[6] [dansohungnguyen] [slider-top-big] []
You are here: Home / , Quan niệm về tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên trong cuộc sống:

Quan niệm về tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên trong cuộc sống:

Quan niệm về tinh thần năng động, sáng tạo:
Xã hội hiện  đại  đòi hỏi con người phải có những phẩm chất phù hợp. Bên cạnh những phẩm chất truyền thống, đã trở thành những hằng số như lòng yêu nước, tinh thần nhân văn, cần cù lao động... thì con người trong xã hội mới cũng cần hình thành nên những phẩm chất mới, để đáp ứng những yêu cầu của thời đại mới. Năng động, sáng tạo vừa là một phẩm chất, vừa là một giá trị của con người hiện nay. Năng động, sáng tạo thể hiện trước hết ở khả năng nắm bắt quy luật của đời sống.
Đời sống luôn vận động và biến đổi không ngừng. Đặc biệt, dưới sự tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, tốc độ biến đổi của đời sống trong thế kỷ XXI này lại càng nhanh chóng. Một phát minh của ngày hôm qua rất có thể sẽ trở thành lạc hậu trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, dù là xã hội nông nghiệp hay xã hội hậu công nghiệp, xã hội thông tin thì sự vận động của đời sống cũng phải tuân theo những quy luật nhất định. Người năng động, sáng tạo chính là người nhận thức và nắm bắt được quy luật, những yêu cầu của đời sống đặt ra. Từ đó, họ có thể đề ra những phương án hành động phù hợp và hiệu quả. 
Ảnh:  minh họa

Năng  động, sáng tạo thể hiện sự chủ động của con người trong mọi hoàn cảnh. Người năng động, sáng tạo là người không chấp nhận sự an phận thủ thường. Họ là những người không chấp nhận sự thụ động trong công việc, luôn tìm cách học hỏi và phát huy những sáng kiến cá nhân. Tính tích cực chủ động được họ phát huy cao độ trong tư duy, trong công việc. Tinh thần năng động, sáng tạo được thể hiện chủ yếu trong học tập, lao động, sản xuất, trong công tác. Không bằng lòng với những lối mòn, người năng động, sáng tạo luôn chủ động tìm cho mình một hướng  đi mới, phù hợp với quy luật của  đời sống, đồng thời đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, năng động, sáng tạo không phải là một tố chất bẩm sinh, nó được hình thành trên cơ sở của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự trau dồi về học vấn, kiến thức... Năng động, sáng tạo là những giá trị mới, bổ sung, làm giàu cho bảng thang giá trị của con người Việt Nam.
Quan niệm về ý chí vươn lên trong cuộc sống:
Ý chí vươn lên trong cuộc sống trước hết thể hiện  ở tinh thần vượt khó. Con người khi sinh ra không phải ai cũng có những hoàn cảnh thuận lợi; tương tự như vậy, trên bước  đường  đời, không phải lúc nào con người ta cũng  được  đi trên thảm  đỏ.
Những khó khăn, thậm chí tai họa có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Đứng trước những hoàn cảnh đó, con người thường có hai thái độ ứng xử: một là dễ dàng nhụt chí, đầu hàng trước khó khăn, thất bại; hai là tìm cách để vượt qua những khó khăn thử thách. Người có ý chí vươn lên trong cuộc sống sẽ chọn cách ứng xử thứ hai này. Khó khăn không làm họ nản lòng. Thất bại không làm họ gục ngã. Trái lại, họ tìm mọi cách để vươn lên, làm chủ số phận, làm chủ hoàn cảnh. Ý chí vươn lên trong cuộc sống thể hiện khát vọng vươn tới những chân giá trị. Những người có ý chí vươn lên chính là những người có khát vọng sống mạnh mẽ. Họ có nhiều ước mơ, hoài bão, chí tiến thủ và nỗ lực để biến ước mơ thành hiện thực. Mỗi người đặt ra mục đích phấn đấu của riêng mình. Có người mong muốn vun vén một gia đình hạnh phúc. Có người phấn đấu để được thăng tiến trong sự nghiệp. Có người khát khao đạt được thành công trong nghiên cứu khoa học. Có những người mong mỏi làm giàu… Họ tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự nỗ lực để đạt mục đích cá nhân nào cũng đồng nghĩa với ý chí vươn lên trong cuộc sống. Chỉ những người nào đặt ra những mục đích có ý nghĩa, không làm phương hại đến người khác, phấn đấu vì những giá trị đích thực cho bản thân họ hoặc cho cộng đồng, cho xã hội mới được xem là người có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Giữa tinh thần năng động, sáng tạo và ý chí vươn lên trong cuộc sống có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tinh thần năng động, sáng tạo giúp cho ý chí vươn lên trong cuộc sống trở thành hiện thực. Nếu chỉ có ý chí vươn lên không thôi thì chưa đủ, nó giống như việc chỉ đặt ra mục tiêu để phấn đấu mà không có phương pháp, kế hoạch hành động thì mục tiêu đó mãi là cái đích xa vời. Sự kết hợp giữa tinh thần năng động, sáng tạo và ý chí vươn lên trong cuộc sống giúp cho con người làm chủ hoàn cảnh, phát huy sáng kiến cá nhân để đạt được những thành công như mong muốn.
Vai trò của tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên trong cuộc sống của người phụ nữ trong giai đoạn hiện nay:
Khẳng định được vị thế của người phụ nữ trong gia đình, xã hội:
Đối với người phụ nữ hiện đại, việc trang bị cho mình những phẩm chất như tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên trong cuộc sống là hết sức cần thiết. Như đã trình bày ở trên, tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên trong cuộc sống được hình thành trên nền tảng của tri thức, của sự nắm bắt được những quy luật khách quan của cuộc sống. Khi người phụ nữ có tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên trong cuộc sống tức là họ đã vượt thoát khỏi những định kiến về giới, làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh. Sự chủ động này giúp cho người phụ nữ khắc phục được những hạn chế, phát huy được những năng lực của mình. Sự năng động, sáng tạo giúp họ tiếp cận thông tin và trao đổi thông tin, từ đó hình thành những năng lực phi  thị trường và những năng lực thị trường. Năng lực phi thị trường đó chính là những kiến thức về giới, về sức khỏe, về cách thức chăm sóc gia đình, con cái… Năng lực thị trường hiểu một cách khái quát nhất chính là khả năng thích ứng với xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Nó có thể là năng lực sản xuất, kinh doanh, marketing và hàng loạt những kỹ năng nghề nghiệp khác… Như vậy, từ trong khuôn khổ gia đình, khi được trang bị những phẩm chất mới như tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên trong cuộc sống, người phụ nữ có thể tự tin hòa nhập với xã hội. Với những phẩm chất ấy, một mặt, họ vẫn hoàn thành thiên chức của người mẹ, vai trò của người vợ trong gia đình, mặt khác, họ lại có những đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội. Vị thế của người phụ nữ, do đó, càng được khẳng định.
Đóng góp vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước:
Dù quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn ở chỗ này, chỗ kia, dù cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ vẫn đang tiếp tục, nhưng không thể phủ nhận một thực tế rằng nữ giới ngày càng có nhiều đóng góp đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Với tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên trong cuộc sống, nhiều tấm gương phụ nữ đạt thành công xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực đã xuất hiện.
Ở Việt Nam, lực lượng lao động nữ hiện đang chiếm ưu thế ở các ngành nghề như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngân hàng, marketing, kinh doanh, tổ chức nhân sự, may mặc, thủy sản… Những câu lạc bộ nữ doanh nhân ngày càng kết nạp thêm nhiều gương mặt mới. Từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu ta cũng có thể gặp những gương mặt phụ nữ làm kinh tế giỏi. Không chỉ dừng lại kinh tế,hộ gia đình như trong xã hội truyền thống, nhiều phụ nữ đã đảm nhiệm vai trò đứng đầunhững công ty, tổng công ty lớn mà phạm vi sản xuất, kinh doanh mở rộng ra ngoài biên giới quốc gia. Phụ nữ Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ trong tỷ trọng GDP. Chính tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên trong cuộc sống đã khiến nhiều phụ nữ không cam chịu hoàn cảnh, nỗ lực vươn lên, làm giàu cho gia đình, cho đất nước. Cũng chính nhờ phát huy tính năng động, sáng tạo mà người phụ nữ có thể làm tốt hơn những thiên chức của mình như nuôi dưỡng, giáo dục con cái, bảo tồn và trao truyền văn hóa cho thế hệ sau. Ở khía cạnh này, người phụ nữ đóng góp phần không nhỏ vào sự phát triển văn hóa dân tộc, vào sự ổn định và tiến bộ của xã hội.
                                Biên soạn theo tài liệu của Hội LHPN Việt Nam