PGS. TS Nguyễn Viết Tiến nhận Thành tựu trọn đời lĩnh vực Y dược
Năm 2013, Thành tựu y học trọn đời được trao cho PGS. TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc BV Phụ sản T.Ư, Thứ trưởng Bộ Y tế với công trình nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị vô sinh ở Việt Nam. Hơn mười năm nay, vị bác sĩ luôn đau đáu đi tìm vận may cùng các cặp vợ chồng, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho họ. Nhìn lại năm 2013, trong lĩnh vực sản khoa, PV Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Xin được chúc mừng PGS.TS Nguyễn Viết Tiến và công trình nghiên cứu của ông đã được trao Thành tựu trọn đời lĩnh vực Y dược tại Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2013.Ông có thể cho biết một vài điều về công trình “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị vô sinh ở Việt Nam”?
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Giải thưởng Nhân tài đất Việt không chỉ là vinh dự của riêng tôi, mà còn là sự công nhận đối với những đồng nghiệp đã sát cánh để hoàn thành công trình “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị vô sinh ở Việt Nam”, tôi chỉ là người đại diện.
Công trình không chỉ khẳng định thành công của Việt Nam trong lĩnh vực y khoa điều trị hiếm muộn mà các kỹ thuật này đã mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho không biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn.
Thời gian qua, điều trị vô sinh ở Việt Nam áp dụng rất nhiều các kỹ thuật và làm rất thành công. Đặc biệt như Trung tâm hỗ trợ sinh sản của BV Phụ sản T.Ư, tỷ lệ thành công là 50 - 60%, con số mà trước đây chúng tôi không dám nghĩ đến. Hàng năm, Trung tâm hỗ trợ sinh sản tiến hành khoảng 2.000 – 3.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm, đạt tỷ lệ thành công cao.
Trong quá trình thực hiện, những nhu cầu, đòi hỏi từ thực tế chính là thách thức để chúng tôi sáng tạo những kỹ thuật mới, phù hợp, như nuôi cấy phôi, chu kỳ kích thích buồng trứng, chuyển phôi ra sao… Càng làm nhiều, chúng tôi càng có kinh nghiệm, cộng với áp dụng công nghệ tốt, nên tỷ lệ thành công nhiều hơn, các biến chứng với bệnh nhân cũng ít hơn. Đấy là những điểm mới, đáng ghi nhận của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam.
PV: Rõ ràng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, nhưng hiện nay vẫn có nhiều cặp vợ chồng ra nước ngoài chữa trị vì chưa tin tưởng vào nền y học nước nhà. Ông có nhắn nhủ gì đối với người dân, trên cương vị là một bác sĩ trong lĩnh vực này?
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Tôi thật lòng khuyên các cặp vợ chồng vô sinh muốn có con, nếu chưa thử chữa trị ở trong nước, thì không nên ra nước ngoài. Nhiều người không am hiểu sâu về lĩnh vực này, nghĩ rằng chữa trị ở nước ngoài là tốt hơn. Tôi dám khẳng định rằng, ở nước ngoài không giỏi hơn ở Trung tâm chúng tôi. Trong khi đó, điều trị ở trong nước sẽ tiết kiệm được chi phí, ra nước ngoài tốn kém gấp 10 lần. Trong trường hợp chữa chạy mãi không thành công thì hãy ra nước ngoài. Điều trị vô sinh cũng giống như đi tìm vận may, ngoài kỹ thuật còn có yếu tố may mắn nữa.
PV: Vừa qua ở TP Hồ Chí Minh một số bác sĩ có kiến nghị bảo hiểm y tế chi trả cho điều trị vô sinh hiếm muộn, người dân cũng mong muốn điều này vì đây là căn bệnh tốn kém. Là một nhà quản lý, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Nếu được, nguyện vọng của tôi là bảo hiểm y tế chi trả tất cả chi phí cho các cặp vợ chồng điều trị vô sinh hiếm muộn. Ở các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, bảo hiểm chi trả 100% cho những người làm thụ tinh trong ống nghiệm, nếu làm đến lần thứ năm mà chưa được.
Làm việc trong lĩnh vực này đã lâu, tôi chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm. Nhiều vợ chồng không thể có thai bằng phương pháp tự nhiên, nên bắt buộc phải tìm trung tâm hỗ trợ sinh sản, mà những phương pháp này thường rất đắt tiền. Họ khao khát được hạnh phúc thực sự. Nhưng ra nước ngoài thì số tiền này là tiền tỷ, rất may ở Việt Nam giá thành rẻ hơn so với các nước trên thế giới, thậm chí 40 - 50 triệu là có thể làm được rồi. Nhưng mức phí đấy đã được coi là khổng lồ đối với những cặp vợ chồng có thu nhập chưa cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.
Dù vậy, chúng ta cũng phải thông cảm, vì ngân sách hạn chế, chưa thể chi trả được toàn bộ chi phí. Tôi rất chia sẻ, nhưng không thể tìm ra giải pháp cụ thể. Trước mắt năng lực của chúng tra đến đâu có thể trả một phần chi phí cho họ, thí dụ, khoảng 20 - 30% thì cũng đỡ rất nhiều. Vì nhiều người phải bán đất, bán nhà mới có tiền thụ tinh ống nghiệm.
PV: Năm 2013 đã kết thúc, có một vài trường hợp tai biến sản khoa gây nên bức xúc trong dư luận. Ông có chia sẻ gì với dư luận về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Trong năm tới và nhiều năm tới nữa, tai biến sản khoa vẫn không thể tránh được. Tôi mong muốn rằng những người trong ngành y, đặc biệt chuyên ngành ngành sản khoa học tập, trau dồi tay nghề thật tốt để giảm bớt tai biến cho phụ nữ đang mang thai.
Đối với phụ nữ, nên đi khám, tư vấn tiền hôn nhân, khi mang thai cần khám thai đầy đủ. Bởi vì, một số người quan niệm rất sai lầm, nghĩ không cần khám xét nên có nhiều trường hợp khi đến bệnh viện thì bệnh đã nặng, khả năng cứu chữa khó khăn.
Đối với những bác sĩ không có trách nhiệm, không nhiệt tâm với bệnh nhân, chúng ta cần phải lên án. Tất nhiên bên cạnh đấy chúng ta cũng nên chia sẻ với ngành y, có những bệnh lý không thể cứu chữa được, hoặc rất khó cứu chữa, thí dụ như thuyên tắc ối. Truyền thông cũng cần nhìn nhận khách quan, đừng làm người dân hoang mang, đến mức không dám có thai, không dám sinh nở. So với trước đây, tỷ lệ tử vong của các sản phụ đã giảm đi rất nhiều, chúng tôi cũng đang tìm mọi cách để tỷ lệ này giảm hơn nữa.
Mong rằng, người dân và các sản phụ chia sẻ với đội ngũ bác sĩ. Hiện nay, anh em làm sản khoa rất ngại, nhiều bác sĩ nhìn thấy bệnh nhân nguy kịch có khi không dám điều trị, vì không chắc khả năng thành công đến đâu, không cứu được thì mang tội. Có những bệnh nhân nặng, lẽ ra chưa hết hy vọng, nhưng người nhà nhiều lúc làm “căng”, bác sĩ không dám “cầm súng”, trong khi cuộc chiến với bệnh tật chưa chắc mình đã thất bại. Ngay cả ở Nhật Bản, các bác sĩ sản khoa rất ít người thích làm, thậm chí nhiều người bỏ việc vì áp lực rất lớn.
PV: Cám ơn Thứ trưởng về cuộc trò chuyện này. Chúc ông năm mới sức khỏe và nhiều thành công hơn nữa!
AN NGUYÊN THỰC HIỆN Nguồn: http://www.nhandan.com.vn