luôn luôn làm đúng theo
sự chỉ đạo, theo yêu cầu của cấp trên trong sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo.
Người dám làm dám chịu giả tạo thoạt nhìn thì thấy họ luôn là những người
đứng mũi chịu sào, luôn là người dám dấn thân và luôn chịu trách nhiệm với
những việc mà mình làm, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Nhưng nếu
xem xét kỹ sẽ thấy họ luôn luôn không làm đúng theo sự chỉ đạo, theo yêu cầu
của cấp trên mà thường làm theo ý mình. Họ thường tự mình quyết định làm những
công việc không phải trong phạm vi quyền hạn của mình được giao mà nằm trong
quyền hạn của cấp trên (lấn quyền của cấp trên). Tuy rằng họ sẵn sàng gánh chịu
hậu quả do những gì mình gây ra, nhưng sự gánh chịu đó cũng không thể bù đắp
được những tổn thất mà những hành vi đó của họ có thể gây ra cho cơ quan đơn vị.
Thực ra thì họ đã có một điểm không chịu trách nhiệm, không giữ cam kết. Đó là
họ đã không giữ đúng các cam kết của mình khi ứng tuyển và trong hợp đồng lao
động.
b.Có ba loại trách nhiệm
• Trách nhiệm chủ động
• Trách nhiệm thụ động
• Trách nhiệm giả tạo
Trách nhiệm chủ động là việc ta chủ động nhận trách nhiệm từ chỗ nhận
thức được trách nhiệm của mình. Ở đây có sự tham gia một cách có ý thức của ta
vào tiến trình ra quyết định nhận trách nhiệm.
Trách nhiệm thụ động là việc ta có trách nhiệm nhờ tác nhân bên ngoài
(không bao hàm việc ý thức về trách nhiệm của bản thân ta). Trường hợp này
thường đòi hỏi phải có tác nhân bên ngoài thì mới có trách nhiệm.
Động lực làm việc của một người sẽ càng cao, nếu người đó vừa có trách
nhiệm chủ động lại vừa có trách nhiệm thụ động.
Trách nhiệm giả tạo là việc dường như ta có trách nhiệm nhưng thực tế là
không nhận trách nhiệm. Đây là việc nhận trách nhiệm ở bên ngoài, nhưng bên
trong tư tưởng thì lại không thông, không thấy đó là trách nhiệm của mình, cảm
thấy mình bị ép buộc phải nhận trách nhiệm. Hoặc có sự nhận trách nhiệm trong
vùng ý thức nhưng lại chưa có sự nhận trách nhiệm trong vùng vô ý thức. Những
điều này dẫn tới việc bị stress, ức chế, bức xúc, bất mãn ngầm ở bên trong.
c. Vô trách nhiệm
Là việc một người nào đó có trách nhiệm thực hiện một nhiệm vụ, nhưng họ
không làm, hoặc thực hiện nó với một tinh thần hời hợt, không thực sự quan tâm
đến những hậu quả không tốt xảy ra do hành vi của mình gây ra.
Có 4 loại người vô trách nhiệm:
• Loại thứ nhất: Không dám nghĩ, không dám làm nhưng dám chịu, đây là mẫu
của những người quản lý.
• Loại thứ hai: Dám nhận, dám chịu nhưng không làm hoặc không làm hết sức
mình, đây là mẫu của những người thờ ơ, thụ động
• Loại thứ ba: Dám nghĩ, dám làm nhưng không dám chịu hoặc đây là mẫu của
những kẻ phá hoại trong tổ chức.
• Loại thứ tư: Không dám nghĩ, không dám làm và cũng không dám chịu, đây
là mẫu của người nhút nhát, bất tài. Đây là mẫu của những kẻ ăn hại trong tổ
chức.
2. Ý thức
Nhận thức (nhận biết một cách có ý thức) về trách nhiệm của mình. Nhận
thức về việc mình phải nhận trách nhiệm này. Dựa trên lòng tự trọng hoặc dựa
trên lợi ích của bản thân, ra quyết định nhận trách nhiệm đó một cách có ý thức.
Thực thi trách nhiệm một cách có ý thức
3. Ý thức trách nhiệm
Ý thức trách nhiệm (hay tinh thần trách nhiệm) là việc:
• Nhận thức được mình phải đảm bảo một kết quả phải xảy ra trong tương
lai một cách chính xác và kịp thời.
• Nhận thức về việc nếu không hoàn thành công việc đó thì mình là người
có lỗi và mình phải gánh chịu hậu quả không tốt xảy ra do không hoàn thành công
việc đó.
• Một cách có ý thức: ra quyết định nhận trách nhiệm đó dựa trên lòng tự
trọng hoặc dựa trên lợi ích của bản thân.
• Thực thi công việc một cách có ý thức để đảm bảo kết quả đó phải xảy ra
trong tương lai một cách chính xác và kịp thời
Nhìn bề ngòai thì ý thức trách nhiệm có nhiều loại như: ý thức trách
nhiệm với bản thân; ý thức trách nhiệm với người khác; ý thức trách nhiệm với
gia đình; ý thức trách nhiệm với công việc; ý thức trách nhiệm với tổ chức; ý
thức trách nhiệm với pháp luật; ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; ý
thức trách nhiệm với đất nước; ý thức trách nhiệm với loại người.....
Tuy nhiên về mặt bản chất thì tất cả đều là những biểu hiện khác nhau của
ý thức trách nhiệm với bản thân.
“Không ai thích một kẻ mách lẻo cả, dù là ở trường học hay công sở. Tuy
nhiên, nếu thái độ của một nhân viên gây ra vấn đề lớn, trách nhiệm của nhà
quản lý là phải giải quyết nó thật êm đẹp. Đôi lúc nhà quản lý không có điều
kiện để nhìn thấy thái độ tiêu cực của nhân viên. Đó là lý do tại sao động cơ
của người báo tin cần phải được suy xét. Một nhà quản lý tốt, biết quan tâm đến
nhóm làm việc của mình đương nhiên sẽ không muốn thái độ làm việc của một nhân
viên ảnh hưởng đến những người khác”./.
Quốc Bảo-TTDS