[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / Ám ảnh đói nghèo ở làng “siêu đẻ”

Ám ảnh đói nghèo ở làng “siêu đẻ”

GiadinhNet - Trung bình mỗi hộ gia đình có từ 8-10 nhân khẩu, nhiều gia đình có tới 11 đứa con. Đây là thực tế đang diễn ra ở xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Sinh quá nhiều con, bố mẹ vất vả cực nhọc mưu sinh, còn những đứa trẻ không được chăm sóc chu đáo, sớm lam lũ vào đời.
Cuộc sống lam lũ của trẻ em ở xóm”siêu đẻ”.   Ảnh: H.H
Cuộc sống lam lũ của trẻ em ở xóm”siêu đẻ”. Ảnh: H.H

Sinh 9-10 con không phải là chuyện hiếm
Nằm tận cùng của eo núi, heo hút ở phía rìa xã Hưng Yên Nam là ngôi làng có tên rất lạ: Sô Nổ hay còn gọi là “làng đại nghèo”. Đường vào làng nhấp nhô, ngoằn ngoèo, nơi sinh sống của 55 hộ dân với 378 khẩu “góp” từ các xóm khác trong xã về làm kinh tế mới.
Ngôi nhà chị Nguyễn Thị Hải và anh Nguyễn Văn Trình từ cổng vào tới cửa đều mở toang, vắng lặng. Chúng tôi cất tiếng gọi mãi mới thấy một cháu bé chạy ra chào. “Bố đi làm thuê ở Vinh tối mới về, các anh chị đi học, các em thì đi chợ với mẹ, cháu trông nhà…”, cô bé Nguyễn Thị Ngọc (đang học lớp 2,  là con thứ 7 trong số 9 đứa con của chị Hải và anh Trình) nói.
Chúng tôi không khỏi cám cảnh khi nhìn xung quanh. Ngôi nhà nhỏ với bộ bàn ghế cũ kĩ, đơn sơ. Chỗ ngủ cũng là nơi học tập của bọn trẻ, gió lạnh lùa hun hút, chiếc bàn gỗ nứt toác, ngổn ngang sách vở. Ngọc hôm nay bị ốm nên nghỉ ở nhà. Ngồi nói chuyện được một lúc, cháu nằm xuống ngủ li bì.
Quá trưa, chị Hải mới đi chợ về. Chiếc xe máy cà tàng đèo phía sau bốn đứa trẻ lít nhít. Chị cho biết, phải bán cho xong hàng rồi tất tả quay ra trường học đón mấy đứa nhỏ nên về muộn. Chị cũng chẳng hay biết đứa có “nhiệm vụ” trông nhà từ sáng đến giờ đang bị ốm!
Đông con, chồng đi làm cửu vạn ở TP Vinh từ sáng sớm đến tối mịt, chị chạy chợ kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Đầu tắt mặt tối khiến chị không có thời gian, tâm trí để lo lắng cho từng đứa con. Việc ốm, sốt, đau họng… chỉ được coi là cảm vặt, lúc nào rảnh đi lấy liều thuốc về cho uống. “Ở làng quê này, hầu như nhà nào cũng thế”, chị nói.
Giáp nhà chị Hải là gia đình chị Nguyễn Thị Hiển, 45 tuổi và có tới 7 đứa con. Từ lúc lấy chồng, chị gần như sinh nở triền miên. Cuộc sống vẫn chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán và những đồng tiền ít ỏi từ nghề cửu vạn của chồng. Đói nghèo, vất vả vì đông con, cách đây mấy tháng, chiếc máy bơm nước bị hỏng, thay vì đưa máy ra thợ sửa thì chồng chị lại cố sửa ở nhà và bị chết do điện giật, để lại vợ cùng bầy con 7 đứa nheo nhóc. Mấy đứa lớn chỉ học hết lớp7 hoặc lớp 9 rồi đi làm thuê kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi em. Cháu Trần Quốc Vượng, con trai thứ 6 của chị mắc bệnh tim từ nhỏ, nhưng đến nay vẫn chưa một lần được đi khám ở bệnh viện. Mỗi lần cháu bị ngất, chị lại bồng con đến trạm xá nhờ y tá tiêm thuốc rồi đưa về. Cậu bé 11 tuổi mà còi cọc yếu ớt như đứa trẻ lên 8. Khi được hỏi: Tại sao hoàn cảnh khó khăn như thế mà vẫn cố sinh nhiều con? Chị Hiển thản nhiên nói: “Thì ở đây ai cũng đẻ nhiều như thế chứ có phải mình tôi đâu! Trời sinh voi sinh cỏ, rồi chúng nó lớn lên cả mà…” (?!).
Hưng Yên Nam là xã có tỷ lệ giáo dân cao (11/15 xóm), đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vùng trung du bán sơn địa, đất đai rộng nhưng khô cằn, thiếu nước, không trồng rau màu gì được. Một số gia đình đầu tư trồng chanh, còn lại đa số bỏ hoang. Người dân chủ yếu đi vào miền Nam hoặc các thành phố để làm thuê kiếm sống. Ở lại làng giờ chỉ toàn người già, trẻ con. Chợ chỉ họp hai ngày một lần, đông đúc nhộn nhịp lúc sáng sớm, nhưng hơn 11h là đã vắng ngắt. Cuộc sống đói nghèo, vất vả nhưng người dân nơi đây lại sinh rất đông con.
Nỗi lo lắng của các cán bộ dân số
Hơn 40 tuổi, chị Nguyễn Thị Hải đã có 9 đứa con.

Hơn 40 tuổi, chị Nguyễn Thị Hải đã có 9 đứa con.

Đông con, nghèo đói đã kéo theo nhiều hệ lụy, điều lo nhất là có hàng trăm đứa trẻ chỉ học hết cấp 2 rồi tha hương kiếm sống.
Chị Hà Thị Hằng, chuyên trách dân số xã Hưng Yên Nam chia sẻ: “Chúng tôi đã rất cố gắng với mọi biện pháp truyền thông vận động, đến tận nhà dân nói chuyện, tổ chức khám sức khỏe sinh sản, cấp phát thuốc, dụng cụ tránh thai… cho bà con”. Tuần nào chị Hằng cũng cùng các cộng tác viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rồi chủ động phối hợp với Hội Người cao tuổi thành lập CLB Người cao tuổi với công tác dân số, góp tiếng nói tuyên truyền dân số đến từng người dân, nhưng hiệu quả vẫn thấp.
“Cuộc sống khó khăn, rất nhiều trẻ em không học hết cấp 2, cấp 3 nhưng nhận thức người dân lại ấu trĩ, muốn sinh nhiều con, đẻ “dự phòng” và quan niệm “đông con nhiều của”, các con khi lớn sẽ đi làm, kiếm tiền về. Từ đó dẫn đến hậu quả dân số đông nhưng chất lượng không được đảm bảo…”, chị Hằng cho biết.
Ông Nguyễn Kim Bảng, Giám đốc Trung tâm DS- KHHGĐ huyện Hưng Nguyên bộc bạch: “Xã Hưng Trung, Hưng Yên Bắc, Hưng Tây cũng là vùng trung du bán sơn địa, đông giáo dân nhưng không có tình trạng này. Xã Hưng Tây cạnh Hưng Yên Nam, năm 2014 tỷ lệ sinh con thứ 3 là 16,9%, dưới mức trung bình của huyện. Số xóm không sinh con thứ 3 là 8/26 xóm. Trong khi tỷ lệ này ở Hưng Yên Nam là 1/15 xóm. Như vậy, không thể “đổ lỗi” hoàn toàn cho nhận thức của người dân và điều kiện kinh tế khó khăn trong việc có nhiều trường hợp vi phạm chính sách dân số…”.
Ông Bảng chỉ ra một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền nơi đây với công tác dân số chưa được chu đáo, rốt ráo. “Chính quyền đã thực sự vào cuộc hay chưa khi năm vừa qua, nguồn đầu tư nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ của địa phương chỉ có 1 triệu đồng? Việc xử lý vi phạm chính sách dân số còn lỏng lẻo, không nghiêm?”, ông Bảng nói.
Cần sự chung tay của tất cả các ban, ngành
“Năm 2014, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã Hưng Yên Nam là 36,6%, cao nhất tỉnh Nghệ An. Tháng 1/2015 có 13/34 trường hợp đang mang thai con thứ 3, thậm chí thứ 5, thứ 6.
Bản chất của công tác DS-KHHGĐ là truyền thông, vận động nên rất cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các ban, ngành, đoàn thể. Khi các cấp chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc thì cán bộ, cộng tác viên dân số cơ sở dù có tận tâm tận lực đến đâu thì hiệu quả của công việc cũng không thể đạt được như mong muốn”.
Ông Nguyễn Kim Bảng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hưng Nguyên

HỒ HÀ